| Hotline: 0983.970.780

Người dân Đường Lâm sống khỏe nhờ di sản?

Thứ Năm 16/01/2014 , 10:29 (GMT+7)

"Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị làng cổ ở Đường Lâm" nếu được triển khai, người dân sẽ được hưởng lợi rất nhiều.

Sau chục năm được công nhận là Di tích quốc gia, mới đây, Làng cổ Đường Lâm đã được UBND TP. Hà Nội phê duyệt "Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị làng cổ ở Đường Lâm" (quy hoạch). Hy vọng, sau khi quy hoạch được triển khai, người dân Đường Lâm có thể sống tốt trong di tích.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Trưởng BQL Di tích làng cổ Đường Lâm Phạm Hùng Sơn để làm rõ hơn vấn đề này.

Thưa ông, theo nội dung quy hoạch, nhà cổ, di tích lịch sử và các công trình kiến trúc cổ được coi là “linh hồn” của làng cổ ở Đường Lâm sẽ được ứng xử, điều chỉnh như thế nào?

Trên tinh thần giữ nguyên cấu trúc làng cổ, di tích đã xếp hạng và các công trình trúc cổ sẽ được bảo tồn nghiêm ngặt, còn nhà cổ sẽ được bảo tồn chọn lọc, tôn trọng sự phát triển.

Cụ thể, di tích đình Mông Phụ, Đoài Giáp, chùa Mía, đền thờ Thám hoa Giang Văn Minh, đền Phùng Hưng, Ngô Quyền… khi tu bổ, tôn tạo phải tuân thủ các quy định của Luật Di sản văn hóa; các công trình kiến trúc cổ (điếm, gò quán, lăng mộ, các giếng làng…) cũng sẽ được quan tâm tu bổ, tôn tạo.


Người dân Đường Lâm được cho là sẽ hưởng lợi từ di sản

Riêng nhà ở thôn Mông Phụ (khu vực bảo vệ 1) sẽ được đánh giá, phân nhóm thành 4 loại nhà. Nhà ở tại các thôn khác cũng được phân loại tương tự như vùng bảo vệ, trong đó loại nhà 1 và 2 bảo tồn như vùng 1, loại nhà 3 và 4 được xây dựng nhà ở không quá 3 tầng (2 tầng chính và 1 tầng lửng)… nhưng phải có sự đồng ý của các cơ quan chức năng.

Những ngôi nhà cải tạo hoặc xây mới phải theo mẫu thống nhất, phù hợp với không gian, cảnh quan làng cổ.

Theo quy hoạch, người dân sẽ được hưởng lợi ích gì?

Quy hoạch được triển khai, người dân sẽ được hưởng lợi rất nhiều. Cái lợi đầu tiên đó là các gia đình đủ điều kiện sẽ được cấp đất giãn dân tại thôn Phụ Khang, góp phần giải quyết bức xúc về chỗ ở. Thứ nữa là người dân được biết ngôi nhà của mình sẽ được xây dựng, cải tạo trong khu vực di tích như thế nào, thủ tục cấp phép xây dựng cũng sẽ đơn giản hơn.

Trước đây, người dân muốn xây dựng, cải tạo nhà phải lên tận Bộ VHTTDL, rồi Sở VHTTDL, Sở Xây dựng… xin phép, thì nay TX. Sơn Tây sẽ là đơn vị cấp phép xây dựng cho nguời dân, sẽ quản lý các quy hoạch, kiến trúc các ngôi nhà. Hơn thế, các cơ quan chức năng sẽ hỗ trợ người dân trong quá trình thiết kế xây dựng, hỗ trợ kinh phí tu bổ, tôn tạo nhà cổ.

Dự kiến, loại nhà 1 sẽ được hỗ trợ 100%, các di tích chưa xếp hạng và loại nhà 2 sẽ được hỗ trợ 60%, những ngôi nhà truyền thống sẽ được hỗ trợ cải tạo, hoặc xây mới theo mẫu thiết kế chung, hỗ trợ vay tiền xây nhà...

Việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, hỗ trợ đào tạo nghề, nâng cao sản phẩm du lịch ở Đường Lâm sẽ được quan tâm hơn nữa, từng bước biến sản phẩm nông nghiệp thành sản phẩm du lịch để những người dân không có nhà cổ, chỉ làm nông nghiệp vẫn có thể thu lợi từ di tích, du lịch. Trạm y tế, trụ sở ủy ban, trường học… cũng sẽ được đầu tư xây dựng theo lộ trình.

Liệu những mâu thuẫn kéo dài giữa một bên là bảo tồn nguyên vẹn di tích, một bên là nhu cầu được sống, được sinh hoạt trong không gian hiện đại của người dân giữa làng cổ có được giải quyết không?

Tôi tin là có. 78% người dân Đường Lâm đang làm nông nghiệp, lại có những sản phẩm hết sức đặc trưng như: gà Mía, tương, chè lam, kẹo vừng, kẹo rồi, bánh gai…, vì thế khi có những chính sách hỗ trợ cụ thể đưa sản phẩm nông nghiệp thành sản phẩm du lịch, chắc chắn người dân sẽ nâng cao thu nhập từ những công việc thường nhật.

Tổ chức JICA (Nhật Bản) đang hỗ trợ người dân SX, bán sản phẩm, đưa khách đến để khách trải nghiệm nông nghiệp, hướng dẫn người dân kinh doanh dịch vụ ăn uống và học cách đón tiếp khách. Song song với việc phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm phục vụ du lịch, các cơ quan chức năng từng bước xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm này để tạo uy tín.

Thông qua, Hội Cựu chiến binh, năm 2014, TX dành 1 tỷ đồng hỗ trợ cho người dân vay vốn phát triển SX, làm du lịch. Với vai trò quản lý trực tiếp, BQL Di tích làng cổ Đường Lâm sẽ tham mưu cho các cơ quan chức năng dành 60% kinh phí thu được từ bán vé tham quan cho người dân Đường Lâm phát triển kinh tế, xã hội.

Giúp người dân sớm ổn định cuộc sống, TX đã mời đơn vị tư vấn là Viện Bảo tồn di tích xây dựng dự án thiết kế nhà ở. Tại những điểm đón tiếp khách, TX sẽ ưu tiên để người dân Đường Lâm làm việc, không lấy người ngoài vào.

Xin cám ơn ông!

"Theo quy hoạch được phê duyệt cùng với những chính sách quan tâm của TP. Hà Nội và TX. Sơn Tây, tôi tin chắc người dân Đường Lâm sẽ sống được cùng di tích để khai thác, phát huy các giá trị của di tích. Để làm được điều này, tôi mong muốn người dân Đường Lâm sớm thay đổi nhận thức về di sản, học cách làm du lịch", ông Phạm Hùng Sơn.

Xem thêm
Tuấn Hưng hoàn tiền vé cho khán giả vì hát không tốt

Sáng 16/4, ca sĩ Tuấn Hưng đã chia sẻ việc hoàn trả tiền cho các khản giả cảm thấy không hài lòng ở Show diễn 'Gửi ngàn lời yêu' diễn ra vào ngày 14/4.

Nhận định Borussia Dortmund vs Atletico Madrid: Khách lấn chủ

Trận tứ kết Champions League 2023/2024 giữa Borussia Dortmund vs Atletico Madrid sẽ diễn ra vào lúc 2h00 ngày 17/4/2024 trên sân vận động Signal Iduna Park.

HLV Hoàng Anh Tuấn: 'U23 Việt Nam sẵn sàng cho trận mở đầu gặp U23 Kuwait'

HLV Hoàng Anh Tuấn nói về sự chuẩn bị của U23 Việt Nam trước trận gặp U23 Kuwait ở vòng chung kết U23 châu Á 2024.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.