| Hotline: 0983.970.780

Hồ Xuân Hùng và những vần thơ tự bạch

Chủ Nhật 01/01/2012 , 07:30 (GMT+7)

Nói như Nguyễn Thụy Kha thì “Hồ Xuân Hùng không phải là một chính khách làm thơ, mà là một người thơ làm chính khách"...

"Nhà thơ chính khách" Hồ Xuân Hùng

1. Hồ Xuân Hùng và tôi cùng học cấp 3 trường huyện. Thời ấy cuộc chiến tranh đang rất ác liệt.

Tôi vào bộ đội trước, rồi Hùng cũng vào bộ đội đi chiến đấu tận chiến trường cực nam và Campuchia. 15 năm sau tôi gặp lại anh ở quê, uống với nhau một cuộc rượu trắng đêm và đọc thơ rào rạt như mưa mùa hạ. Lúc ấy anh là trưởng phòng ở Sở Thương nghiệp tỉnh. Tôi bày trò xem tướng và phán Hùng sẽ làm đến Chủ tịch tỉnh! Điều đó về sau quả là đúng, nhưng chỉ hơn một nhiệm kỳ, anh ra Hà Nội làm Phó ban rồi Thứ trưởng cho đến lúc nghỉ hưu.

Trong cuộc rượu - thơ đó tôi rất “kết” với bài thơ Nhớ của anh. Bài thơ nhắc tôi nhớ về những phiên chợ quê đầu làng anh với những chi tiết dân dã vừa thương vừa vui:

Lâu không theo mẹ đi chợ Dàn

Xem “chó leo dây” đứng thèm nhỏ dãi

…Đến hàng bánh đúc không muốn về, đứng mãi

Lâu không theo bố đi chợ Si

Đến quầy hàng vải

Mình muốn một cái áo mới

Đành đợi đến Tết thôi…

Hà Nội gặp bạn. Mấy thằng cùng một lứa

Ngồi nghĩ lại thuở xưa

Trời mưa

Muốn đi chợ Dàn

Xách một túi RTC

Để cùng cười ha hả…

Bài thơ ấy như là lời tự bạch của một người con với miềm quê yêu dấu. 

2. Cái giọng thơ “tự bạch” vừa thương vừa vui ấy cũng là cách sống của anh giữa cuộc đời. Tôi biết Hùng luôn tâm niệm, trăn trở về những người đồng đội đã hi sinh, hoặc đang còn sống cuộc sống đầy khó khăn sau chiến tranh. Anh thường nhớ nhung và nhiều lần trở lại vùng chiến trường xưa mà anh đã gắn bó và được chở che. Nhiều bài thơ anh viết sau những lần gặp gỡ đồng đội, sau những chuyến đi về vùng sâu vùng xa đều mang nhiều day dứt và gửi gắm. Những câu thơ mộc mạc, chân chất như đời lính hôm nào:

Gặp nhau chưa kịp hỏi han

Ôm nhau cười khóc, tưởng quên nhau rồi

- Sao mày?

- Vẫn cứ thế thôi

Ngày vui đồng ruộng, tối vui gia đình.

(Gặp bạn)

Những câu thơ xót đau và chia sẻ:

Bạn tôi:

Đứa nằm lại nơi chiến trường xa

Đứa cụt què, bệnh tật

Đứa nhiễm chất độc màu da cam

Đứa khoác ba lô vào trường đại học…

Nay có người giàu sang

Kín cổng tường cao, bạn bè không dễ đến

Có người đủ lương sống qua ngày, đoạn tháng

Cũng có người thất nghiệp

Có người đang ngày đêm vật lộn

Đấu tranh cho lẽ phải công bằng

Bảo vệ trường tồn những đồng đội đã hi sinh.

(Nhớ bạn)

Những địa danh như U Minh Thượng, Ngã Ba Đông Dương, Rừng Tràm Dưỡng… cứ ám ảnh thơ anh và trở đi trở lại như không thể nguôi quên. Đó cũng là nơi anh đã hiến tuổi xuân của mình cho dân cho nước, để rồi có ngày trở lại mà thương cảm ngẩn ngơ:

Con về thăm má trời mưa

Cạn khô dòng lệ nói chưa nên lời

…Hương tràm thơm tiếng thở dài

Bạn tôi, những nấm mộ ngoài đầu kinh… 

3. Hồ Xuân Hùng là một người thích nghe hát và… thích hát. Một lần giao lưu thơ nhạc, anh lên sân khấu không đọc thơ mà lại hát “Đôi mắt đò ngang” của tôi. Anh thích bài hát này khi tôi vừa mới sáng tác và hứng lên, anh rủ tôi về làng anh hát cho dân anh nghe. Rồi anh thuộc nhập tâm. Giọng anh rất ấm và truyền cảm. Có lẽ vì thế mà thơ anh nhiều nhạc điệu, khiến mấy nhạc sĩ phổ nhạc. Riêng nhạc sĩ Hồ Hữu Thới có đến dăm ca khúc từ thơ của anh như “Nếu Hà Nội không có mùa đông”, “Kiên Giang một thời để nhớ”, "Sông Hương bến đợi", "Vinh - thành phố nghĩa tình”, “Tây Nguyên ơi hãy nổi trống lên”… Thì ra anh là người đa cảm, đến đâu cũng nhìn thấy thơ trong cuộc sống đượm tình. Vâng, có khi là tình em, và có khi em chỉ là cái cớ cho hồn thơ tuôn chảy.

Nếu Hà Nội không có mùa đông

Chắc lá bàng không rơi đầy lối ngõ

Để em không đi về bên đó

Đây lối này, anh đợi chờ em…

(Nếu Hà Nội không có mùa đông)

Câu hò tan nắng buổi chiều

Hương Giang ơi, biết có yêu để chờ?

(Sông Hương bến đợi)

Có lẽ công việc và hội họp đã được làm mềm đi bởi những bài thơ trữ tình. Phải chăng, thơ đã góp phần lập lại thế cân bằng cho tâm hồn anh? Đọc những bài thơ tình của Hùng, tôi đã mỉm cười mà nghĩ thế. Tình yêu đã làm cho “mưa đêm thành Vinh” cũng chẳng nỡ lòng nào kéo dài ra mãi: “Em hẹn anh tạnh mưa hãy tới/ Thương nhau nhiều, mưa, mưa mãi sao đang”. Tình yêu đã làm cho người con trai phải “nhớ miền Tây Bắc”: “Em thương nhớ ai em đi chợ tình/ Tình theo em ra chợ/ Ta thương nhớ em, ta về bản nhỏ…”. Tình yêu từ “đôi mắt cô gái Chăm Bà Ni” khiến người con trai nhận ra: “Tiếng trống Pa Ra Nưng không giữ chân người con gái/ Nhưng giữ trái tim người con trai”. Tình yêu làm cho người lính xưa đầy mơ mộng trong đêm “trăng suông trên Vàm Cỏ Tây”:

Em đi chở mảnh trăng đêm

Anh về ôm mộng tơ duyên với mình

Lênh đênh trong cõi vô hình

Vớt trăng, vớt cả lục bình và em…

Và đôi khi, tình yêu là cả một núi buồn:

Anh tưởng là em giận hờn anh

Một núi buồn dâng lên vô cớ.

Những cung bậc tình yêu luôn dạt dào và lắng đọng trong thơ Hồ Xuân Hùng. Đó là sự trải lòng, chia sẻ, giăng mắc hồn người. 

4. Là một chính khách mang tâm hồn thơ, nên thơ Hồ Xuân Hùng thường gắn với thế sự. Những trở trăn về con đường làm ăn, đổi mới luôn canh cánh bên lòng. Tôi nhớ hồi Hùng còn làm việc ở Ban Vật giá Chính phủ, anh rất tâm đắc một câu thơ tôi viết mấy chục năm trước: “Giá chợ đen ngoảnh mặt với tiền lương”. Anh nói, câu thơ đó làm nhói lòng anh, vì mấy chục năm rồi mà nó vẫn như mới viết ra. Có lẽ vì thế mà từ công việc quản lý giá, anh đã viết nên những câu thơ cũng thật nhói lòng:

Giá người ra tử, vào sinh

Làm sao tính đủ phân minh bạc tiền

Giá người vào cuộc đỏ đen

Giá duyên, giá nợ, giá quên, giá mà…

(Giá)

Đó là lối nghĩ sâu sắc của một người sống có trước có sau, và biết đau những nỗi đau lớn cùng số phận con người. Đó là lối nghĩ luôn hướng về văn hóa và tôn trọng văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Theo tôi biết thì thời làm Chủ tịch tỉnh Nghệ An, anh rất quan tâm đến văn hóa văn nghệ và báo chí, bởi đó không chỉ là món ăn tinh thần mà còn là nền tảng xây dựng con người. Cũng trong thời gian ngắn ngủi ấy, anh đã cho tu bổ và xây dựng lại hàng loạt di tích văn hóa, đền chùa một thời đã bị đập phá không thương tiếc. Là một con người luôn khát vọng “làm một cái gì đó” cho ích nước lợi dân, nhưng ước mơ và hiện thực thường có khoảng cách, nên thơ anh nhiều lần chùng xuống trong ngẫm ngợi trầm tư:

Câu thơ ngân mãi, xuân chưa tới

Ta chắt rượu đời rót chén xuân

Hoặc nặng lòng nặng nợ:

Không đam mê, cũng đam mê

Oằn lưng “đổi mới” bộn bề chưa xong

Nay về lo việc Tam Nông

Một đời nặng nợ với dân với đời.

(Về Bộ Nông nghiệp…)

Nay tập thơ Nhớ của anh vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, tôi đọc và chia sẻ cùng người bạn ấu thơ và hẹn Tết này thảnh thơi lại về quê nâng ly rượu chúc mừng anh - nói như Nguyễn Thụy Kha - “Hồ Xuân Hùng không phải là một chính khách làm thơ, mà là một người thơ làm chính khách”. Và tôi vẫn tin ở anh, “người thơ” mãi mãi vẫn còn thơ…

Những câu thơ thế sự của anh thường chứa nhiều ẩn dụ, đôi lúc yếm thế, nhưng rốt cuộc lại là tiếng lòng chân thật và nồng ấm. Đó cũng là cách sống của một người biết. Biết mình, biết người, biết thời, biết thế. Nhờ thế mà anh có những câu thơ đầy trải nghiệm: “Lòng tốt sau khi đá dạy ta mềm mỏng”, “Buồn vui cũng vãn cảnh chùa/ Thoáng như Nguyễn Trãi mới vừa qua đây”. Và có những câu thơ thật nhẹ nhàng như một người cầu thủ xuất sắc đã làm xong nhiệm vụ của mình: “Thôi cầu thủ/ trở thành khán giả…”. 

5. Cách đây mười năm, Hồ Xuân Hùng đưa tôi bản thảo mấy chục bài thơ, nhờ đọc và góp ý. Có mấy bài cứ lay động tôi mãi. Nhưng tôi khuyên anh làm thơ thêm nữa, lúc nào về hưu hãy chọn lại, in thành tập. Giờ đang làm quan, in thơ chẳng vội gì. Làm quan thường kín đáo, làm thơ là bộc lộ cõi lòng. Vâng, thơ là sự rung cảm từ cõi lòng của người ta. Hồ Xuân Hùng đã bộc lộ cõi lòng thành của mình trong câu trong chữ. Đọc anh, tôi hiểu hơn phần sâu thẳm của một con người biết đau thương và tự hào về lẽ sống, tình yêu trước cuộc đời đầy sóng gió. Và thơ, đôi khi đã cứu rỗi chính anh.

Hà Nội, cuối Đông 2011

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

U23 Việt Nam hứng khởi trước trận gặp U23 Uzbekistan

Các cầu thủ và ban huấn luyện U23 Việt Nam bày tỏ sự hứng khởi trước trận gặp U23 Uzbekistan tại lượt trận cuối bảng D vòng chung kết U23 châu Á 2024.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.