| Hotline: 0983.970.780

Kiểm lâm Việt Nam- 40 năm xây dựng & trưởng thành

Thứ Tư 15/05/2013 , 10:43 (GMT+7)

Kể từ khi thành lập đến nay, lực lượng kiểm lâm VN (LLKL) đã đạt được những thành tựu to lớn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Kể từ khi thành lập đến nay, lực lượng kiểm lâm VN (LLKL) đã đạt được những thành tựu to lớn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm lực lượng kiểm lâm VN (21/5/1973 - 21/5/2013), NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Dũng (ảnh), Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp).

Thưa ông, 40 năm qua LLKL đã đạt những thành quả nào? Khó khăn lớn nhất trong công tác bảo vệ rừng và thực thi pháp luật bảo vệ và phát triển rừng trong giai đoạn hiện nay là gì?

Nhìn lại chặng đường 40 năm hoạt động, LLKL xứng đáng tự hào. Mặc dù trải qua nhiều gian nan, thử thách, nhưng được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ NN-PTNT, LLKL được phát triển mạnh mẽ về số lượng và chất lượng.

Đến nay, toàn bộ 63 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương đã thành lập Chi cục Kiểm lâm. Hệ thống kiểm lâm được hình thành từ Trung ương đến tỉnh, huyện, xã bám dân, bám rừng, thực sự là lực lượng nòng cốt và chuyên trách thực hiện chức năng QL&BVR, tham mưu cho ngành và chính quyền các cấp thực hiện chính sách và pháp luật của Nhà nước về QL&BVR. Đặc biệt là sự đóng góp to lớn giữ gìn màu xanh cho Tổ quốc, đưa độ che phủ của rừng từ 28% năm 1992 lên 38.7% năm 2011.

Hiện tổng biên chế của LLKL gần 12.000 người, từ 5% có trình độ chuyên môn về lâm nghiệp đến nay đã đạt trên 95% được đào tạo bài bản. Trang thiết bị cho LLKL cũng từng bước được hiện đại hoá phục vụ công tác QL&BVR.

Nhiều đơn vị kiểm lâm trên toàn quốc đã sử dụng thành thạo công nghệ thông tin trong theo dõi diễn biến rừng, quản lý lâm sản; sử dụng công nghệ viễn thám phát hiện sớm lửa rừng; vũ khí, công cụ hỗ trợ và tập huấn võ thuật đã góp phần nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật trên một mặt trận đầy khó khăn gian khổ và khốc liệt.

Chính sách, chế độ từng bước được hoàn thiện tương xứng với những đóng góp mà cán bộ, công chức kiểm lâm đóng góp cho xã hội như phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp thâm niên nghề, chế độ thương binh, liệt sỹ, ngạch bậc công chức.

Tuy nhiên công tác QL&BVR vẫn chưa có những chuyển biến căn bản, tài nguyên rừng vẫn tiếp tục bị xâm hại, diện tích rừng tự nhiên giảm sút cả về diện tích và chất lượng do chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, phá rừng cháy rừng, buôn bán trái phép động thực vật hoang dã có lúc, có nơi chưa được kiểm soát; tình trạng chống người thi hành công vụ diễn biến phức tạp, gây bất bình trong dự luận.

LLKL mỏng, địa vị pháp lý hạn chế, trang thiết bị, phương tiện chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao. Cán bộ kiểm lâm địa bàn còn thiếu nhiều, phải kiêm nhiệm nhiều xã.

Một số kiểm lâm địa bàn thiếu năng lực phát hiện kịp thời các vụ phá rừng, khai thác rừng trái phép, chưa tham mưu cho chính quyền các biện pháp quản lý. Một bộ phận dao động trước khó khăn, thậm chí có biểu hiện tiêu cực, bị mua chuộc, tiếp tay cho hành vi trái pháp luật.

Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng trên?

Trong nhiều năm, tổ chức kiểm lâm chưa thống nhất và không ổn định nên hiệu lực bị hạn chế; còn tồn tại nhiều “loại hình tổ chức kiểm lâm", với cơ cấu tổ chức, cơ chế chỉ đạo điều hành, chế độ chính sách, trang thiết khác nhau; việc tách ra, nhập vào - thậm chí có nơi bị giải thể - làm cho khả năng hoạt động và hiệu lực quản lý Nhà nước về công tác QL&BVR bị giảm sút, coi nhẹ.

Hơn nữa, sự quan tâm của các cấp, các ngành đối với tổ chức kiểm lâm không đồng đều, có nơi còn “khoán trắng” cho kiểm lâm. Vì vậy chưa tạo được sức mạnh tổng hợp trong sự nghiệp bảo vệ rừng;

Kiểm lâm là lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của Nhà nước, có chức năng thừa hành pháp luật BV&PTR nhưng lại trực thuộc cơ quan chuyên môn (Sở NN-PTNT) nên có nhiều hạn chế trong việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra, thừa hành pháp luật được giao. Liên quan đến vấn đề này đã có nhiều ý kiến lo ngại về hiện tượng "vừa đã bóng, vừa thổi còi";

Vị thế pháp lý của kiểm lâm chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ được giao, chưa được xác lập quyền hạn pháp lý đủ mạnh của cơ quan thừa hành pháp luật về rừng để thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả trong khi tình hình phá rừng, tình trạng vi phạm pháp luật về rừng vẫn ở mức độ nghiêm trọng, và sự chống đối, tấn công của lâm tặc vào LLKL ngày càng gia tăng;

Biên chế LLKL còn thiếu, đặc biệt là kiểm lâm phụ trách địa bàn. Theo quy định thì định mức biên chế bình quân toàn quốc là 1.000 ha rừng thì có 1 biên chế kiểm lâm và đối với rừng đặc dụng cứ 500 ha có 1 biên chế kiểm lâm. Tuy nhiên trên thực tế tại nhiều địa phương 1 kiểm lâm địa bàn phải phụ trách hơn 10.000 ha rừng, nhiều nơi chưa bố trí được kiểm lâm địa bàn;

Mặc dù bước đầu được đầu tư, song nhìn chung phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng, vũ khí, công cụ hỗ trợ cho đảm bảo thi hành pháp luật còn rất hạn chế và lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Chữa cháy rừng vẫn chủ yếu dùng công cụ tại chỗ rất thô sơ.

Trong thời gian tới, để thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng Bộ NN-PTNT sẽ chỉ đạo triển khai những giải pháp gì?

Trong 5 năm (từ 2008 - 2012), cả nước đã phát hiện và xử lý 42.064 vụ vi phạm Luật BV&PTR; diện tích rừng bị phá 11.693 ha, bình quân mỗi năm mất 2.338 ha rừng.

Năm 2012 số vụ vi phạm giảm 3,3%; diện tích rừng bị thiệt hại giảm 50,1 % so với bình quân 5 năm; trong 3 tháng đầu năm 2013, cả nước phát hiện và xử lý 5.878 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm 2012.

Để tăng cường công tác quản lý BV&PTR, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng phá rừng, kiên quyết lập lại trật tự kỷ cương trong công tác QL&BVR, Bộ NN-PTNT đã ban hành các quy định, chỉ đạo về công tác bảo vệ rừng; tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan và địa phương thực hiện nhiều giải pháp, chương trình. Cụ thể là:

1) Chỉ đạo quyết liệt các địa phương nghiêm túc triển khai, thực hiện các các Chỉ thị 12/2003/CT-TTg ngày 16/5/2003; Chỉ thị 08/2006/CT-TTg ngày 08/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ Về việc tăng cường các biện pháp cấp bách ngăn chặn tình trạng chặt phá, đốt rừng, khai thác rừng trái phép; Chỉ thị số 1685/CT-TTg ngày 27/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ; Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 8/2/2012 ban hành một số cơ chế chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng.

2) Tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 594/QĐ-TTg ngày 15/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013-2016, phấn đấu hoàn thành cơ bản vào năm 2016.

3) Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, phổ biến các văn bản, quy định của Nhà nước về QL&BVR, phòng cháy chữa cháy rừng nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của toàn dân tiến tới xã hội hóa công tác bảo vệ rừng và PCCCR.

4) Tiếp tục thực hiện chính sách giao rừng, cho thuê rừng cho các tổ chức, cộng đồng, hộ gia đình cá nhân quản lý bảo vệ sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp; nhằm gắn trách nhiệm và huy động các nguồn lực tham gia công tác BV&PTR.

5) Tổ chức xây dựng và thực hiện Đề án: Nâng cao năng lực hiệu quả hoạt động kiểm lâm giai đoạn 2013 - 2020.

Để chuẩn bị kỷ niệm 40 năm ngày thành lập LLKL, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo LLKL các địa phương thực hiện những nhiệm vụ thiết thực nào?

Ngay từ đầu năm 2012, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo, thống nhất về chủ trương tổ chức kỷ niệm 40 năm ngày thành lập LLKL vào dịp 21/5/2013, trên tinh thần long trọng, thiết thực và hiệu quả.

Bộ NN-PTNT đã giao Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp) hướng dẫn các địa phương tổ chức các hoạt động kỷ niệm. Ngay từ đầu năm 2012, Cục Kiểm lâm đã tổ chức phát động đợt thi đua lập thành tích kỷ niệm 40 năm với mục đích nhằm tạo ra sự chuyển biến rõ rệt trong lực lượng kiểm lâm từ nhận thức đến hành động và hiệu quả công tác;

Hàng trăm đơn vị và cá nhân trong lực lượng kiểm lâm đã được các tỉnh, thành phố khen thưởng. Hội đồng thi đua, khen thưởng Cục Kiểm lâm cũng đã xem xét đề nghị khen thưởng của các đơn vị. Theo đó, đã đề nghị Bộ NN-PTNT tặng bằng khen cho 96 tập thể, 139 cá nhân; Tổng cục Lâm nghiệp tặng giấy khen cho 125 tập thể, 207 cá nhân.

Phát huy đầy đủ vai trò và trách nhiệm là lực lượng nòng cốt trong việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về BV&PTR; Kịp thời tôn vinh những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc tiêu biểu nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập LLKL;

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và nhân rộng những điển hình tiên tiến QL&BVR tốt, thiết thực góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội đối với công tác QL&BVR.

Nội dung của đợt thi đua tập trung theo ba chủ đề chính, đó là: Kiểm lâm gắn với rừng; Kiểm lâm tinh thông về nghiệp vụ; Kiểm lâm trong sạch vững mạnh. Phong trào thi đua có những chỉ tiêu cụ thể đối với từng tập thể, cá nhân trong lực lượng kiểm lâm.

Trên cơ sở đợt phát động thi đua, các đơn vị kiểm lâm từ trung ương đến địa phương quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc. Hầu hết các đơn vị có kế hoạch rõ ràng, tổ chức ký kết giao ước thi đua, phân công lãnh đạo phụ trách.

Xem thêm
Lợi ích của trồng rừng đạt chứng chỉ FSC

Chứng chỉ rừng FSC giúp tăng giá trị của sản phẩm và mặt hàng từ 20 - 30% so với những sản phẩm cùng loại, góp phần khai mở kiến thức người trồng rừng...

Nghệ An thực hiện tốt Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững

Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tạo chuyển biến căn cơ trên địa bàn Nghệ An, tỉnh này triển khai thực sự hiệu quả thông qua tỷ lệ giải ngân 100%.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.