| Hotline: 0983.970.780

"Ông sầu riêng"

Thứ Tư 04/01/2012 , 09:51 (GMT+7)

Vốn là dân ngành công nghiệp, nhưng ông Nguyễn Tiến Tài, ấp Sân Bay, xã Tân Phong, huyện Tân Biên (Tây Ninh) đã sớm bén duyên với “nghiệp vườn”...

Sản phẩm sầu riêng của ông Tài đoạt giải trái cây ngon lạ trong Hội thi trái cây ngon

Vốn là dân ngành công nghiệp, nhưng ông Nguyễn Tiến Tài, ấp Sân Bay, xã Tân Phong, huyện Tân Biên (Tây Ninh) đã sớm bén duyên với “nghiệp vườn”. Tuy nhiên, sau nhiều lần trồng cây trái thất bại, ông đã tự mày mò lai tạo thành công được giống sầu riêng mới có hương vị thơm ngon đặc biệt nổi tiếng khắp vùng…

 

BÉN DUYÊN “NGHIỆP VƯỜN”

Cuối năm, chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Tiến Tài (Tư Tài), người dân địa phương quen gọi là “ông sầu riêng”. Lúc này vợ chồng ông Tư Tài đang mải mê vào đợt cắt ghép những cây sầu riêng hạt trên nhánh chồi của các gốc cây cũ trong vườn.

Dẫn chúng tôi vào tham quan khu vườn sầu riêng, ông Tài vui vẻ tâm sự: “Ngày xuân cũng chính là mùa sầu riêng bắt đầu nở hoa và đâm chồi nảy lộc mạnh. Do vậy năm nào tôi cũng tranh thủ vào thời điểm này tập trung cắt ghép, lai tạo cây giống thì mới cho hiệu quả cao”. Theo kinh nghiệm của ông Tài, nếu tiến hành ghép (tháp) cây vào ngày thường thì tỉ lệ thành công không cao, chỉ đạt khoảng 20-30% là cùng, trong khi đợi đến dịp Tết mới cắt tỉa, cấy ghép thì có thể sẽ đạt tới 90%.

Để chứng minh thực tế, ông Tài chỉ cho tôi xem từng gốc ghép sầu riêng đang mọc chồi non, ông bảo chỉ khoảng mấy năm sau thì các cây ghép này sẽ ra hoa và cho bói quả. Lúc đó lại thử chất lượng trái và chọn tạo thêm lần nữa để giữ lại những cây có chất lượng ngon nhất làm giống.

Tạm nghỉ tay tiếp chuyện chúng tôi, ông Tài hào hứng kể về cái duyên đã đưa ông đến với “nghiệp vườn” thật tình cờ: Là người quê gốc Nam Định, ông đi bộ đội Trường Sơn (1969). Đến năm 1977, ông chuyển ngành về dạy kỹ thuật sửa chữa ô tô ở Trường Cơ điện Việt Xô, Tây Ninh (nay là Trường Trung cấp dạy nghề Tây Ninh). Sau một thời gian, ông tiếp tục được tín nhiệm chuyển về công tác ở Sở Công nghiệp Tây Ninh rồi về nghỉ hưu (năm 1990) sống cùng gia đình tại trung tâm thị xã Tây Ninh.

Có dịp người bạn cùng đơn vị tên Lê Văn Chính tìm gặp ông nhờ xuống nhà ở huyện Tân Biên sửa chữa giúp máy xay lúa bị hỏng. Tình cờ nghe gia đình bạn kể chuyện có người hàng xóm đang cần bán gấp nhà vườn với giá rẻ rồi khuyên ông Tài nếu có điều kiện nên mua để bạn bè được gần nhau. Thấy vậy, ông Tài về suy nghĩ và nhờ đã tích cóp được một khoản tiền vốn nên ông quyết định mua ngay. Năm 1997, gia đình ông Tài chuyển về đây ở để tiện trông coi và chăm sóc vườn cây.

Tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết, vườn cây của gia đình ông Tài có diện tích 1.400 m2, ngày xưa chỉ là một khu vườn tạp bị bỏ hoang cằn cỗi. Mới đầu, trong vườn chỉ có 40 cây sầu riêng Monthong và Ri6 (giống Thái Lan) nhưng chỉ có 25 cây cho trái và chất lượng cũng không đều. Đến mùa thu hoạch, ông đem sầu riêng ra chợ bán, có người khen, người chê trái sượng nên chỉ bán rẻ.

Xong ông thầm suy nghĩ, tại sao trong vườn sầu riêng cùng chế độ chăm sóc mà lại có cây ngon, cây dở. Do vậy ông bắt đầu nung nấu ý tưởng phải tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc, tưới bón phân gì cho phù hợp để tránh sượng trái. Sau nhiều năm tập trung đầu tư chăm sóc và cải tạo, ông Tài chỉ giữ lại những cây sầu riêng khỏe đang trồng xen với chôm chôm. 

Công trình guồng nước ông Tài tự chế để tưới vườn cây

Đến nay, cả khu vườn của gia đình ông đã thực sự được “hồi sinh” phát triển rất tốt và đã được “quy hoạch” bài bản với hệ thống phun, tưới, bón hoàn toàn tự động. Chúng tôi được ông Tài dẫn ra xem công trình guồng nước khổng lồ do ông tự chế để hàng ngày tự động quay lấy nước từ dòng suối lên đổ vào bể lọc và tưới cho cả khu vườn bằng các đường ống dẫn đến từng gốc cây sầu riêng, chôm chôm. “Nhờ chế được công trình này mà tiện lợi lắm, chẳng phải tốn công tưới hàng ngày cho vườn cây nữa. Muốn tưới nước, bón phân chỉ việc cho khởi động hệ thống đã lắp đặt sẵn là xong, khỏe re”, ông Tài tự hào khoe.

GIỐNG CHO TRÁI... KHỔNG LỒ

Theo lời ông Tài kể, tình cờ khi biết bên nhà người quen (huyện Trảng Bàng) có một cây sầu riêng mọc gần khu vực rửa chén bát, hàng ngày “ăn” thức ăn thừa, chất nước thải nhưng cho trái thơm ngon đặc biệt. Thấy vậy, ông về nhà âm thầm tìm mua nguồn đầu, ruột cá, tôm phế thải ngoài chợ rồi đem ngâm để thử tưới cho sầu riêng. Không ngờ đến vụ thu hoạch sau ông thấy chất lượng sầu riêng ăn ngon hẳn khiến ai cũng thích. Suy nghĩ mình đã “gãi đúng chỗ ngứa”, ông bắt đầu xây cả chục bể ngâm để tưới cho toàn bộ vườn cây và xem đây chính là một trong những “bí quyết” thành công của mình.

Ông tiếp tục gom hạt của những trái ngon nhất, ươm được hơn 100 cây sầu riêng giống tính sẽ cưa những cây sầu riêng cũ trong vườn để thử ghép giống mới. Thấy vậy, bà Lan (vợ ông) đã một mực ngăn cản vì xót vườn sầu riêng cả chục năm tuổi đang cho thu hoạch mà bị cưa đi. Hơn nữa, bà hiểu rõ chồng bà chẳng rành nghề nông. Bởi vì thực tế trước đó đã bao lần ông Tài cắt ghép không thành công, hay có lần ông phun xịt thuốc còn bị cháy hết cả vườn cây trái khiến cả nhà buồn nản. Tuy nhiên, lần này ông Tài vẫn quyết tâm thực hiện ý nguyện của mình và sẵn sàng chấp nhận rủi ro.

Ông Tài trong vườn sầu riêng nhà mình

Sau khi cưa hết toàn bộ khu vườn sầu riêng, chờ cho những chồi non mọc lên cứng cáp, ông bắt đầu đem những cây sầu riêng giống ra ghép lên 40 gốc sầu riêng cũ. Ông Tài tâm sự: “Nhờ có chút kinh nghiệm từ việc mình đã ghép thử cây mai vàng 150 cánh trước đó thành công nên giờ ông cũng mạnh dạn áp dụng kỹ thuật ghép cho cây sầu riêng”. Ông Tài cho biết, cứ mỗi gốc sầu riêng cũ, ông ghép từ 4-5 cây nhỏ vào những nhánh chồi mọc từ gốc lên. Với 40 gốc sầu riêng, ông ghép được hơn 100 nhánh và tiếp tục chờ sau 5 năm các cây đã trưởng thành và bắt đầu ra quả đồng loạt.

“Cây ghép giống Thiên Hương ra quả vụ đầu có trái nặng tới 9,3 kg, đem bán được 162.000 đồng (tương đương với 50 kg gạo, năm 2005). Do hợp khẩu vị nên cứ đến mùa sầu riêng là nhiều khách mối đến mua ăn, giá nào họ cũng chấp nhận và còn đặt tiền trước. Thậm chí có người đến tham quan, thưởng thức sầu riêng trong vườn nhà tôi xong cứ tấm tắc khen ngon và bảo giống sầu riêng này là… trời cho! ”, ông Tài nói.

Tuy nhiên, thực tế có cây cho trái ngon nhưng cũng không ít cây trái dở. Ông Tài thu hoạch trái rồi đưa ra đường bán dạo để thăm dò ý kiến nhận xét của khách hàng. Kết quả, trong số hơn 100 cây sầu riêng trong vườn chỉ có 5 cây cho trái ngon và có những đặc tính khác nhau. Cây cho trái ngon lại quá béo nhưng hợp khẩu vị với một gia đình chủ tiệm vàng nên ông đặt ngay tên là cây sầu riêng Vàng. Còn có cây khác lại cho trái ngọt lịm, thấy khách Đài Loan ăn rất khoái nên ông cũng đặt luôn tên là cây sầu riêng Đài Loan. Sau đó có một chủ cây xăng ghé mua trái sầu riêng ăn thấy ngọt, béo (có hậu) và khen ngon khiến ông đặt tên là sầu riêng cây xăng, hay có tên cây sầu riêng 1 tỷ… 

Đặc biệt trong số đó có 1 cây trái sai (khoảng 70 trái/năm) và nhiều trái rất to (có trái nặng gần 10kg), chất lượng lại ngon nhất, ông quyết định đặt tên Thiên Hương (tên con gái ông). Sau đó ông đem trái sầu riêng lên Sở KH- CN Tây Ninh đăng ký thương hiệu và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận cho thương hiệu sầu riêng Thiên Hương. Từ đó, ông về củng cố lại vườn cây và tiến hành ghép cho toàn bộ khu vườn, chỉ giữ lại những cây sầu riêng ông tự đặt tên trước đó.

Điều khá bất ngờ khi “ông sầu riêng” Tư Tài thú thật với chúng tôi rằng ngay từ nhỏ ông đã không biết ăn sầu riêng và đến nay ông cũng chẳng thể nếm được một miếng sầu riêng nào. Tuy nhiên, ông chỉ cần ra vườn ngửi mùi là biết được chính xác cây nào, trái nào ngon hay dở… khiến ai cũng rất nể phục. Những ngày giáp Tết này, ông Tài lại tiếp tục ghép được thêm nhiều giống cây sầu riêng mới chất lượng cao để cải tạo lại được toàn bộ khu vườn tạp ngày xưa.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 1] 10 năm chinh phục chim yến

Hơn 10 năm dấn thân vào ngành yến, anh Trần Tuấn Anh đã xây dựng được công ty và thương hiệu yến quy mô tại Bình Phước.

Không để dịch bệnh tái phát lây lan trên đàn vật nuôi

AN GIANG Nhờ chủ động tiêm phòng vacxin đã giúp đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh An Giang hạn chế được các loại dịch bệnh nguy hiểm.

1 ha hồi cho thu nhập 400 triệu đồng/năm

BẮC KẠN Giá bán khoảng 30.000đ/kg, có những năm đỉnh điểm lên tới 70.000đ/kg, cây hồi đem lại thu nhập cao, trở thành cây giảm nghèo, làm giàu của nhiều nông hộ ở tỉnh Bắc Kạn.

Tưới tiết kiệm: Khó khăn trước mắt, lợi ích dài lâu

Đầu tư cho hệ thống tưới tiết kiệm có thể tốn kém trước mắt cho nhà nông, song sẽ mang lại nhiều lợi ích dài lâu.

Bình luận mới nhất