| Hotline: 0983.970.780

Giống khoai lang KLC3

Thứ Hai 13/01/2014 , 11:22 (GMT+7)

Khoai lang KLC3 có dạng thân nửa đứng, lá hình tim xẻ thùy, sinh trưởng khỏe, chịu rét khá. TGST vụ đông khoảng 110 - 120 ngày, vụ xuân 140 - 145 ngày.

KLC3 là giống khoai lang mới do Viện Cây lương thực & cây thực phẩm nghiên cứu, chọn tạo. Từ năm 2012 - 2013 đã tiến hành SX thử tại nhiều tỉnh, kết quả cho năng suất, chất lượng tốt, ít bị sâu bệnh, mẫu mã đẹp.

Ông Ngô Doãn Đảm, Phó Viện trưởng Viện CLT-CTP cho biết, KLC3 được chọn tạo từ hạt thụ phấn tự do của giống mẹ HT3. Cây có dạng thân nửa đứng, lá hình tim xẻ thùy, sinh trưởng khỏe, chịu rét khá. TGST vụ đông khoảng 110 - 120 ngày, vụ xuân 140 - 145 ngày. Về năng suất, vụ đông đạt khoảng 19 - 20 tấn/ha, tỷ lệ tinh bột đạt từ 4,3 - 4,7 tấn/ha.

Năm 2012, tại Vĩnh Phúc, KLC3 được SX thử tại xã Hợp Thịnh (huyện Tam Dương) và rải rác ở các huyện Vĩnh Tường, Lập Thạch, Sông Lô... Vụ đông 2013, Viện tiếp tục phối hợp với Sở KH-CN Vĩnh Phúc đưa giống KLC3 về SX thử tại xã Bình Định của huyện Yên Lạc. Thời vụ gieo cấy từ ngày 15 - 25/9. KLC3 được trồng với mật độ từ 37.000 - 42.000 dây/ha, tương đương 1.300 - 1.500 dây/sào Bắc Bộ.

Ông Đào Văn Long ở thôn Yên Quán, xã Bình Định cho biết, ngày 18/9 gia đình bắt đầu làm luống. KLC3 được trồng dây một hàng, thẳng giữa luống, nối nhau liên tục. Dây phải được vùi sâu xuống đất và chỉ để hở 2 - 3 lá ngọn trên mặt luống.

Theo đánh giá của ông Long, giống khoai lang này rất dễ chăm sóc, ít bị sâu bệnh. Tuy nhiên KLC3 “ăn” phân hơn một số giống khoai thông thường. Nhẩm tính sơ sơ, ông bảo 1 sào ít nhất cũng thu khoảng 7 tạ. “Đấy là tôi mới chỉ tính những củ to. Nếu cân cả những củ nhỏ chắc cũng phải được gần 1 tấn”, ông Long hồ hởi cho biết.

Vợ ông Long cho biết thêm, hiện giá khoai lang bán buôn là 10.000 đồng/kg. Mỗi sào trừ mọi chi phí, vợ chồng ông Long thu về vài triệu đồng. Ông Kim Văn Khánh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Định cho hay, vụ đông vừa qua có 2 chi hội nông dân đăng kí tham gia SX thử KLC3. “Những hộ trồng cho biết, giống khoai này rất dễ trồng, cho năng suất, chất lượng khá tốt”, ông Khánh chia sẻ.

Lượng phân bón cần cho 1 ha gồm 8 - 10 tấn phân chuồng, 60 kg N, 30 kg P2O5, 90 kg K2O. Kỹ thuật bón phân cho KLC3 được chia làm 3 giai đoạn là bón lót, bón thúc lần 1 và 2. Khi bón lót, cần trộn đều phân chuồng với lân và ít bột đất rồi rắc đều vào một bên mép rãnh. Sau đó trộn 1/3 lượng đạm urê cùng 1/3 lượng kali và một ít bột đất rắc vào mép rãnh còn lại.

Trước khi đặt dây giống, phủ một lớp đất mỏng lên phân. Sau 2 - 3 ngày có thể tưới nước nhẹ. Bón thúc lần 1 sau 20 - 25 ngày sau khi trồng. Chúng ta cần bón 1/3 lượng đạm urê và 1/3 lượng kali clorua vào 2 sườn luống. Sau đó 10 - 15 ngày, tiến hành bón thúc lần 2, bót nốt lượng đạm urê và kali clorua còn lại.

Về nước tưới, ở những nơi có điều kiện, nên áp dụng tưới rãnh đủ 3 lần/vụ tại thời điểm 30, 60 và 90 ngày sau khi trồng. Từ ngày 25 - 30 sau khi trồng cần tiến hành bấm ngọn giúp cây phân cành, đẻ nhánh và phủ tán nhanh. 45 - 50 ngày sau trồng, người dân cần nhấc dây và cắt tỉa dây lá.

Về sâu bệnh, giống KLC3 chủ yếu bị bọ hà, sâu ăn lá và bệnh thối củ gây hại. Với bọ hà, người dân có thể trừ bằng cách bẫy sinh học pheromone. Trừ sâu ăn lá có thể bắt bằng tay hoặc sử dụng thuốc Tiper Alpha 0,25%. Để phòng bệnh thối củ, người dân nên hạn chế tưới nước ở giai đoạn cuối, tốt nhất là trồng khoai trên chân đất vàn cao.

Ông Ngô Khánh Lân, GĐ Sở KH-CN Vĩnh Phúc cho biết, đơn vị này sẽ tiếp tục phối hợp với Viện triển khai nhân rộng mô hình SX tại các huyện. Không chỉ Vĩnh Phúc, mô hình SX KLC3 tại Thái Nguyên, Hải Phòng, Hải Dương cũng được đánh giá rất cao. Năng suất trung bình của KLC3 đạt 20 tấn/ha.

PGS.TS Nguyễn Tấn Hinh, Phó Vụ trưởng Vụ KH-CN & Môi trường (Bộ NN-PTNT) đánh giá KLC3 là giống khoai lang có chất lượng, năng suất tốt, dạng hình đẹp. Tuy nhiên, cần chú ý hướng dẫn bà con tăng cường chăm sóc để khoai đạt độ đồng đều cao.

Xem thêm
Biến phụ phẩm nông nghiệp thành nguồn thức ăn chăn nuôi chính

Thay đổi thói quen canh tác, nhiều nông dân ở huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã biến những phế phẩm nông nghiệp sau thu hoạch thành thức ăn chăn nuôi cho hiệu quả cao.

Tiêm vacxin bao vây ngăn bệnh viêm da nổi cục lây lan

Quảng Bình Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đang tập trung chỉ đạo các địa phương tăng cường tiêm vacxin, ngăn chặn bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò lây lan.

Xây dựng dữ liệu số phục vụ quản lý sản xuất lúa

Ngày 22/4, Cục Trồng trọt phối hợp cùng IRRI tổ chức hội thảo tham vấn, đánh giá và xây dựng hệ sinh thái dữ liệu số phục vụ quản lý sản xuất lúa hiệu quả.

Trồng hành tăm, giải pháp hoàn hảo cho vùng hạn

NGHỆ AN Thay vì quanh năm ứng phó với hạn hán, Nghệ An đã linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Hành tăm - loại cây ‘sợ nước' là một lựa chọn hoàn hảo.