| Hotline: 0983.970.780

Tan giấc mộng vàng bò sữa

Thứ Sáu 25/05/2012 , 11:53 (GMT+7)

Năm 2001 tỉnh Bình Định đã tiến hành quy hoạch, xây dựng khu chăn nuôi bò sữa tập trung Nhơn Tân (TX An Nhơn) với diện tích 200 ha. Nhưng thực tế quá phũ phàng…

Một trang trại bò sữa chuyển sang nuôi heo gia công cho Cty CP

Nhằm đột phá trong lĩnh vực chăn nuôi, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân có cơ hội làm giàu từ bò sữa, năm 2001 tỉnh Bình Định đã tiến hành quy hoạch, xây dựng khu chăn nuôi bò sữa tập trung Nhơn Tân (TX An Nhơn) với diện tích 200 ha. Nhưng thực tế quá phũ phàng…

Cty Nông Việt (NOVICO) là DN đầu tiên thuê đất để đầu tư xây dựng khu chăn nuôi bò sữa tập trung với quy mô lớn. Dự án của NOVICO có diện tích trên 50 ha với tổng vốn đầu tư đăng ký giai đoạn 1 từ năm 2001-2005 là 106 tỉ đồng. Mục tiêu xây dựng trang trại chăn nuôi giống bò sữa, bò thịt quy mô 2.500 con, xây dựng xưởng vắt sữa công suất 10.000 tấn/năm và phát triển 45 ha đồng cỏ...

Sự quyết tâm của DN này thông qua việc xây dựng cơ sở hạ tầng và cùng một lúc thả nuôi hàng trăm con bò sữa, khiến cho rất nhiều người tin vào tương lai phát triển của vùng đất này. Tỉnh Bình Định đã từng xem đây là mô hình kiểu mẫu trong việc SX, chăn nuôi đại gia súc tập trung. Và cũng có rất nhiều đoàn công tác của Trung ương sau khi làm việc với tỉnh và các sở, ngành đã ghé thăm khu chăn nuôi bò sữa của NOVICO. Ngay cả với nhiều nhà báo, nếu không tháp tùng đoàn công tác của tỉnh hoặc Trung ương thì không có cơ hội tiếp cận khu chăn nuôi bò sữa của DN này.

Sau NOVICO, có nhiều tổ chức, cá nhân khác cũng được thuê đất, đầu tư chăn nuôi bò sữa tại đây. Đến năm 2003, KCN tập trung Nhơn Tân đã được lấp đầy với 13 dự án. Theo quy định của tỉnh Bình Định, bình quân mỗi héc ta đất được giao, các chủ đầu tư phải đảm bảo có 20 con bò sữa. Bởi vậy, ngoài việc đầu tư tiền tỉ để xây dựng chuồng trại và các hạng mục khác, các chủ đầu tư còn phải bỏ một khoản tiền lớn để mua bò sữa, đảm bảo số lượng theo quy định.

Điều đó là không dễ, bởi giá bò sữa tại thời điểm ấy rất cao, từ 26-30 triệu đồng/con. Tuy vậy, ngoài 13 dự án đã được thuê và giao đất, vẫn còn có tới 17 dự án đăng ký vào khu chăn nuôi nhưng chưa có đất để bố trí. Vậy mới thấy, sức hút và kỳ vọng làm giàu từ con bò là rất lớn. Nhưng điều đó không hề giản đơn, bởi quá nhiều thứ phát sinh vượt quá tầm giải quyết của các chủ đầu tư.

Điều đáng nói là phần lớn các chủ đầu tư chưa thực sự hiểu về con bò sữa, nên việc lựa chọn con giống, vấn đề áp dụng quy trình kỹ thuật vào thực tế nhiều hạn chế; chế độ đầu tư, chăm sóc không đồng đều, vật nuôi sinh trưởng phát triển không như mong muốn.

Bò sữa ngày càng lớn, nhu cầu về thức ăn và các chi phí khác ngày càng tăng, chi phí đầu vào lớn, khiến các chủ trang trại luôn trong tình trạng lo lắng. Có trang trại không kham nổi chi phí đầu vào hoặc mua phải bò giống “điếc” nuôi hoài không đẻ nên phải bán bớt đàn. Đáng lo ngại hơn là đến kỳ thu hoạch (lợi nhuận từ con bò sữa chủ yếu là tiền bán sữa bò và bê con), nhưng giá sữa thấp, việc bán sữa cũng không dễ. Hơn nữa, giá bê và bò sữa giống thấp hơn nhiều lần so với thời điểm mà họ mua vào, nhiều chủ trang trại đã thu không nổi bù chi.

Tình trạng này kéo dài khiến cho các chủ đầu tư bị thua lỗ nặng và bắt đầu nản chí. Để tháo gỡ khó khăn, có chủ trang trại đã “xé rào” quy định của tỉnh bằng cách cho người khác thuê một phần diện tích đất của dự án để người khác sử dụng trồng dưa hấu hoặc trồng mì. Còn mình lấy tiền thuê đất để chăm sóc đàn bò. Có DN bị kiệt quệ về tài chính, đành phải bán tống bán tháo cả đàn. Năm 2005, Cty NOVICO là chủ đầu tư đầu tiên đã bán loại thải, thanh lý toàn bộ đàn bò hàng trăm con và rời khỏi khu chăn nuôi. Tiếp sau đó, nhiều chủ trang trại khác cũng theo bước NOVICO, nhưng vẫn còn quản lý và sử dụng đất đã thuê. Giấc mộng vàng từ bò sữa tan vỡ.

Quả thực, quan sát khu vực này chúng tôi thấy hầu hết các trại chăn nuôi bò sữa ở đây đều như "chùa Bà Đanh", cây dại mọc um tùm. Điều đó cho thấy, nhiều năm qua các chủ đầu tư ở đây làm ăn không hiệu quả, gây lãng phí đất.
Chúng tôi ghé thăm khu trang trại của bà Bùi Thị Minh Vân- một trong những chủ dự án đầu tư chăn nuôi bò sữa đầu tiên tại khu chăn nuôi tập trung - đúng vào thời điểm bà đang đầu tư xây dựng chuồng trại để nuôi heo.

Bà Vân cho biết: “Tôi từng đầu tư hơn 1 tỉ đồng xây dựng chuồng trại, trồng cỏ, thả nuôi 47 con bò sữa. Nuôi mấy năm lỗ quá nên tôi đã bán hết bò chuyển sang nuôi đà điểu… Và bây giờ tôi lại xây dựng chuồng trại nuôi heo gia công cho Cty CP. Tương tự, trang trại nuôi bò sữa của hộ ông Nguyễn Đình Phong cũng không còn một con bò nào, thay vào đó là 2 dãy chuồng heo thả nuôi 1.200 con.

Theo đánh giá của Trung tâm Giống vật nuôi Bình Định- đơn vị quản lý KCN tập trung Nhơn Tân, hiện có 16 chủ đầu tư thuê đất để đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi. Tuy nhiên, đến nay đa số các chủ đầu tư đều không sử dụng hiệu quả diện tích đất đã giao; cơ sở hạ tầng đã bị xuống cấp, nhiều năm không tái đầu tư, quy mô đàn gia súc giảm, có nhiều chủ trang trại không còn gia súc, không đáp ứng được tiêu chí của trang trại và cũng không tương xứng với diện tích mà tỉnh đã giao cho các chủ trang trại.

Xem thêm
Doanh nghiệp là đầu kéo phát triển chăn nuôi quy mô lớn

An Giang xác định được vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong việc nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung gắn an toàn sinh học.

Nghề mới lên đời

BÌNH ĐỊNH Chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao, phong trào nuôi thú cưng ở phố thị theo đó cũng nở rộ, kéo theo nghề điều trị, làm đẹp cho thú cưng phát triển.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.