| Hotline: 0983.970.780

Vợ thay lòng đổi dạ

Thứ Tư 21/12/2011 , 12:07 (GMT+7)

Con chúng cháu mới hơn một tuổi thì cô ấy đi XK lao động qua Malayxia. Rồi cô ấy quen với một người ở bên đó. Cháu dọa li dị thì cô ấy vẫn thản nhiên...

Ảnh minh họa
Cô Dạ Hương kính mến!

Bọn cháu xây dựng gia đình năm 2006 và khi cô ấy sinh con được hơn một tuổi thì cô ấy đi xuất khẩu lao động ở Malayxia.

Thời gian đầu cô ấy làm việc và còn nghĩ về gia đình cô ạ. Rồi hai năm, ba năm, cô ấy quen với cuộc sống ở nước ngoài. Rồi cô ấy quen với một người ở bên đó, cháu biết qua chị gái nhà bác làm cùng ở bên ấy. Khi cháu nghe vậy, cháu đã nói chuyện với cô ấy, nhưng cô ấy không nói chuyện với cháu nữa mà còn tắt máy đi. Như vậy đấy cô ạ.

Gia đình cháu cũng không khá giả gì lắm nhưng ở quê làm lụng vất vả nên phải để cô ấy rời xa gia đình. Nhưng mà tại sao con người cô ấy lại như vậy trong khi ở quê nhà đã có chồng và có cả con nữa? Chuyện này cháu cũng nói với hai gia đình nội ngoại rồi cô ạ. Họ cũng điện rồi khuyên bảo nhưng không có kết quả gì.

Khi cháu nói với cô ấy cứ tiếp tục như vậy thì anh sẽ ly dị, cô ấy không than phiền gì mà ngược lại còn bảo anh thích thì cứ việc.

Cô giúp cháu với.

Xin cô đừng in email lên báo. 

Cháu thân mến!

Lá thư viết đi viết lại mà vẫn sơ sài và không có dấu, cô biết có thể cháu ra quán net và không thạo vi tính lắm. Cô đành tư vấn trên những thông tin ít ỏi này và nhắc cháu lẫn bạn đọc, thư không dấu như đánh đố và làm phiền, không phải chữ nào người phụ trách chuyên mục cũng luận ra được, nhất là những chi tiết riêng tư.

Chao ơi, con nhỏ mới hơn 1 tuổi mà mẹ nó phải gạt nước mắt đi xuất khẩu lao động ở xứ người. Sao người đi không phải là bố nó? Giải một bài toán theo hướng đó, cho thấy mấy điều: Thứ nhất, người chồng kém cỏi, thứ hai người vợ quá can trường trong việc muốn thay đổi số phận gia đình mình và thứ ba, làn sóng đi tận chân trời vì manh áo miếng cơm nó cuốn phăng tất cả, không chừa một ai. Cháu nói quá ít về bản thân mình nên cô không hiểu nổi sao một người chồng dám để cho vợ bỏ đứa con mới hơn 1 tuổi ở nhà để đi xa như vậy.

Đi có nghĩa là xa cách và nguôi ngoai. Cô thấy có không ít đàn ông bồ bịch rồi ở lại bên kia luôn. Nhưng có lẽ đàn ông làm vậy thì thường tình, dễ hiểu, đương nhiên. Đàn bà lại khác, trước hết vì xã hội luôn khắt khe với đàn bà. Cô cũng lấy làm lạ rằng sao vợ cháu đi ba năm không về và có nguy cơ không về sớm nữa? Hay là chúng cháu có vấn đề trong hôn nhân và cô vợ “một đi không trở lại”? Hoặc có thể vợ cháu là kiểu đàn bà nhẹ dạ, đứng núi này trông núi nọ, không trụ nổi với môi trường mới lạ?

Thôi thì khi người phụ nữ đã đi với người khác thì cầm bằng như họ đã hất bát nước xuống đất. Có hốt nước lại được không? Đàn ông có tha thứ thực sự cho người vợ vô tình với cả con cái như vậy không? Chắc là không. Vậy cháu tha thiết với người đó làm gì. Kệ cô ta, hơn 3 năm rồi xa vắng và tin xấu cứ dội về, lại còn thách thức anh muốn ly dị đi nữa chứ.

Tưởng giếng sâu tôi nối sợi dây dài, ai dè giếng cạn tôi tiếc hoài sợi dây. Vấn đề là cháu phải im lặng, không nghe ai đổ dầu vào lửa. Nếu cô ấy có hạn định về thì để cô ta về, hai mặt song song, gặp lại, đối thoại, cật vấn, tính sau. Còn như nếu cô ấy ở lại luôn bên đó thì cháu cứ đâm đơn ly dị và tòa sẽ xử vắng mặt. Đàn ông không thiệt trong việc dở dang, nhưng đứa con thì thiệt cả đời nó.

Cháu cứ thương và lo cho con mình hết mức, dù có bỏ nhau hay không và sau khi bỏ nhau nữa. Số cháu đã quàng vào một cuộc hôn nhân như vậy thì đành vậy, hãy tự an ủi đây là số của mình và mình đã có một đứa con của mình. Không ít người phải bỏ nhau, cháu không cá biệt, đừng quá bi quan hay mặc cảm hay hận thù người kia rồi cuộc sống của hai cha con không tươi sáng.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm