| Hotline: 0983.970.780

Khởi đầu cánh đồng mẫu lớn ở phía Bắc

Thứ Sáu 23/03/2012 , 15:04 (GMT+7)

Nói đến cánh đồng mẫu lớn người ta nghĩ diện tích gieo cấy của từng đám ruộng, từng hộ phải đạt quy mô được tính theo đơn vị hecta, hoặc hàng chục hecta trở lên.

Nói đến cánh đồng mẫu lớn (CĐML) người ta nghĩ diện tích gieo cấy của từng đám ruộng, từng hộ phải đạt quy mô được tính theo đơn vị hecta, hoặc hàng chục hecta trở lên.

NHIỀU THỬA RUỘNG NHỎ TRONG CĐML

Thực tế không như vậy, vụ hè thu 2011, tổng diện tích các CĐML của 12 tỉnh ở ĐBSCL và Tây Ninh là 7.803 ha, gồm 6.400 hộ tham gia. Tính ra bình quân mỗi hộ đã đóng góp diện tích gieo trồng lúa vào các cánh đồng này 12.192 m2. Đấy cũng là tính bình quân, còn cụ thể nhiều nơi phải gom từ 3 đến 4 thửa ruộng lại mới có diện tích như vậy.

Còn các CĐML đang được triển khai ở một số tỉnh phía Bắc thì con số trên lại thấp hơn nhiều. Tại HTX Giao Tiến, huyện Giao Thủy, 400 hộ đã góp 52 ha làm mô hình, quy mô mỗi hộ là 1.300 m2. CĐML của HTX Đại Thắng, xã Nghĩa Thịnh, huyện Nghĩa Hưng rộng 100 ha của 703 hộ, bình quân chỉ 1.420 m2/hộ. CĐML của HTX Tử Mặc, xã Yên Trung, huyện Ý Yên chỉ 44,7 ha của 204 hộ, bình quân chỉ 2.200 m2/hộ. Diện tích bình quân lớn nhất phải kể đến HTX toàn xã, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội, có 189 hộ tham gia với diện tích 80,04 ha, bình quân diện tích là 4.233m2, chưa đầy nửa ha.

TỪ QUYẾT TÂM CỦA LÃNH ĐẠO…

Từ thành công của mô hình CĐML ở các tỉnh Nam bộ, Bộ NN- PTNT chủ trương phát triển ra phía Bắc. Kế hoạch được triển khai vào các ngày cận tết Nhâm Thìn, trong lúc lịch thời vụ gieo cấy lúa đông xuân đang đến cận kề. Mặc cho ông Táo về chầu giời không người tiễn, mặc rét đậm, rét hại tấn công dồn dập hết đợt này đến đợt khác, cán bộ các cấp thuộc ngành nông nghiệp lăn vào công việc.

Từ 7- 9/3/2012, người viết bài này và một số cán bộ Cty Cổ phần Phân bón Bình Điền được cán bộ của Cty TNHH DV&TM Thái Sơn dẫn đi thăm một số CĐML ở Nam Định, Hà Nội. Trời vẫn đang rét, các cánh đồng lúa gieo sạ cũng như lúa cấy vẫn thi gan với trời, chờ lúc nắng ấm sẽ vươn mình. Được biết, thoạt đầu Bộ NN- PTNT chỉ đề ra chỉ tiêu mỗi tỉnh, thành sẽ thực hiện 2- 3 mô hình, diện tích dao động từ 100- 150ha. Riêng tỉnh Nam Định được giao 2 mô hình, với diện tích 100 ha.

Đến vụ mùa năm 2012 sẽ nhân lên thành 4 mô hình với diện tích 200 ha. Nhưng cán bộ và nông dân Nam Định với khí thế tiến công cao, không chịu thua kém với bà con nông dân ĐBSCL, nên chỉ trong 9 ngày đã có 11 HTXNN của 8 huyện đăng ký tham gia làm ruộng theo CĐML, diện tích lên đến 530 ha. Đến ngày mùng 5 tết đã có 13 HTXNN của 9 huyện đăng ký, đưa diện tích xin tham gia lên đến 630 ha. Suy đi tính lại BCĐ quyết định chốt con số cuối cùng, là chọn 12 HTXNN của 7 huyện làm đột phá để rút kinh nghiệm và sẽ mở rộng cho vụ mùa tới. Diện tích của các HTX tham gia vào mô hình CĐML lên đến 550 ha, gấp 5,5 lần so với chỉ tiêu của Bộ NN- PTNT đã giao.

ĐẾN ĐỒNG LÒNG CỦA NGƯỜI DÂN

Làm sao chỉ trong khoảng 20 ngày, các CĐML đã được hình thành vượt mức đến trên 5 lần so với chỉ tiêu của Bộ NN- PTNT giao? Câu trả lời khá dài nhưng rất có lý. Đó là do tinh thần quyết tâm áp dụng KHKT, ý chí vươn lên để vượt qua nghèo khó của cán bộ và nông dân trong vùng. Từ thông tin CĐML ở ĐBSCL đã cho họ niềm tin. Vì vậy, chủ trương các cánh đồng phải gieo cấy cùng một giống, thì dù thời gian ngắn bà con vẫn tự lo liệu được, một số hộ thiếu giống thì Ban Chủ nhiệm HTXNN Nam Mỹ động viên các xã viên đổi giống cho nhau để toàn xã đều trồng giống BT7 chất lượng cao. Ở HTX Tân Thịnh, UBND xã xuất vốn để bà con kịp mua giống BT7 cho kịp thời gian ngâm ủ.

Tâm sự với chúng tôi, ông Kiều Văn Quy, Chủ nhiệm HTXNN Tam Hưng khẳng định: Tham gia CĐML bà con nông dân rất có lợi, đó là được trang bị thêm kiến thức KHKT, được cấp phát các tờ tin, biết ghi chép sổ sách để tính toán hiệu quả kinh tế. Thu nhập được nâng cao do trồng lúa chất lượng cao, đầu ra có sẵn. Mỗi hộ chỉ cần trồng 1 sào lúa (360 m2) là đủ để tự túc trong vòng 6 tháng, số diện tích dôi ra, bà con được tự do kinh doanh nên đời sống ngày càng được cải thiện.

Bên cạnh đó nguồn lợi vật chất khá quan trọng, tất cả 473 ha ruộng trong mô hình đều được cung cấp các loại phân hiệu Đầu Trâu có chất lượng cao, giá ưu đãi lại được trả chậm. Bà con ở các huyện Nam Trực, Trực Ninh, Ý Yên (Nam Định) đã từng sử dụng các loại phân chuyên dùng cho lúa hiệu Đầu Trâu hiệu quả tốt nên rất phấn khởi.

Ngoài ra, cứ mỗi sào (360 m2) bà con còn được Bình Điền biếu 3 kg phân đạm vàng, tính ra mỗi ha, Cty đã biếu nông dân 84 kg. Ngoài những hỗ trợ về vật chất Cty cũng đã cử cán bộ sát cánh với Trung tâm Khuyến nông tỉnh và các cán bộ của các HTX theo dõi, tư vấn nhằm giúp bà con đi đến thành công.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 3] Thời cơ cho vùng nắng gió

UBND tỉnh Tây Ninh vừa ban hành chiến lược phát triển chăn nuôi nói chung, yến nói riêng đến 2030 tầm nhìn 2045, mở ra cơ hội phát triển nghề yến vùng nắng gió này.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.