| Hotline: 0983.970.780

Rầy cánh trắng hại lúa và cách phòng trừ

Thứ Sáu 24/06/2011 , 11:23 (GMT+7)

Rầy cánh trắng là loại dịch hại đa ký chủ, ngoài cây lúa chúng còn gây hại nhiều loại rau màu, cây ăn trái, cây công nghiệp… nên việc phòng trừ chúng đôi khi cũng gặp không ít khó khăn.

Hỏi: Vụ hè thu năm ngoái, lúa ở vùng chúng tôi đã bị một loại bọ rầy gây hại rất nặng, làm cho cây lúa bị ngả vàng, giựt lá chân và trổ bông không đạt như mong muốn. Khi quơ tay vào bụi lúa thấy chúng bay lên rất nhiều (dân ở đây gọi là bọ cánh trắng).

Trước kia vùng chúng tôi không thấy loại rầy này. Có phải đây là loại bọ rầy mới. Đề nghị cho biết thêm về loại bọ rầy này và cách phòng trừ sao cho có hiệu quả?

Huỳnh Văn Ngoan và một số bà con ở xã Nhơn Mỹ, Chợ Mới (An Giang)

Trả lời: Qua đồng nghiệp ở An Giang, chúng tôi được biết con bọ cánh trắng mà các bạn gọi chính là con rầy cánh trắng (hay còn gọi là rầy phấn trắng hay rầy cánh phấn…). Theo các nhà khoa học thì rầy cánh trắng gây hại trên lúa thường có một số loài như Aleurodicus dispersus, Aleurocybotus sp.… (thuộc họ Aleyrodidae, bộ Homoptera).

Đây không phải là những loài côn trùng mới trên cây lúa ở nước ta, thực ra nó đã gây hại trên lúa mùa ở một số tỉnh đồng bằng và trung du Bắc bộ từ những năm 60 của thế kỷ trước. Và cũng đã từng gây hại nặng ở một số nơi của Tiền Giang, Long An… từ vụ hè thu năm 1998. Sau năm đó chúng chỉ gây hại nhẹ, rải rác. Vụ hè thu năm 2010 do mùa mưa đến muộn, thời tiết đầu vụ lại nắng nóng, gây hạn kéo dài, đây là điều kiện rất thuận lợi cho những loài rầy này nên chúng lại bùng phát và gây hại mạnh ở một số tỉnh của ĐBSCL.

Rầy cánh trắng là loại dịch hại đa ký chủ, ngoài cây lúa chúng còn gây hại nhiều loại rau màu, cây ăn trái, cây công nghiệp… nên việc phòng trừ chúng đôi khi cũng gặp không ít khó khăn.

Cơ thể của chúng rất nhỏ khoảng trên dưới 1mm, lại bu bám ở mặt dưới của lá lúa, nên khi đi kiểm tra ruộng lúa, nếu chưa có kinh nghiệm sẽ khó phát hiện. Người có kinh nghiệm chỉ cần lấy tay khua mạnh khóm lúa sẽ thấy con trưởng thành bay lên rất nhiều như bụi phấn do cơ thể của chúng có phủ một lớp sáp phấn màu trắng, không thấm nước.

Rầy cánh trắng thường gây hại từ lúc lúa đẻ nhánh rộ đến làm đòng, trổ bông và ngậm sữa, ở những vụ lúa hè thu có thời tiết nắng nóng hạn kéo dài. Chúng gây hại bằng cách cả con trưởng thành và con ấu trùng đều chích hút nhựa ở mặt dưới của những lá lúa còn non hay vừa trưởng thành. Làm lá bị vàng úa (ruộng lúa bị vàng từng chòm). Nếu nặng có thể làm cho lúa trỗ không đều, bông lúa bị lép lửng, thậm chí có thể làm cho bông lúa bị nghẹn trỗ không thoát hoặc nếu có trỗ được thì cũng bị lép.

Ngoài ra, cơ thể chúng còn truyền bệnh virus, bệnh này làm cổ lá đòng bị co rút chặt, không bung ra được, bông lúa không trỗ thoát, nếu có trỗ được thì các gié lúa cũng quấn sát vào nhau và bị lép.

Để chủ động hạn chế tác hại của rầy cánh trắng, các bạn không nên gieo sạ quá dày, chỉ nên sạ với lượng giống khoảng 100-120 kg/ha, nếu sạ hàng thì khoảng 70-80 kg. Bón phân cân đối giữa đạm lân và kali, không nên bón thừa đạm. Thường xuyên chăm sóc để lúa phát triển tốt, tăng cường sức chống chịu cho cây.

Rầy cánh trắng có rất nhiều loài thiên địch trong tự nhiên như bọ cánh lưới, bọ rùa, bọ xít ăn thịt… nhưng chúng dễ bị thuốc trừ sâu giết chết. Để bảo vệ thiên địch, các bạn nhớ không phun thuốc trừ sâu sớm ở đầu vụ. Nếu cần cũng chỉ nên dùng những loại thuốc đặc trị, tránh phun thuốc có phổ tác động rộng. Các bạn chỉ được phun để diệt sâu, chứ không phun để phòng ngừa như một số nông dân vẫn còn làm.

Do rầy cánh trắng có vòng đời ngắn, lại sinh sản nhiều (mỗi con cái có thể đẻ hàng trăm trứng) và phát triển rất mạnh. Để chủ động hạn chế tác hại của rầy, nếu thấy thời tiết nắng nóng, các bạn phải kiểm tra ruộng lúa thường xuyên (phải lội hẳn xuống ruộng, kiểm tra kỹ mặt dưới của lá, hoặc khua động bụi lúa để rầy bay lên). Chú ý những ruộng bón thừa đạm, lúa tốt bít bùng, những ruộng đang ở giai đoạn đòng - trỗ… Nếu thấy mật số cao và có chiều hướng gia tăng thì phải sử dụng thuốc diệt trừ rầy kịp thời.

Về thuốc, các bạn có thể phun xịt một trong những loại thuốc như: Bascide 50EC, Supracide 40EC (hoặc Suprathion 40EC), dầu khoáng SK Enspray 99EC, Dragon 585EC, Vibasa 50ND…

Khi xịt, nhớ đưa vòi xịt xuống thấp phía dưới tán lúa để thuốc có thể tiếp xúc được với rầy, rầy dễ chết hơn.

Xem thêm
Giải bài toán nguồn thức ăn cho ngành chăn nuôi

GIA LAI Thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi là chủ trương đang được tỉnh Gia Lai hướng đến.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm