| Hotline: 0983.970.780

Nam Định thí điểm cánh đồng mẫu lớn

Thứ Hai 20/02/2012 , 10:38 (GMT+7)

Vụ ĐX 2011- 2012, tỉnh Nam Định triển khai xây dựng thí điểm một mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML) với diện tích 100 ha...

Một góc mô hình cánh đồng mẫu lớn ở Nam Định

Vụ ĐX 2011- 2012, tỉnh Nam Định triển khai xây dựng thí điểm một mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML) với diện tích 100 ha. Được biết, từ mấy năm nay, Nam Định đã xuất hiện CĐML đạt hiệu quả.

Đó là CĐML của Cty TNHH Cường Tân, trụ sở tại xã Trực Hùng, huyện Trực Ninh. Với hình thức tích tụ ruộng đất bằng cách thuê đất canh tác của dân để SX lúa giống. GĐ Cty Đoàn Văn Sáu cho biết, đến nay, tổng diện tích đất nông nghiệp mà Cty thuê tại 3 huyện Nghĩa Hưng, Trực Ninh và Xuân Trường là 250 ha; trong đó riêng xã Trực Hùng 80 ha, được quy hoạch thành 2 cánh đồng và được Cty đầu tư cải tạo (đắp bờ thửa to, nạo vét kênh mương…).

Diện tích đất thuê đó được Cty giao cho một số chủ hộ lớn ngay tại địa phương. Được Cty hỗ trợ về giống, phân bón, thuốc BVTV… các chủ hộ chịu toàn bộ trách nhiệm tổ chức SX trên diện tích mà mình được giao, dưới sự chỉ đạo và giám sát kỹ thuật của DN; sản phẩm được chính Cty mua lại toàn bộ. Ông Lã Văn Thiên, một trong những chủ hộ lớn ở Trực Hùng, nhận của Cty hơn 10 mẫu Bắc bộ (36.000 m2), cho biết :

- Việc chỉ đạo và giám sát về kỹ thuật của DN rất nghiêm ngặt. Phần chúng tôi chỉ là lo về nhân công, điều hành SX. Lao động được thuê với mức tiền công từ 80- 100 ngàn đồng/người/ngày bình thường. Làm đất, vụ cấy và vụ gặt, do khoán sản phẩm nên bà con có thể đạt tới 200 ngàn đồng/người/ngày. Đa số lao động là người địa phương, có những hộ 2 vợ chồng cùng làm cho chúng tôi, mỗi năm có thể được từ 17- 20 triệu đồng/người. Ngoài 2 vụ lúa, còn thêm vụ đông nữa, năm thì trồng bí xanh, năm trồng dưa chuột bao tử, cũng làm dưới sự chỉ đạo và giám sát kỹ thuật của Cty.

Ông Hoàng Đức Lợi, Chủ nhiệm HTXNN Trực Hùng, cũng là một chủ hộ nhận đất của Cty Cường Tân, kể :

- Lao động hiện rất hiếm, nhất là vào thời vụ. Như vụ cấy, tôi phải huy động mỗi ngày tới 80- 90 người để cấy cho kịp với lịch gieo cấy của Cty. Mà phải chuẩn bị tiền công ngay, vì đa số thợ cấy là từ địa phương khác đến, nên cứ cuối ngày là phải trả công họ ngay…

Hỏi chuyện một số bà con có đất cho Cty thuê, được biết sản lượng mà Cty trả cho dân là 160 kg/sào/năm, được quy thành giá trị theo giá lúa trên thị trường tại thời điểm trả. Với mức thu nhập này, người dân không mất công lao động, không phải đầu tư, và cũng không phải chịu bất cứ sự rủi ro nào, cứ đến vụ là đến DN nhận tiền. Ngoài ra, nếu có sức lao động thì đI làm thuê cho Cty với mức tiền công không kém gì mức tiền công làm những việc khác.

Tại trụ sở HTXNN Nghĩa Thịnh (huyện Nghĩa Hưng), nơi đang thí điểm xây dựng mô hình CĐML, chúng tôi được ông Hoàng Xuân Điến, Chủ nhiệm HTX cho biết:

- Từ khi chưa thí điểm mô hình, chúng tôi đã có chủ trương gieo sạ 100 ha lúa. Nay được cấp trên chọn để xây dựng mô hình, chúng tôi thấy rất hợp với điều kiện của HTX, nên đã bắt tay làm ngay.

Tuy vẫn là diện tích nhà nào nhà nấy làm, lúa nhà nào nhà nấy thu, nhưng CĐML có thể gọi là cánh đồng “ba cùng” (cùng cấy 1 loại lúa, cùng trà, cùng phương thức gieo cấy, cùng áp dụng các TBKT trong SX theo tiêu chuẩn VietGAP).

Cũng theo ông Điến, việc triển khai thí điểm mô hình rất gấp, nhưng việc vận động bà con nông dân tự nguyện tham gia mô hình đã được HTX tiến hành rất hiệu quả. 703/762 hộ, với 1.054 lao động của HTX đã tự nguyện tham gia CĐML trên diện tích 100 ha. HTX đảm đương toàn bộ hai khâu làm đất và tưới tiêu. Giá làm đất được tính rẻ hơn giá thuê ngoài. Tại CĐML 100 ha đó chỉ có 22,6 ha đất là lấy được nước tự chảy, còn 77,4 ha đất cao phải bơm, tát. Những hộ có diện tích nằm trên chân đất cao phải bơm, tát cũng chỉ phải chịu mức thủy lợi phí như hộ lấy được nước tự chảy, phần phát sinh đó được HTX “bao cấp”. Khâu làm đất đã xong, bà con bắt đầu sạ lúa.

Mô hình CĐML ở Nghĩa Thịnh mới bắt đầu triển khai, hiệu quả đến đâu, phải chờ một thời gian nữa mới có thể đánh giá. Nhưng tại CĐML của Cty TNHH Cường Tân, theo quan sát của chúng tôI, thì hiệu quả đã rõ. Từ khi DN vào, diện mạo của cánh đồng đã có sự thay đổi rất lớn. Người nông dân có lợi hơn vì vừa có thu nhập từ nguồn cho thuê đất, vừa có thu nhập do làm thuê cho Cty. Tuy nhiên, GĐ Đoàn Văn Sáu vẫn trăn trở :

- Chúng tôi đủ điều kiện để bê tông hóa tất cả bờ vùng, bờ thửa trên cánh đồng cũng như hoàn thiện hơn nữa hệ thống kênh mương. Nhưng vì thời gian thuê đất rất ngắn, chỉ được 5- 6 năm, nên chưa dám đầu tư. SX-KD trên lĩnh vực nông nghiệp, DN phải chịu nhiều rủi ro hơn các ngành nghề khác, lợi nhuận cũng thấp hơn. Giá như nhà nước có chính sách, có cơ chế đặc thù cho DN thuê đất, chẳng hạn thời gian thuê từ 10- 20 năm, thì sẽ thuận lợi cho DN rất nhiều.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.