| Hotline: 0983.970.780

Cải thiện giống cá tra

Thứ Năm 26/04/2012 , 10:54 (GMT+7)

Việc cải thiện chất lượng giống cá tra là không thể chần chừ, chờ đợi thêm nữa, mà phải bắt tay vào làm quyết liệt ngay từ bây giờ...

Mỗi năm ĐBSCL cần tới 1,8-2 tỷ con giống cá tra. SX giống đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu, nhưng chất lượng kém ngày càng thả nổi.

Theo ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, đến năm 2011, toàn vùng ĐBSCL SX được trên 1,4 tỷ cá giống các cỡ (tương đương 24-30 tỷ con cá bột); đồng thời đã có hệ thống các cơ sở nghiên cứu SX, ương cá tra giống.

Cá bố mẹ không đảm bảo

ĐBSCL có khoảng 200 trại sinh sản cá bột với lượng cá bố mẹ khoảng 1.000 tấn (tỷ lệ đực bằng 1/3 cái, tương đương 250/750 tấn), với 4.000 hộ ương cá giống trên diện tích 2.250 ha, tập trung nhiều nhất ở Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Tiền Giang… Về cơ bản, SX giống cá tra đã đáp ứng đủ cho nhu cầu nuôi.

Điều đáng lo ngại là chất lượng cá tra giống ngày càng kém. Nguyên nhân trước hết do đàn cá bố mẹ đã bị suy giảm nghiêm trọng về chất lượng. Hầu hết cá bố mẹ thường có nguồn gốc không rõ ràng, đa số được lựa từ các ao nuôi thương phẩm; có kích cỡ không đồng đều, thể trọng nhỏ.

Quy trình nuôi vỗ ở các cơ sở SX giống không đảm bảo chất lượng. Thậm chí ở nhiều cơ sở, cá bố mẹ thường bị bỏ đói hoặc cho ăn cầm chừng. Khi cá bột trên thị trường tăng giá, chủ các cơ sở giống cá tra thường ép cá bố mẹ sinh sản quá mức cho cá đẻ nhiều lần trong năm... Một số ít cơ sở có chọn cá hậu bị từ tự nhiên nhưng chưa có phương pháp phối giống thích hợp.

Chất lượng cá bố mẹ giảm, thành ra chất lượng cá bột cũng suy giảm theo. Theo Tổng cục Thủy sản, chưa có công bố nào so sánh về sự tăng trưởng, tỷ lệ sống của cá tra bột có kích thước khác nhau, nhưng chắc chắn rằng cá bột hiện nay có kích thước nhỏ hơn trước đây, nên rất có thể sẽ khó ăn được thức ăn tự nhiên để tăng trưởng và sống sót.

Trong khi đó, nhận thức của hầu hết các hộ ương nuôi cá tra giống còn khá kém. Có hơn 40% số hộ trả lời không quan tâm đến chất lượng cá bố mẹ SX ra cá bột mà họ mua, và có đến 35% số hộ mua cá bột từ những hộ SX nhỏ lẻ hoặc không rõ nguồn gốc. Mật độ ương trung bình hiện khá cao, từ 870-1.000 con cá bột/m2, có hộ còn ương mật độ rất cao, 3.000 con/m2.

Mật độ quá cao có thể làm cho thiếu thức ăn ở giai đoạn đầu khi cá chỉ ăn thức ăn tự nhiên, thiếu oxy giai đoạn đầu và có thể ô nhiễm nguồn nước giai đoạn ương sau, làm giảm tỷ lệ sống của cá hương và sức tăng trưởng của cá giống. Bằng chứng là tần suất nhiễm bệnh ở các hộ ương nuôi nhiều hơn những năm trước và xuất hiện một số bệnh nguy hiểm như gan thận mủ, bệnh trắng gan, trắng mang…

Không thể chần chừ

Do thiếu hiểu biết nên nhiều người ương đã lạm dụng thuốc kháng sinh liều cao để chữa trị cho cá, có người còn dùng cả nguyên liệu và thuốc dùng cho người. Sự thiếu hiểu biết trong quá trình thu hoạch và vận chuyển giống từ nơi SX đến ao nuôi, cũng ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ sống của cá.

Theo nhận định của các chuyên gia thủy sản, nếu tỷ lệ sống của cá tra trong quá trình từ bột lên giống được cải thiện, thì ngành SX giống cá tra toàn vùng ĐBSCL chỉ cần 250-300 tấn (bằng 1/4-1/3 số lượng cá bố mẹ hiện nay) là đủ để đáp ứng nhu cầu về cá bột cho ương cá giống.

Vì thế, có thể nói, tình trạng cá bố mẹ, cá bột suy giảm mạnh về chất lượng, quy trình ương nuôi từ cá bột lên cá giống không đảm bảo, khiến hộ SX cá tra giống bị giảm hiệu quả kinh tế, gây khó khăn lớn cho người nuôi thương phẩm (do giá thành cá giống bị đẩy lên cao, thời gian nuôi phải kéo dài hơn trước, tỷ lệ hao hụt cao tới 20-30% trong quá trình nuôi), mà còn gây nên một sự lãng phí lớn cho xã hội.

"Các giải pháp kỹ thuật, công nghệ khác cũng cần được tính đến như nâng cao chất lượng giống thông qua chọn lọc; nghiên cứu vacxin để phòng một số bệnh nguy hiểm thường gặp như gan thận mủ, trắng mang trắng gan; nghiên cứu đổi mới quy trình công nghệ trong sinh sản nhân tạo cá tra; quy trình công nghệ ương nuôi có kiểm soát môi trường và dịch bệnh; nghiên cứu thức ăn cá bố mẹ và giai đoạn cá bột lên hương 20-30 ngày tuổi…", ông Nguyễn Huy Điền.
Bởi vậy, theo ông Nguyễn Huy Điền, việc cải thiện chất lượng giống cá tra là không thể chần chừ, chờ đợi thêm nữa, mà phải bắt tay vào làm quyết liệt ngay từ bây giờ. Trong năm nay, một trong những công việc trọng tâm của Bộ NN-PTNT về vấn đề này là phát triển đàn cá giống bố mẹ hậu bị.

Vừa qua, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 2 (RIA 2) đã chuyển giao 101.000 con cá tra bố mẹ hậu bị cho 9 tỉnh nuôi cá tra ở ĐBSCL. Dự kiến nguồn cá bố mẹ hậu bị này sẽ đáp ứng được 60% nhu cầu cá tra giống của người nuôi tại các tỉnh ĐBSCL. Trong thời gian tới, mỗi năm RIA 2 sẽ tiếp tục chuyển giao cho 9 tỉnh ĐBSCL khoảng 30.000-40.000 cá tra bố mẹ để thay thế những con có chất lượng trứng, tinh trùng thấp (trong 101.000 cá bố mẹ đã chuyển giao). Khoảng cuối năm nay, đàn cá bố mẹ hậu bị sẽ bắt đầu sinh sản. Với đàn cá hậu bị này, từ năm 2013, ĐBSCL sẽ cơ bản đảm bảo được con giống cá tra đạt chất lượng cho người dân

Cũng theo ông  Điền, Bộ NN-PTNT cần sớm xây dựng các bộ Quy chuẩn, Tiêu chuẩn đối với cá tra như: Quy chuẩn cá bố mẹ, cá bột, cá hương, cá giống, nuôi vỗ cá bố mẹ, ương nuôi cá tra… Đồng thời ban hành quy chế quản lý đàn cá tra bố mẹ. Các địa phương cần sớm có quy hoạch vùng SX giống tập trung, chú trọng công tác quan trắc và cảnh báo môi trường, xây dựng các mô hình liên kết tiên tiến trong SX giống…

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.