| Hotline: 0983.970.780

Cẩn trọng với nhện gié hại lúa mùa

Thứ Hai 28/07/2008 , 10:30 (GMT+7)

Theo cảnh báo của ngành BVTV thì trong những năm gần đây nhện gié đã xuất hiện, có khuynh hướng lan rộng và gây hại ở nhiều vùng trồng lúa của nước ta.

Trước đây loại nhện này chỉ xuất hiện và gây hại ở các tỉnh phía Nam nhưng hiện nay chúng đã bắt đầu tấn công gây hại ở cả các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là trên lúa vụ mùa. Năm 2007, lúa mùa của một số tỉnh như Hải Dương, Hà Nội, Điện Biên, Thái Nguyên… đã bị nhện gié tấn công nhưng do chưa xác định được nguyên nhân nên nông dân phòng trừ không có hiệu quả, dẫn đến năng suất một số nơi giảm 25-30%, cá biệt lên tới 60%. Nhện gié thường xuất hiện vào giai đoạn lúa khoảng 40 ngày tuổi nhưng do kích thước quá nhỏ bà con nông dân không phát hiện sớm, đến khi thấy bẹ lá cờ có màu bầm tím (nhiều người quen gọi là bệnh cạo gió) thì khả năng gây hại rất nặng.

Nhện gié hại lúa mùa ở mức nhẹ

Triệu chứng và mức độ gây hại: Theo PGS. TS Nguyễn Văn Đĩnh (ĐH Nông nghiệp Hà Nội) thì đây là loài động vật nhỏ, có tên khoa học là Steneotarsonemus spinki Smiley, màu trắng vàng hoặc trắng trong, rất khó nhìn thấy bằng mắt thường. Chúng thường đục lỗ chui vào sống lúc nhúc trong bẹ lá lúa, chích hút nhựa ở bẹ lá, cuống bông, cuống gié và bông lúa trước khi trỗ. Trên bẹ lá tạo thành những sọc dài màu tím chạy dọc theo bẹ lá (nhiều nơi gọi là bệnh cạo gió), các sọc này bị hoại tử nên có màu nâu thẫm như bã trầu. Khi lúa làm đòng nếu bị nặng bông lúa sẽ thiếu dinh dưỡng dẫn đến hạt bị lép, bông thẳng đứng rất dễ nhận biết. Hạt lúa bị nhện hại co xoắn lại và biến vàng.

Sự gây hại của nhện gié còn tạo ra các vết thương cơ giới là điều kiện thuận lợi cho một số loài nấm, vi khuẩn xâm nhập, phát triển và gây hại như Saclocdalium oryzae, Curvularia sp., Alternaria padwrekii, trong đó chủ yếu là nấm Saclocdalium oryzae gây bệnh thối bẹ. Bệnh thường hại nặng trên lúa hè thu, nhất là với các trà lúa sạ, cấy dày, ruộng thiếu nước.

Kết quả điều tra vụ mùa năm 2007 của trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội cho thấy, trên những ruộng gieo cấy sớm ở Hải Dương và Hà Nội, nhện gié xuất hiện và gây hại từ rất sớm, toàn bộ cánh đồng xuất hiện thân cây lúa bị đen tím, nhiều bông không trỗ thoát được, không uốn câu được do bị hạt lép nhiều, năng suất chỉ bằng 30-40% so với vụ trước. Ở những ruộng bị nhện gié gây hại nặng, tỷ lệ gạo thành phẩm thấp hơn bình thường. Trên các giống lúa khác nhau thì mức độ gây hại và mật độ nhện cũng khác nhau. Theo dõi mật độ nhện gié trên bẹ lá sát bẹ lá đòng của 3 giống phổ biến là Khang dân 18, nếp cái hoa vàng và Q5 tương ứng khi đang trỗ là 38,6; 37,1 và 19,8 con/1cm bẹ lá.

Đặc điểm sinh lý, sinh thái: Nhện gié có kích thước rất nhỏ, khó quan sát bằng mắt thường, nhưng nếu quan sát kỹ sẽ thấy nhện tạo một lớp mạng bằng tơ rất mỏng. Vòng đời 10-12 ngày: trứng 1-2 ngày, nhện non 4-5 ngày, nhện trưởng thành 5-6 ngày. Chúng sống tập trung trong bẹ lá phần trên mặt nước, khi mật số cao mới bò lên bông lúa. Nhện cái có khả năng đẻ được 50 trứng, các trứng không được thụ tinh sẽ nở ra nhện đực. Nhện gié phát triển thích hợp trong thời tiết nóng và khô. Việc nông dân sử dụng nhiều thuốc trừ sâu ở đầu vụ làm giảm mật độ thiên địch trên đồng ruộng, gieo cấy quá dày, bón dư thừa phân đạm cũng là những nguyên nhân làm nhện gié bộc phát thành dịch.

Biện pháp phòng trị: Để phòng trị có kết quả cần áp dụng các biện pháp tổng hợp trước khi lúa trỗ: Luân canh với cây họ đậu nhằm cắt đứt nguồn ký chủ, đồng thời làm tăng thêm độ phì của đất. Sau khi thu hoạch lúa, rải rơm đốt đồng trước khi làm đất với những vùng thường xuyên bị nhện gié gây hại. Cày ải phơi đất, vệ sinh đồng ruộng, diệt hết các lúa gốc, lúa ma; áp dụng chương trình 3 giảm, 3 tăng, gieo cấy thưa theo hàng, bón phân hợp lý, cân đối, luôn giữ đủ mực nước cần thiết không để ruộng khô.

Bảo vệ thiên địch trong ruộng lúa, đặc biệt là một số nhện bắt mồi và ong ký sinh có khả năng kiềm chế mật số nhện gié. Gần cuối giai đoạn đẻ nhánh (30-35 ngày sau khi gieo, cấy), quan sát nếu thấy một số ít dảnh lúa có triệu chứng bị hại (có vết màu tím chạy dọc theo bẹ, bẹ lá bị đỏ bã trầu), hoặc mở bẹ lá dùng kính lúp cầm tay xem nếu thấy nhện nhỏ li ti, cần tiến hành phun bằng một số loại thuốc sau: Methink 25EC pha 25-30ml/bình 8 lít (1-1,2l/ha); Kumulus 80DF pha 20-25g/bình 8 lít để diệt nhện ngay. Thông thường từ lúc lúa đẻ nhánh xong cho đến khi trỗ, nhện gié có 3 thế hệ, vì vậy cần phát hiện sớm, phun thuốc trừ ngay từ thế hệ đầu tiên mới có hiệu quả cao.

Lúc lúa 50-55 ngày sau khi gieo cấy, nếu phát hiện có nhện gié tái xuất hiện cần tiếp tục phun thuốc ngay khi vừa thấy vết cạo gió trên bẹ lá cờ, để chậm nhện tấn công vào bông lúa non là không còn khả năng cứu vãn. Chú ý: Trước khi phun thuốc nên cho nhiều nước vào ruộng để đẩy nhện lên cao dễ tiêu diệt. Vì nhện sống trong bẹ lá khó tiếp xúc với thuốc do đó cần phun đủ lượng nước thuốc 320-480 lít/ha (2-3 bình 8 lít/1.000m2). Nên phun thuốc vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Có thể pha chung với các loại thuốc trừ sâu khác để tiết kiệm thời gian và công sức. Ngừng phun thuốc trước khi thu hoạch 15 ngày.

Xem thêm
Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Thủ phủ cam Cao Phong tái canh để cứu cây đặc sản

Cao Phong, Hòa Bình từng là thủ phủ cam nổi tiếng của miền Bắc nhưng khi giá bán hạ, bệnh phát sinh khiến địa phương này phải tính đến bài toán tái canh.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.