| Hotline: 0983.970.780

Nỗi niềm kẻ ở người đi

Thứ Sáu 21/09/2012 , 10:30 (GMT+7)

Chuyến khảo sát lên vùng TĐC thủy điện Sơn La, nhóm PV NNVN luôn đau đáu một điều là vì sao lại có hàng trăm đồng bào TĐC thủy điện Sơn La quay về nơi ở cũ?

Chuyến khảo sát lên vùng TĐC thủy điện Sơn La, nhóm PV NNVN luôn đau đáu một điều là vì sao lại có hàng trăm đồng bào TĐC thủy điện Sơn La quay về nơi ở cũ?

>> Kiến nghị từ Quỳnh Phố
>> Ở nơi thí điểm tái định cư

Ngày 29/3/2012, UBND huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La có Quyết định công nhận 30 hộ dân ở bản Kích, xã Pá Ma Pha Khinh là đối tượng di chuyển TĐC tạm thành hộ TĐC tập trung theo quy hoạch dự án thủy điện Sơn La. Đến tháng 7, thông tin này mới tới bản Kích và hiện tại các bên liên quan đang tiến hành thủ tục để dân bản được hưởng chính sách TĐC.

Như vậy, sau 4 năm mang tiếng là chống đối việc di dân thì đến nay số hộ này mới được công nhận mình là đối tượng được hưởng chính sách TĐC. Trong niềm vui chưa trọn ấy, gặp chúng tôi, các ông Hoàng Văn Chanh - Bí thư Chi bộ và Hoàng Văn Dun - nguyên trưởng bản Kích, hiện là Phó Bí thư bản đã kể lại nỗi thống khổ của đồng bào trong suốt những tháng ngày qua.


Ông Hoàng Văn Dun (bên phải) - Phó Bí thư Chi bộ bản Kích đang kể về những bức xúc của dân bản suốt 4 năm qua

Mở đầu câu chuyện, ông Chanh rưng rưng nước mắt khi cầm cái quyết định của huyện Quỳnh Nhai và nói: “Vậy là mấy chục đảng viên và hơn 170 con người của đồng bào nơi đây thoát được cái “án” mang tiếng là chống đối chính quyền. Nay có các nhà báo về đây, xin phép cho chúng tôi được tỏ lòng mình một vài lời”.

Như bao người chúng tôi gặp ở xứ Tây Bắc ngút ngàn xa xôi ấy, những người cán bộ của bản Kích vẫn chân thành mộc mạc như cây bắp trên đồi. Họ uống nước chè và rít thuốc lào, xua tan đi mọi phiền muộn và chậm rãi kể về quãng thời gian không mấy xa xăm. Họ cho rằng dân bản không chống đối, song vì bị đối xử thiếu công bằng và cứng nhắc của chính quyền sở tại dẫn đến 4 năm qua họ sống trong sự oan ức và thiếu thốn trăm bề.

Ông Dun cho hay: “Chấp hành chủ trương của cấp trên, bản Kích lúc đó có 130 hộ và 100% dân bản đều nhường toàn bộ đất của mình để Nhà nước xây dựng nhà máy thủy điện đúng tiến độ. Trong hai năm 2008, 2009 có 87 hộ của bản di chuyển đến nơi TĐC ở huyện Mai Sơn và Yên Châu. Một số hộ thì xen ghép ở các địa bàn khác. Số còn lại quyết định di vén lên ở khu vực nằm ngoài vùng bị ảnh hưởng của lòng hồ thủy điện. Nơi chúng tôi đang ở bây giờ vẫn thuộc địa giới hành chính của bản Kích”.

Theo phản ánh của dân bản, họ đã được tỉnh Sơn La quy hoạch khu TĐC ở bản Co Phương 3, xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu. Khi biết vị trí đó, đồng bào đã tìm đến khảo sát. Mọi người nhận thấy ở đó không thể sống được. Đất sản xuất chưa được chỉ ở đâu, chỉ có nơi ở được san lấp từ một quả đồi.

“Chúng tôi đến khảo sát sau một trận mưa và nhìn thấy nhiều nền nhà đã bị sạt lở, sa lầy kinh lắm. Các hộ của bản đi TĐC ở những nơi khác thông báo về cho hay nơi ở mới thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt. Rồi chúng tôi lại đi xem và thấy đúng như dân bản kêu ca”, ông Dun nhớ lại.

Thế rồi 170 nhân khẩu của 30 hộ dân họp lại và thống nhất gửi kiến nghị lên UBND xã đề nghị được chấp thuận di vén lên khu vực này. Họ khẳng định, toàn bộ diện tích nằm trong vùng ảnh hưởng của lòng hồ, nhân dân đã nhường lại cho dự án thực hiện đúng tiến độ. Họ nhận thấy địa điểm đến TĐC không thể bằng nơi cũ và diện tích đất ở của bản vẫn còn đủ để nhân dân di vén lên. Hơn nữa phần đất di vén này nằm ngoài khu vực bị ảnh hưởng của lòng hồ.

Nếu được như thế, một mặt tiết giảm được chi phí vận chuyển cũng như không làm đảo lộn lớn đến đời sống của dân bản. Mặt khác, cũng tiết kiệm được phần nào cho ngân sách nhà nước. Rất tiếc kiến nghị đó của 30 hộ dân đã không được các cấp chấp thuận.

Họ đành “liều” di vén tự phát. Sau khi nhường hết đất ở, đất vườn, và tiến hành cất bốc mồ mả ra khỏi vùng bị ảnh hưởng để Nhà nước làm thủy điện, họ bán hết tài sản, chỉ để lại một số đồ sinh hoạt thiết yếu, thuê ô tô chở vật liệu lên khu di vén dựng nhà cửa bắt đầu cuộc sống mới.

Bốn năm trời, dân bản vẫn duy trì các hoạt động bình thường như sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt văn hóa bản, tăng gia sản xuất và không quên kiến nghị lên cấp trên công nhận được di vén để đảm bảo các quyền lợi, trong đó đáng quý nhất là quyền lợi về chính trị. Song theo lời ông Chanh - Bí thư Chi bộ thì mọi hoạt động của họ đã không được cấp trên ghi nhận. Rất may là toàn thể dân bản đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau và tích cực tăng gia sản xuất.

Chính vì không được thừa nhận chính danh nên nhiều quyền lợi của đồng bào thiệt thòi rất lớn. Trước hết là thiệt thòi về văn hóa và kinh tế, trong đó phải kể đến việc điện lưới quốc gia chạy qua nhà mà dân bản không có dùng. Không có điện lưới, 4 năm trời, dân bản phải vượt 27 km đường rừng để mua dầu về thắp.

Khổ nhất là vào mùa mưa, không thể đi đường bộ, đành thuê thuyền đi trên sông. Mỗi chuyến cả đi và về, chủ thuyền lấy 120.000đ, cộng với 30.000đ tiền xe ôm ở phố huyện nữa là mất toi 150.000đ, chưa kể tiền dầu. Đi lại khó khăn, giá dầu tăng nên dân bản chỉ dành dầu cho con cái học hành và khi nhà có việc lớn. Tối đến, dân bản đi ngủ sớm. Có chuyện trò hay đi làm nương về muộn đành phải ăn cơm trong bóng tối.


Khát khao của đồng bào bản Kích là sớm được hưởng chính sách TĐC và được chính quyền đóng điện cho sinh hoạt

Không có điện, toàn bộ ti vi mà dân bản từng dùng bao nhiêu năm trước nay đắp chiếu ở xó. Anh Nghĩa (SN 1977) vừa được bầu làm trưởng bản cho hay: “Mỗi quý, dân bản được đoàn chiếu phim ở huyện về phục vụ miễn phí 1-2 đêm. Thế là hôm đó, nhà nào cũng ăn cơm sớm để đi xem phim. Ai cũng nhớ cảnh ngày trước được xem ti vi, nghe đài và nhìn ánh sáng của bóng đèn điện, sinh hoạt gia đình sướng hơn hẳn. Nay không điện, đồng bào gần như mù tịt về thông tin, nhất là các thông tin thời sự, văn hóa. Cũng may có đoàn chiếu phim nên phần nào dân bản được an ủi. Có hôm đoàn chiếu phim thức cùng dân bản đến 2h sáng vì dân không muốn về ngủ”.

Dân bản Kích kiến nghị: Do khu di vén, phần lớn tài sản đều dành cho việc di dời và làm nhà nên hiện không có điều kiện để đầu tư cho phát triển kinh tế. Đặc biệt, mong chính quyền sở tại sớm đóng điện để cho đồng bào có điều kiện phát triển kinh tế và tiếp cận với văn hóa.

Anh Lừ Xuân Quý - cán bộ Phòng Văn hóa, thể thao huyện Quỳnh Nhai là tổ trưởng đoàn chiếu phim mỗi lần về đây được dân bản gọi trìu mến là “cán bộ ánh sáng”. Hỏi về cảm xúc đó, anh Quý cho hay: “Đó là niềm vui. Chúng tôi luôn mong đồng bào ở đây sớm có điện để dùng và được hưởng chính sách như những đồng bào TĐC”.

Trong khi đồng bào bản Kích bị  thúc ép đến nơi TĐC thì có đến 60 hộ ở bản Khoang của xã cũng thuộc diện phải di dân đến nơi ở mới nhưng lại được chính quyền các cấp “linh động” cho họ được di vén ở quanh đó và hưởng đầy đủ các chính sách về TĐC thủy điện Sơn La. Đây là điều mà cán bộ và nhân dân ở bản Kích cho rằng cách xử sự như thế của chính quyền là không công bằng.

Mong tỉnh Sơn La chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để các ngành liên quan ở huyện Quỳnh Nhai và xã Pa Ma Pha Khinh sớm hoàn tất các thủ tục để đồng bào bản Kích được hưởng đầy đủ chính sách về TĐC nhằm giúp họ yên tâm sinh sống và có điều kiện phát triển kinh tế. Mặt khác cũng cần động viên dân bản bởi họ đã giữ được thế ổn định trật tự địa bàn trong suốt 4 năm bị bỏ rơi cũng như sự hy sinh lớn lao của họ đối với công trình thủy điện này.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất