| Hotline: 0983.970.780

Kim Lan lập phòng tuyến chống dịch

Thứ Ba 02/04/2013 , 09:34 (GMT+7)

Kim Lan - xã đầu tiên dính dịch lở mồm long móng của huyện Gia Lâm, Hà Nội đã dựng hai chốt ngăn chặn, sử dụng hàng loạt biện pháp khẩn cô lập dịch bệnh.

Kim Lan - xã đầu tiên dính dịch lở mồm long móng của huyện Gia Lâm, Hà Nội đã dựng hai chốt ngăn chặn, sử dụng hàng loạt biện pháp khẩn cô lập dịch bệnh từ trong ra ngoài và từ ngoài vào trong.

Vôi bột rải trắng xóa. Tiếng máy phun thuốc khử trùng, tiêu độc nổ vè vè. Bóng sắc phục công an lẫn thú y cơ sở chốt chặn ở các barie ngay tại thôn Tiền Phong - điểm xuất phát của dịch lẫn lối vào từ vùng giáp ranh tỉnh Hưng Yên sang.

Ông Nguyễn Đức Trí - Phó Chủ tịch UBND xã báo cáo nhanh về chuyện địa phương đã họp ban chỉ đạo phân công nhiệm vụ phun thuốc tiêu độc khử trùng, tiêm 2.000 liều vắc xin lở mồm long móng (LMLM), công bố ra rả trên loa đài về tình hình dịch bệnh, yêu cầu 15 hộ buôn bán thịt lợn ở chợ ký cam kết tạm dừng (tuy nhiên vẫn còn 2 hộ đang bán - PV): “Chúng tôi hứa trong vòng 21 ngày sẽ khống chế và dập được dịch. Tuy nhiên nỗi lo lớn nhất của Kim Lan là địa bàn giáp ranh nên khi Hưng Yên xảy ra dịch LMLM rất dễ bị ảnh hưởng lây. Từ đầu năm đến giờ đã hai lần UBND xã phải chỉ đạo người cho nhặt, xử lý các bao tải lợn chết bị vứt bừa bãi ra mương máng, ra bãi rác gần với đất của xã Xuân Quan (Văn Giang, Hưng Yên). Khác huyện, khác tỉnh nên rất khó để mà kết hợp phòng chống dịch được”.

Có mặt tại điểm nóng Kim Lan, Quyền Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội, ông Cấn Xuân Bình cảm ơn Báo NNVN đã thông tin kịp thời về tình hình dịch bệnh. Buổi sáng NNVN đăng tải bài “Lợn chết bất thường ở ngoại thành Hà Nội” thì buổi chiều Chi cục đã cắt cử người trực tiếp sang chỉ đạo, lập phòng tuyến chống dịch tại Kim Lan. Sau khi có kết quả xét nghiệm là bệnh LMLM týp O (týp không mới - PV), đơn vị lên phương án bao vây những thôn chưa có dịch, cho thú y đến từng hộ chăn nuôi thống kê số lượng, tiêm vắc xin LMLM cho đàn lợn kể cả với lợn bột. Trên địa bàn toàn thành phố, tổ chức tiêm vắc xin LMLM cho lợn nái, lợn đực và đàn trâu bò. Song song với tiêm phòng, công tác vệ sinh tiêu độc, khử trùng sẽ được tiến hành mỗi ngày một lần ở chuồng trại có dịch, 3 ngày một lần ở thôn, xã có dịch bằng hóa chất được thành phố hỗ trợ.

“Với LMLM, những con lợn bệnh khi chữa khỏi, 3 tháng sau đã bài thải hết mầm bệnh có thể được tiêu thụ trên địa bàn”. Quyền Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội Cấn Xuân Bình.

Ông Bình cho biết, để xảy ra dịch LMLM ở Kim Lan là có ba lý do chính: “Thứ nhất nhận thức của người chăn nuôi quá kém, khi lợn ốm không báo chính quyền cơ sở mà mời thú y tự do của một xã ở Hưng Yên sang chữa. Ông này lại dọa chủ trại rằng nếu báo dịch là bị tiêu hủy cả đàn, chỉ hỗ trợ mỗi con vài trăm ngàn đồng nên chủ trại sợ, giấu dịch. Phương pháp điều trị rất sai, lợn đang ốm với các biểu hiện như sốt, kém ăn hoặc bỏ ăn không bao giờ được dùng vắc xin thì lại tiêm vào, hoàn toàn trái với chuyên môn. Theo tôi chưa chắc ban đầu đàn lợn ốm của anh Sơn đã bị LMLM nhưng khi thú y đi từ vùng có dịch đến chữa, giày dép, dụng cụ, bơm kim tiêm chưa sát khuẩn của ông ta có thể lây sang. Chính sách của Hà Nội là nếu lợn chết do LMLM, lợn con theo mẹ, lợn đực giống, lợn chữa 7-10 ngày không phục hồi hoặc xuất hiện týp mới sẽ bị tiêu hủy nhưng chủ trại được hỗ trợ với giá 38.000 đ/kg”.

Cũng theo Quyền Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội qua việc để xảy ra dịch ở Kim Lan mà thú y cơ sở không biết là quá thiếu trách nhiệm. “Thú y nào để dịch xảy ra trên địa bàn mà không biết là có lỗi. Để nâng cao năng lực cho đội ngũ này, đợt tới chúng tôi sẽ tiến hành xét tuyển viên chức chăn nuôi - thú y xã, họ sẽ được hưởng chính sách như viên chức còn thú y thôn bản sẽ được hưởng 0,3 hệ số lương cơ bản”.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất