| Hotline: 0983.970.780

Người thả khỉ về rừng

Thứ Sáu 21/06/2013 , 09:11 (GMT+7)

Trong khi nạn buôn bán động vật quý hiếm trái phép ngày càng nhức nhối thì có một người mua từng con khỉ của người dân săn bắt về chăm sóc và thả vào rừng.

Ông Nguyễn Xuân Thành, dành cả đời mình gắn bó với rừng

Trong khi nạn buôn bán động vật quý hiếm trái phép ngày càng nhức nhối thì có một người mua từng con khỉ của người dân săn bắt về chăm sóc và thả vào rừng.

Ông là Nguyễn Xuân Thành (SN 1962) ở xã Phú Sơn, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An. Năm 1994, Nhà nước có chính sách giao đất rừng, ông xin nhận 100 ha đất để trồng rừng. Cán bộ kiểm lâm vận động nên ông nhận luôn gần 300 ha và thành lập DN trồng rừng Tuấn Thành. Sau đó ông chuyển gia đình vào rừng, gắn chặt cuộc sống với rừng, trồng rừng kết hợp chăn nuôi.

Sau gần 20 năm lăn lộn với rừng, qua bao gian nan vất vả, hiện tại ông có hơn 200 ha rừng tự nhiên phục hồi với nhiều loài cây gỗ quý, hơn 70 ha rừng trồng đã đến kỳ khai thác, 9 ha ao hồ thả cá và 1 trang trại chăn nuôi lợn rừng.

Không ít người cho ông là người gàn nhưng tất cả đều phải thừa nhận là nếu không có ông thì xã Phú Sơn không còn rừng tự nhiên. Toàn bộ khu vực Pù Hà, Khe Sắn trước đây chỉ là đất trống và cây bụi, mấy xóm dưới núi thiếu nước sản xuất, sinh hoạt, thì hiện đã đủ nước tưới tiêu nhờ hồ nước rộng 9 ha trên đất ông quản lý.

Mạch nước ngầm ổn định, người dân không còn phải nạo vét giếng vào mùa khô hạn. Chính quyền xã Phú Sơn đang định xây dựng dự án nước sạch dẫn nước từ đầu nguồn Pù Hà, Khe Sắn nơi có gần 300 ha rừng của ông.

Chúng tôi đến được nhà ông thì trời đã về trưa, nắng gắt. Ông vẫn lúi húi ngoài vườn làm đất để ươm giống chè cao sản. Tiếp chúng tôi trong một ngôi nhà tuềnh toàng bởi toàn bộ vốn liếng ông đã đổ vào rừng.

Bên chén rượu ngà ngà, ông kể về những buổi đầu khó khăn khi nhận đất nhận rừng. Núi Pù Hà như một mâm xôi giữa vùng sơn địa, người dân vào khai thác, săn bắt, ông đã phải dùng đủ phương cách tuyên truyền vận động mới giữ được rừng như hôm nay.

Ông kể, lần được bầu vào HĐND tỉnh Nghệ An khóa 13 (1994 - 1999) đi họp thì mặc com lê, về nhà là ông quần đùi áo cộc lăn lộn với rừng. Với gần 300 ha rừng, ông thuộc từng gốc cây ngọn cỏ. Những cây lim ông trồng giờ đã lớn, một người ôm không xuể; những cây táu, sến chen chúc nhau như so đũa, dày quá, tỉa thưa chặt cây nào ông cũng tiếc.

Rừng của ông không còn nhiều thú, chỉ còn dăm ba loài chồn, sóc; chủ yếu là các loài chim. Ông thường mua các loài thú bị săn bắt các nơi khác để thả vào rừng; nhất là những loài quý hiếm như khỉ.

Chúng tôi hỏi ông sao lại có những hành ông lạ như vậy, diện tích rừng của ông không lớn, xung quanh núi là khu dân cư, nên rất dễ bị xâm hại, làm sao để có thể bảo vệ được chúng? Ông cười, một nụ cười vừa vui, vừa buồn đầy suy tư khát vọng: “Nhiều người cho tôi là lập dị, thích làm người nổi tiếng nhưng tôi không nghĩ như vậy. Đơn giản tôi chỉ là một người yêu rừng, làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn".

Ông say sưa nói về rừng làm cho tôi, một Hạt trưởng Kiểm lâm, cũng bất ngờ. Ông chỉ mong muốn sau này con cháu mình tận mắt thấy con khỉ, con mang, con hoẵng... chứ không phải trên sách báo. Những con khỉ thả vào rừng rất dễ bị xâm hại nhưng ông sẽ làm mọi cách để bảo vệ chúng. Cũng có thể ông chẳng bao giờ được gặp chúng song mọi người hiểu được và không săn bắt động vật, không phá rừng.

(*): Tác giả hiện là Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Tân Kỳ

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Greenfeed Việt Nam công bố kết quả tăng trưởng lợi nhuận bền vững

Greenfeed Việt Nam với những chỉ số tài chính vừa công bố, cho thấy thương hiệu này vẫn duy trì hoạt động sản xuất và kinh doanh hiệu quả trên thị trường nông sản.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.