| Hotline: 0983.970.780

Quyền cao không ngại Luật?

Thứ Tư 19/06/2013 , 09:51 (GMT+7)

Bất chấp ý kiến chỉ đạo của các ngành các cấp, công trình hồ sinh thái do ông Minh huy động đầu tư vẫn tiếp tục hoàn thiện…

Báo NNVN ngày 15, 16, 17/5/2013, ra loạt bài phản ánh việc ông Phạm Văn Minh - GĐ CA tỉnh Bắc Giang huy động doanh nghiệp đầu tư công trình hồ sinh thái trái phép tại bãi sông Thương, xã Song Mai - TP Bắc Giang.

>> Giám đốc CA tỉnh Bắc Giang liên quan công trình đầu tư trái phép!

Sau khi Báo NNVN thông tin, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) đã gửi văn bản đề nghị chính quyền địa phương xử lý, UBND tỉnh Bắc Giang cũng đã có chỉ đạo giải tỏa công trình. Tuy nhiên, bất chấp ý kiến chỉ đạo của các ngành các cấp, công trình hồ sinh thái do ông Minh huy động đầu tư vẫn tiếp tục hoàn thiện…

Thách thức pháp luật

Sau khi Báo NNVN thông tin, công trình đào hồ sinh thái trái phép do ông Phạm Văn Minh - GĐ CA tỉnh Bắc Giang huy động đầu tư tại thôn Vĩnh An, xã Song Mai vẫn tiếp tục đổ bê tông từ mái đê xuống ao nuôi thủy sản. Xét thấy vụ việc có tính nghiêm trọng, UBND TP Bắc Giang đã chỉ đạo Phòng Kinh tế TP, Hạt quản lý đê TP, UBND xã Song Mai lập biên bản và yêu cầu “thôn” Vĩnh An đình chỉ ngay hành vi vi phạm và giải tỏa công trình trái phép nhưng thôn Vĩnh An không chấp hành. Liên quan đến công trình vi phạm này, Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang cũng đã có báo cáo gửi Bộ NN-PTNT.

Ngày 24/5, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) có ý kiến khẳng định đây là hành vi vi phạm pháp luật đê điều và phòng chống lụt bão, gây cản trở dòng chảy và ảnh hưởng đến an toàn đê điều. Tại văn bản gửi tỉnh Bắc Giang, ông Nguyễn Xuân Diệu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh và UBND TP Bắc Giang khẩn trương kiểm tra và xử lý dứt điểm hành vi vi phạm nêu trên theo qui định của pháp luật.

Tiếp đó, ngày 30/5/2013, UBND TP Bắc Giang đã chủ trì cuộc họp với Sở NN-PTNT, Chi cục Đê điều và PCLB tỉnh để bàn biện pháp giải quyết và đi đến thống nhất phải tháo dỡ công trình vi phạm nhằm bảo đảm thoát lũ trong mùa mưa bão. Giao UBND xã Song Mai quản lý chặt chẽ khu vực vi phạm sau khi tháo dỡ, không để tái vi phạm. Hạn chót để địa phương tháo dỡ công trình, hoàn trả lại hiện trạng ban đầu là ngày 14/6/2003. Tuy nhiên, bất chấp các văn bản chỉ đạo từ cấp Bộ, cấp tỉnh, cấp thành phố… công trình hồ sinh thái tại quê hương của ông Minh vẫn ngày một hoàn thiện.



Công trình đắp hồ trái phép được chụp vào tháng 4/2013 và ảnh chụp công trình đã được hoàn thiện vào tháng 6/2013

Mất tín

Trở lại câu chuyện ngày 18/4/2013, khi phóng viên Báo NNVN trao đổi với ông Phạm Văn Minh xung quanh công trình trái phép mà ông đang huy động doanh nghiệp đầu tư. Ông Minh cho rằng công trình không hề ảnh hưởng đến khả năng thoát lũ và khi khởi công công trình đã được cán bộ Hạt QL Đê điều TP Bắc Giang về đo đạc đánh giá.

Về mục đích, ông Minh khẳng định là không “tư lợi cá nhân” mà chỉ kêu gọi doanh nghiệp đầu tư cho thôn thành một khu sinh thái, vui chơi giải trí kết hợp thả cá và vì làm việc tốt cho thôn nên ông Minh không nghĩ nhiều đến thủ tục xin phép theo qui trình pháp luật. Thời điểm ấy, trước tâm sự của một cán bộ lãnh đạo cao cấp, chúng tôi từng thực sự muốn tin và hy vọng sự thực đúng như ông Minh bộc bạch. Tiếc rằng, văn bản báo cáo số 122 của UBND TP Bắc Giang gửi Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Giang về kết quả kiểm tra, xử lý việc đào ao, đắp đập ở bãi sông thôn Vĩnh An lại phản bác hoàn những điều chúng tôi được nghe và muốn được chia sẻ với ông.

Nội dung văn bản nêu rõ, từ 15/3/2013, tức khoảng một tháng trước buổi ông Minh gặp phóng viên, UBND TP đã chỉ đạo xã Song Mai lập biên bản xử phạt hành chính và đình chỉ việc thi công công trình. Cho thấy, không phải ông Minh không biết, không “nghĩ” đến thủ tục xin phép mà ngay khi mới khởi công ông Minh đã được gián tiếp “nhắc nhở” đây là công trình trái phép. Nhưng có lẽ đang ở vị trí quá cao nên ông coi thường quyết định của chính quyền cơ sở.

Nghiên cứu thêm tài liệu, chúng tôi nhận thấy đánh giá của cán bộ Hạt QL đê điều cũng không giống như ông Minh thông tin với phóng viên. Trong quá trình tham gia xử lý vụ việc, ông Tạ Văn Tâm, cán bộ Hạt Đê điều nhận xét: “Kiểm tra thực tế công trình xây dựng, bờ ao đắp rất cao vượt mức 7,2; Cao trình bờ ao cao hơn so với mức báo động nước lũ cấp 3, gây ảnh hưởng đến việc thoát lũ trong mùa mưa bão”.

Với những thông tin thu thập được, giờ đây phóng viên cũng không dám tin mục tiêu ông Minh huy động vốn đầu tư công trình hồ sinh thái là để cho cộng đồng “thôn”. Công trình vừa xây xong, lòng hồ được kè bê tông vững chắc, xung quanh hồ đã trồng cây, cắm cọc bê tông và rào dây kẽm gai vòng quanh (một hành động khoanh vùng lãnh thổ vẫn thường thấy ở các trang trại tư nhân). Mặc dù hàng rào không cao, được làm một cách chiếu lệ nhưng vẫn vạch ra ranh giới rõ ràng. Và tất cả người dân trong xã Song Mai đều biết hàng rào kẽm gai đó do ai dựng lên.

Bế tắc?

Nhìn vào qui trình xử lý vi phạm của UBND TP Bắc Giang, rõ ràng cơ quan này đã và đang cố gắng làm hết trách nhiệm của mình nhưng lại rơi vào hoàn cảnh “tiến lên mắc núi, trở lại mắc sông”. Vì rằng, việc cưỡng chế công trình trái phép nêu trên nằm trong thẩm quyền, trách nhiệm của UBND TP, tuy nhiên người đứng đằng sau, kêu gọi vốn đầu tư cho công trình lại là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, GĐ CA tỉnh. Xét về thứ bậc “phẩm hàm” thì ông Phạm Văn Minh là một trong những lãnh đạo hàng đầu của tỉnh, chức vụ cao hơn Chủ tịch TP Bắc Giang đến vài bậc. Liệu Chủ tịch UBND TP Bắc Giang có đủ dũng khí tổ chức đoàn cưỡng chế phá dỡ công trình trái phép nói trên?

Câu trả lời đã rõ khi vụ việc càng ngày càng trở nên bế tắc, không có hướng giải quyết. Thành phố cứ xử phạt hành chính, cứ ra quyết định đình chỉ nhưng công trình vẫn tiếp tục thi công bất chấp pháp luật.

Theo NNVN, để giải quyết dứt điểm công trình đào hồ, đắp đập trái phép ở bãi sông thôn Vĩnh An, đảm bảo an toàn đê trong mùa mưa lũ sắp tới theo đề nghị của Tổng cục Thủy lợi, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Giang và các ngành chức năng nên vận động ông Phạm Văn Minh chấp hành nghiêm túc pháp luật đất đai, pháp luật đê điều, tự giác tháo dỡ công trình trái phép do ông huy động đầu tư.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.