| Hotline: 0983.970.780

Người cung cấp thông tin bị trù dập

Thứ Hai 01/07/2013 , 09:37 (GMT+7)

Thay vì khắc phục những sai phạm, lãnh đạo Lâm trường Sóc Sơn lại trù dập người cung cấp thông tin cho báo chí...

Thời gian qua, qua thông tin của người nhận khoán rừng, NNVN đã lần lượt phanh phui những sai phạm của lãnh đạo Lâm trường Sóc Sơn (Cty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông lâm nghiệp Sóc Sơn) bằng nhiều bài viết. Tuy nhiên, thay vì khắc phục những sai phạm, lãnh đạo Lâm trường Sóc Sơn lại trù dập người cung cấp thông tin cho báo chí và đề nghị được khen thưởng cho… sai phạm của mình.

Trả lời báo chí, “tống cổ” khỏi nơi làm việc

Đó là bảo vệ Lâm trường Sóc Sơn Lê Văn Hùng, người đã cung cấp các thông tin và có thư phản ánh gửi NNVN. Ông Hùng đã thay mặt người nhận khoán rừng Sóc Sơn nói lên tiếng nói để bảo vệ màu xanh của rừng Sóc Sơn, ngăn chặn kịp thời những hành động hủy hoại rừng. Tuy nhiên, sau khi NNVN đăng tải sai phạm tại Lâm trường Sóc Sơn, ông Hùng liền bị trù dập, đuổi khỏi nơi làm việc và điều chuyển sang công việc khác mà ông không có chuyên môn.

Theo đơn trình bày của ông Hùng, ông được tuyển vào Lâm trường Sóc Sơn năm 2005 và năm 2009 được chuyển về làm nhân viên bảo vệ của Cty. Ông thực hiện công tác bảo vệ 30/30 ngày trong tháng, kể cả lễ, Tết. Ngoài ra ông còn làm kiêm nhiệm công tác quản lý trang thiết bị, máy móc, vật tư phục vụ cho việc chữa cháy rừng. Ông đang làm tốt công tác của mình, nhưng lại bị “đuổi” khỏi nơi làm việc và yêu cầu ông không được phép quay lại.

Ông Hùng cho biết: “Chiều ngày 28/5/2013, Lâm trường Sóc Sơn có đưa cho tôi Quyết định chuyển từ nhân viên bảo vệ sang làm công nhân tại Đội sản xuất Đền Gióng, cách nhà 12 km. Trong khoảng thời gian rất ngắn, yêu cầu tôi phải bàn giao lại và ra khỏi cơ quan. “Cấm cửa” quay lại cơ quan, văn phòng với lý do là gây mất an ninh trật tự, an toàn cho Cty. Trước khi ra quyết định điều chuyển công tác trên, GĐ và Phòng Tổ chức không hề gặp gỡ, trao đổi...”.


Nhiều diện tích rừng do Lâm trường Sóc Sơn quản lý đã biến thành nhà ở, biệt thự

Giám đốc “mù” luật?

Trong Quyết định số 94/QĐ-CT ngày 28/5/2013 do GĐ Lâm trường Sóc Sơn Nguyễn Thị Thu Hằng ký điều động công nhân Lê Văn Hùng lại căn cứ vào “Luật Doanh nghiệp Nhà nước”. Điều đáng nói là Luật Doanh nghiệp Nhà nước đã bị thay thế bằng Luật Doanh nghiệp do Quốc hội khóa XI thông qua tại kỳ họp thứ 8, ngày 29/11/2005. Tại khoản 2, Điều 171 quy định, Luật này thay thế Luật Doanh nghiệp Nhà nước năm 2003, tức là đã hết hiệu lực gần 8 năm.

Nhưng, không hiểu vì “mù” luật hay cố tình mà GĐ một lâm trường quản lý “lá phổi xanh” lớn nhất của Thủ đô lại ký quyết định điều chuyển công tác trên cơ sở một văn bản pháp luật hết hiệu lực thi hành.

Luật sư Nguyễn Văn Tú, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng: Việc GĐ Lâm trường Sóc Sơn tự ý ban hành quyết định điều chuyển công tác nói trên vi phạm nghiêm trọng quyền của người lao động được quy định tại Khoản 2, Điều 31, Bộ luật Lao động được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2012. Khoản này nêu rõ: “Khi tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 03 ngày làm việc, thông báo rõ thời hạn làm tạm thời và bố trí công việc phù hợp với sức khỏe, giới tính của người lao động”. Quyết định điều động công nhân Lê Văn Hùng không thể hiện sự thông báo này, mà có hiệu lực ngay khi ký quyết định, ngày 28/5/2013. Điều này không chỉ thể hiện sự non kém, coi thường pháp luật về lao động của GĐ Lâm trường Sóc Sơn, mà vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của người sử dụng lao động đối với người lao động.

Phá rừng vẫn xin được khen thưởng

Liên quan đến những sai phạm tại Lâm trường Sóc Sơn, Chính phủ đã có công văn số 4361/VPCP-ĐMDN ngày 30/5/2013 về rà soát, đánh giá thực trạng quản lý, sử dụng đất, rừng của Lâm trường Sóc Sơn. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT đã có Quyết định số 1344/QĐ-BNN-TCLN ngày 14/6/2013 thành lập Đoàn công tác gồm 12 cán bộ là đại diện Bộ NN-PTNT, Bộ TN-MT, các sở, ngành của Hà Nội. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Bá Ngãi làm trưởng đoàn. Tại buổi làm việc ngày 25/6/2013 tại Lâm trường Sóc Sơn, đoàn công tác đã nghe báo cáo của Lâm trường Sóc Sơn và kiểm tra thực tế trước khi có báo cáo Bộ NN-PTNT và Thủ tướng Chính phủ.

Một điều nghịch lý là, sau kết luận Thanh tra số 57/KLTT-STNMT ngày 15/1/2013 của Sở TN-MT Hà Nội, UBND TP Hà Nội có văn bản 3315/UBND-TNMT ngày 10/5/2013 về xử lý vi phạm trong quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên đất rừng tại huyện Sóc Sơn yêu cầu kỷ luật lãnh đạo Lâm trường Sóc Sơn vì những sai phạm trong quản lý, điều hành, hủy hoại rừng. Tuy nhiên, trong khi việc kỷ luật này chưa thực hiện, thì lãnh đạo Lâm trường Sóc Sơn lại đề nghị với Đoàn công tác… khen thưởng cho tập thể Cty vì những thành tích trong công tác bảo vệ rừng.

Đã từng bị đề nghị giải thể vì quá nhiều sai phạm

Trước những sai phạm quá nghiêm trọng từ năm 2006, Thanh tra TP Hà Nội có văn bản gửi UBND TP Hà Nội, trong đó đề xuất giải thể Lâm trường Sóc Sơn: “Lâm trường Sóc Sơn được thành lập theo mô hình DNNN theo Nghị định 388/CP nhưng thực tế sau khi quy hoạch thành rừng phòng hộ, đặc dụng thì nguồn thu của Lâm trường chỉ trên cơ sở ngân sách Nhà nước đầu tư cho các dự án trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng trong diện tích đất lâm nghiệp do lâm trường được giao quản lý, do đó loại hình tổ chức Lâm trường Sóc Sơn như hiện tại là không phù hợp, cần giải thể Lâm trường Sóc Sơn”.

Nhưng, không hiểu vì lý do gì, Lâm trường Sóc Sơn vẫn tồn tại và ngày càng gây ra nhiều sai phạm nghiêm trọng hơn trên đất rừng?

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.