| Hotline: 0983.970.780

Nông dân “dài cổ” chờ bồi thường bảo hiểm nông nghiệp

Thứ Tư 17/07/2013 , 09:24 (GMT+7)

Trước tình hình dịch bệnh trên tôm, để giảm bớt rủi ro, người nuôi tôm ở Cà Mau đã bỏ ra một số tiền không nhỏ mua bảo hiểm nông nghiệp (BHNN). Thế nhưng, khi rủi ro xảy ra thì người dân lại phải đối mặt với một khoản nợ “khó đòi” từ đơn vị bán thí điểm BHNN.

Trước tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi diễn biến phức tạp, để giảm bớt rủi ro, người nuôi tôm ở Cà Mau đã bỏ ra một số tiền không nhỏ mua bảo hiểm nông nghiệp (BHNN). Thế nhưng, khi rủi ro xảy ra thì người dân lại phải đối mặt với một khoản nợ “khó đòi” từ đơn vị bán thí điểm BHNN.

“Nông dân chúng tôi như đang “ngồi trên đống lửa” chờ đợi Cty Bảo Minh Cà Mau (đơn vị thực hiện thí điểm bán BHNN, thuộc Tổng Cty CP Bảo Minh, gọi tắt là Bảo Minh) bồi thường hợp đồng BHNN để tái SX. Vụ nuôi chính trong năm đã hết, thời gian tới nếu Bảo Minh có bồi thường HĐ thì nông dân cũng gặp khó khi tái đầu tư vì đây là thời điểm nghịch vụ nuôi”. Ông Nguyễn Hữu Nghĩa (67 tuổi), ngụ ấp Bùng Binh, xã Hòa Thành, TP Cà Mau than vãn.

Treo đầm chờ tiền bồi thường

Chạy dọc những cánh đồng nuôi tôm công nghiệp rộng đến hàng trăm ha ở xã Hòa Thành, TP Cà Mau, chúng tôi ghi nhận có rất nhiều đầm nuôi tôm công nghiệp bị người dân bỏ hoang phế. Các thiết bị như máy móc, quạt nước… phơi mưa, phơi nắng ngoài trời.

Thở dài bên 10 đầm nuôi tôm công nghiệp (khoảng 6,5 ha) của mình, ông Nguyễn Văn Hiền ở ấp Cái Ngang, xã Hòa Thành, TP Cà Mau nói như khóc: “Năm 2010, tôi bắt đầu nuôi tôm công nghiệp, tính đến nay đã lỗ trên dưới khoảng 4 tỷ đồng. Thú thiệt bây giờ tôi gần như hết khả năng để tái SX, 10 đầm tôm của tôi bây giờ chỉ nuôi có 1 đầm cầu may. Trước đó được chính quyền địa phương vận động tham gia mua BHNN, tôi cũng hưởng ứng, nhưng hiện tại cũng bị “kẹt” tiền bồi thường như bao nông dân khác ở đây”.

Theo lời ông Hiền, ông là Việt kiều Thụy Điển, năm 2010 ông trở về Việt Nam thuê đất của người dân ở ấp Cái Ngang đầu tư nuôi tôm công nghiệp. Nhưng đúng lúc dịch bệnh trên tôm xảy ra khiến ông phải trắng tay sau từng vụ nuôi.


Ông Hiền đang đợi tiền bồi thường HĐ để tái SX

Đầu năm 2013, ông Hiền bỏ ra 25 triệu đồng tham gia mua BHNN từ Cty Bảo Minh Cà Mau cho 3 đầm tôm của mình, với diện tích khoảng 10 ngàn m2. Tháng 1/2013, ông Hiền bắt đầu thả tôm nuôi, nhưng chỉ hơn 1 tháng sau tôm nuôi chết trắng. Sau khi bị thiệt hại, ông Hiền liên hệ với ngành chức năng địa phương làm đầy đủ các thủ tục cần thiết để được bồi thường HĐ theo quy định, thế nhưng đến nay ông Việt kiều này vẫn chưa nhận được một đồng nào từ đơn vị bán BHNN. “Tôi thấy khó hiểu vô cùng, trong HĐ họ ghi gõ là sau 30 ngày sẽ bồi thường HĐ kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, nhưng hồ sơ của tôi đã gửi hơn 2 tháng qua mà họ vẫn không đả động gì tới”. Ông Hiền nói.

Trong khoảng thời gian chờ Bảo Minh bồi thường HĐ (khoảng 240 triệu đồng) để đầu tư nuôi tiếp 10 đầm tôm, ông Hiền cũng như nhiều người dân khác ở địa phương này đành phải treo đầm.

Trường hợp của ông Nguyễn Hữu Nghĩa cũng không kém phần bi đát. Ông Nghĩa cho biết, 3 ao nuôi tôm công nghiệp của gia đình (hơn 1 ha) giờ đang phải bỏ trống: “Dù số tiền bồi thường HĐ cho tôi không quá 40 triệu đồng, nhưng Bảo Minh vẫn không trả, họ cứ “ngâm” trong khi tôi đang điêu đứng. Mấy ngày nay chủ đại lý thức ăn cứ điện thoại đòi tiền hoài mà tôi chưa có tiền thanh toán cho họ. Hứa với họ chờ nhận được tiền bồi thường HĐ sẽ trả, nhưng không biết phải chờ đến bao giờ, trong khi hồ sơ đã gửi đi gần 4 tháng qua”. Ông Nghĩa ngán ngẩm.

Tương tự, ông Trần Văn Ngoán, ngụ ấp Cái Ngang cho biết, hiện tại Bảo Minh còn nợ tiền bồi thường HĐ của ông khoảng 70 triệu đồng. Vừa rồi để có tiền mua con giống thả nuôi 5 đầm, ông Ngoán phải vay bên ngoài và ngân hàng số tiền hơn 100 triệu đồng.

Chính quyền địa phương hết cách

Trao đổi với chúng tôi về cái khó của bà con nông dân ở địa phương mình hiện tại, ông Nguyễn Lung Lăng, Bí thư xã Hòa Thành, TP Cà Mau, cho biết ngành chức năng địa phương cũng gần như hết cách. “Lúc trước khi người dân không chịu tham gia mua BHNN thì mình đi vận động. Đến lúc nông dân bị thiệt hại, bị nợ tiền bồi thường thì mình không giúp được gì cho họ ngoài việc báo cáo lên cấp trên và ngồi chờ”. Ông Lăng chia sẻ.


Thiết bị quạt nước bị bỏ phế

Theo ông Lăng, đã nhiều lần ngành chức năng xã Hòa Thành liên hệ với nhân viên phụ trách địa bàn của Cty Bảo Minh Cà Mau hỏi về việc bồi thường HĐ thì họ cứ hứa hết lần này sang lần khác.

Ông Vương Chí Thiện, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Thành, cho biết, toàn xã có 84 hộ dân tham gia mua BHNN, với 136 HĐ (diện tích 54 ha trong tổng số 216 ha nuôi tôm công nghiệp của địa phương). Tính đến nay đã có 116 HĐ bị thiệt hại, nhưng phía Bảo Minh chỉ mới bồi thường được 19 HĐ.

Mới đây, Tổng Cty CP Bảo Minh có văn bản (về việc hướng dẫn xử lý bồi thường BHNN tại Cà Mau) gửi đến Cty Bảo Minh Cà Mau. Tổng Cty CP Bảo Minh đề nghị Bảo Minh Cà Mau phối hợp với Ban chỉ đạo địa phương tiếp tục xử lý nhanh các hồ sơ bồi thường tồn đọng.

Cụ thể: “Đối với các hồ sơ bồi thường tôm thẻ chân trắng đã đầy đủ hồ sơ, có ngày tổn thất dưới 50 ngày tuổi, đơn vị căn cứ theo HĐ bảo hiểm đã ký kết, giải quyết bồi thường nhanh, có sự giám sát, kiểm tra và xác nhận của đại diện Ban chỉ đạo địa phương…”.

Trước thông tin này, nhiều nông dân đang chờ đợi Bảo Minh bồi thường HĐ BHNN vô cùng phấn khởi. Tuy nhiên, không ít người vẫn lo ngại rằng liệu sự chỉ đạo của đơn vị bán BHNN ở Cà Mau có được thực hiện quyết liệt hay không?

Ông Châu Công Bằng, Phó GĐ Sở NN-PTNT Cà Mau, cho biết, để gỡ khó cho nông dân, thời gian qua ngành chức năng địa phương đã nhiều lần làm việc với Tổng Cty CP Bảo Minh và Ban chỉ đạo BHNN Trung ương. Theo đó Tổng Cty CP Bảo Minh thống nhất bồi thường HĐ cho người dân trong tỉnh bắt đầu từ ngày 15/7 đúng như quy định tại các HĐ đã ký trước trước ngày 8/5/2013.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.