| Hotline: 0983.970.780

Chủ đầu tư đánh trống bỏ dùi (!?)

Thứ Năm 18/07/2013 , 10:03 (GMT+7)

Công trình thủy điện Hủa Na (huyện Quế Phong, Nghệ An) là công trình thủy điện lớn thứ 2 tại Nghệ An. Để thi công dự án này, Nghệ An đã tiến hành thu hồi 26.204 ha đất ở, đất SX, đất lâm nghiệp và tổ chức di dời 1.362 hộ dân với 5.236 nhân khẩu đến nơi ở mới.

Công trình thủy điện Hủa Na (huyện Quế Phong, Nghệ An) là công trình thủy điện lớn thứ 2 tại Nghệ An với công suất 180 MW (chỉ sau thủy điện Bản Vẽ 320 MW) được xây dựng trên địa bàn xã Đồng Văn, huyện Quế Phong.

Để thi công dự án này, Nghệ An đã tiến hành thu hồi 26.204 ha đất ở, đất SX, đất lâm nghiệp và tổ chức di dời 1.362 hộ dân với 5.236 nhân khẩu đến nơi ở mới.

CÁC CẤP CHÍNH QUYỀN BỨC XÚC

Theo báo cáo của UBND huyện Quế Phong, đến thời điểm hiện nay, công trình thủy điện Hủa Na đã đi vào hoạt động và chính thức hòa lưới điện quốc gia đã được 4 tháng (từ tháng 3/2013). Thế nhưng, việc thực hiện các chính sách cho người dân tái định cư (TĐC) có nhiều khoản đang có dấu hiệu “đánh trống bỏ dùi” khiến chính quyền và người dân rất bức xúc.

Cho đến nay, mặc dù chính quyền từ xã đến tỉnh liên tục đốc thúc nhưng chủ đầu tư vẫn chưa triển khai thực hiện 8 vấn đề sau đây: Thứ nhất, trong số 298 phương án bồi thường, hỗ trợ về đất đã được phê duyệt (chưa kể nhiều phương án khác chưa được phê duyệt) chủ đầu tư còn thiếu nợ dân số tiền 16,1 tỷ đồng.


Đường bê tông tại Piêng Cu 1 bị sạt lở

Thứ 2 việc chủ đầu tư nợ các đơn vị thi công các hạng mục như phần mặt đường, hệ thống cấp nước, nhà ở tổng cộng trên 30 tỷ đồng (theo giá trị tạm ứng) khiến các đơn vị này thi công cầm chừng chờ kinh phí hoặc ngừng thi công hẳn. Thứ 3 còn nợ kinh phí hoạt động của Hội đồng bồi thường (1,9 tỷ đồng) và Ban quản lý dự án TĐC (trên 1,6 tỷ đồng), khiến 2 đơn vị này không có tiền để chi trả lương cho bộ máy cán bộ của mình. Thứ 4 chuyện chủ đầu tư dây dưa việc chuyển kinh phí mua gạo hỗ trợ đời sống cho dân TĐC hàng tỷ đồng khiến bà con tại các khu TĐC có thời điểm không có gạo ăn kéo dài 3 - 4 tháng trời.

Thứ 5, cố tình không phê duyệt thiết kế và dự toán các hạng mục kè chống sạt lở và hệ thống thoát nước tại các điểm tái định cư và các điểm sạt lở nghiêm trọng nên hầu hết các khu TĐC đều đã bị sạt lở nên đang ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân tái định cư. Thứ 6 chưa phê duyệt thiết kế khai hoang, cải tạo đồng ruộng tại các điểm tái đinh cư khiến nhân dân thiếu đất canh tác để ổn định đời sống.

Thứ 7 chưa hoàn chỉnh hồ sơ thủ tục để chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất rừng phòng hộ sang đất TĐC tại 5 điểm (Xốp Co – Nậm Niên; Huôi Duộc – Huôi Man; Huôi Chà Là; Khủn Na 2 và Na Hửm) khiến việc giao đất cho dân SX buộc phải dừng lại.

Thứ 8, chủ đầu tư chưa bàn giao trích lục, trích đo bản đồ thu hồi đất đường công vụ từ năm 2007 cho Hội đồng bồi thường GPMB để lập phương án bồi thường bổ sung giá trị quyền sử dụng đất cho các hộ bị ảnh hưởng do làm đường công vụ cho dự án.

NHỮNG ĐIỀU MẮT THẤY TAI NGHE

Chúng tôi vào bản TĐC Khủn Na 2, điểm TĐC nằm chênh vênh trên một quả đồi đã được san ủi phần ngọn, phần lớn các hộ dân từ bản Piêng Pủng, xã Đồng Văn đã về đây TĐC.

Thấy tôi đang tìm một điểm đứng an toàn nhất để chụp một điểm sạt lở cạnh nhà mình, chị Lô Thị Phương, 43 tuổi, lập tức lên tiếng: Về đây khổ lắm các bác ơi! Chỉ vì nghe lời vận động của cán bộ xã, cán bộ huyện nên mọi người di chuyển về đây. Khi chưa về thì ai cũng nói về nơi ở mới điều kiện chi cũng sẽ tốt hơn nơi ở cũ... Thế mà giờ về đây gần 1 năm rồi mà đất sản xuất vẫn không có, sống nhờ vào gạo hỗ trợ thì cũng phải chờ mỏi mắt mới có. Nhà tui có 3 miệng ăn từ tháng 1/2013 được cấp gạo lần 1, thế mà mãi tới 20/6/2013 mới được cấp lại lần hai. Nhưng nghe nói tại nhiều điểm TĐC ở xã Thông Thụ còn chậm hơn nữa...

Suốt mấy tháng trời nhà ai cũng hết gạo ăn, dân bản không ai bảo ai đều phải lấy tiền bồi thường tài sản ra mua gạo hoặc đi làm thuê để lấy tiền đong gạo ăn! Mùa mưa đang đến gần, mấy chục hộ dân của bản Khủn Na 2 đều nằm chênh vênh trên triền núi, không biết mai mốt có bị xói lở trôi xuống khe suối mất không? Chị Phương lo lắng.

Xe chúng tôi lắc lư vượt qua con đường nhựa đầy ổ trâu, ổ gà để vào thăm bà con TĐC tại bản Piêng Cu 1 thì gặp anh Hà Văn Phong, Trưởng bản đang hút thuốc lào vặt với mấy người trong bản.

Vừa nghe chúng tôi hỏi về tình hình sinh hoạt, đời sống của bà con tại nơi ở mới ra sao, Trưởng bản Piêng Cu 1 nói ngay: Dân bản Piềng Cu 1 hiện bức xúc nhiều việc lắm. Chỉ riêng khoản nước sinh hoạt tự chảy cũng đã làm mọi người khốn khổ lắm rồi.


Giếng đào bị hỏng và không có nước

Ai đời, họ làm một đường ống để cấp nước sinh hoạt cho cả 2 bản (Piêng Cu 1 và Huôi Xui – Huôi Lạn). Đường ống quá nhỏ, nguồn nước tự chảy yếu nên bản nào muốn lấy được nước thì phải đóng van nước vào bản kia. Ngày nào bà con 2 bản cũng kéo nhau ra chờ chực để tranh chấp nguồn nước với bản kia. Chúng tôi đấu tranh mãi chủ đầu tư mới chịu đào bổ sung cho bản Piêng Cu 1 19 giếng nước thì 8 giếng luôn cạn trơ đáy. Thiếu nước sinh hoạt thường xuyên nên hàng ngày hàng chục hộ dân vẫn phải chạy đôn, chạy đáo đi tìm nước về cho gia đình dùng.

Cái khổ thứ 2 là đường đi lối lại trong bản (đường bê tông và đường nhựa) đều bị xuống cấp nghiêm trọng. Đường bê tông nhiều đoạn sụt lún, vỡ vụn đã gần hết, đường nhựa thì đầy ổ trâu, ổ gà nên đi lại rất khó khăn.

Piêng Cu 1 là điểm TĐC mẫu đầu tiên được chủ đầu tư xây dựng, để cán bộ và nhân dân đến tận nới “mục sở thị” trước để họ yên tâm di dời. Cán bộ xã, cán bộ huyện nghe chủ đầu tư nói như “rót mật vào tai” nên vận động mọi người cứ yên tâm ra chỗ ở mới cái gì cũng tốt hơn nơi ở cũ. Nhưng ra nơi ở mới thì... (Còn nữa).

"Chúng tôi từ bản Long Lanh (xã Đồng Văn) di dời ra Piêng Cu 1 đã được 3 năm nhưng đến nay vẫn chưa có ruộng để làm. Trong bản có 7 hộ dân đã được chia đất để SX trên giấy nên khi các hộ đến SX đã bị chủ đất ngăn cản quyết không cho làm..." (Trưởng bản Piêng Cu 1)

 

Xem thêm
Chương trình hành động của Chính phủ chống khai thác IUU

Mục đích của Chương trình hành động là xác định chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.