| Hotline: 0983.970.780

Oan án làng Me

Thứ Tư 06/11/2013 , 09:29 (GMT+7)

10 năm trời ông Chấn đi tù, gia đình bị cả dòng họ đòi trục xuất, người nhà nạn nhân chửi rủa, con cái phải bỏ học sạch trơn, xóm làng kỳ thị… 10 năm đằng đẵng, sống trên trần gian mà chẳng khác gì địa ngục, chỉ có gia đình ông mới tin rằng ông Chấn không phải kẻ thủ ác.

* Nỗi đau thấu tận trời xanh!

10 năm trời ông Chấn đi tù, gia đình bị cả dòng họ đòi trục xuất, người nhà nạn nhân chửi rủa, con cái phải bỏ học sạch trơn, xóm làng kỳ thị… 10 năm đằng đẵng, sống trên trần gian mà chẳng khác gì địa ngục, chỉ có gia đình ông mới tin rằng ông Chấn không làm cái điều thất nhân thất đức ấy.

>> Hôm nay, tái thẩm vụ án oan 10 năm
>> Lật lại án oan 10 năm ở Bắc Giang

Dòng họ đòi trục xuất, xóm làng sỉ vả

Những ngày này gia đình ông Chấn ở thôn Me, xã Nghĩa Chung (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) từ sáng đến đêm đều đông nghịt người. Sự kiện ông Chấn được giải oan quay về sau 10 năm chịu án chung thân trở thành đề tài nóng hổi nhất ở vùng quê thuần nông này.

Tất nhiên, ông Chấn là nhân vật chính được quan tâm nhất. Người ta vây lấy ông hỏi han rồi nghe ông kể về hành trình 10 năm ngồi tù oan trái. Ở một góc buồng, vợ ông, bà Nguyễn Thị Chiến nằm lặng lẽ. Những giọt nước mắt chẳng biết vui hay buồn ướt đẫm cả gối chăn.

10 năm qua, một mình chèo lái gia đình vượt qua búa rìu dư luận để sống được đến ngày hôm nay đã làm bà kiệt quệ. “Án giết người” bắt ông Chấn đi tù, nhưng những gì bà và các con phải gánh chịu từ mức án oan nghiệt của người đời còn khổ đau hơn, bi kịch hơn gấp bội.

Thực ra, trong 10 năm ấy, bà Chiến chỉ chống chọi được 8 năm, đến năm thứ 9 thì bị tai biến mạch máu não, nhập viện tâm thần. Vậy mà lạ thay, những gì xảy ra suốt 10 năm qua bà vẫn nhớ từng chi tiết. Dường như đó là một chặng đường ám ảnh đến nỗi mà căn bệnh tâm thần vốn dĩ thường làm con người ta mất trí nhớ nhưng bà Chiến lại không.

“Thử hỏi có nỗi khổ nào của người phụ nữ lớn hơn chuyện chồng đi tù vì tội giết người. Mà có phải giết người không đâu, giết vì vào đòi quan hệ tình dục mà người ta không cho lại càng thêm nhục nhã. Con cái phải bỏ học hết sạch vì tiếng xấu của bố. Họ hàng đòi trục xuất gia đình vì vết nhơ tủi hổ, xóm làng sỉ vả, kỳ thị, gia đình nạn nhân chửi bới vì ông ấy giết người…


Xóm làng kéo đến nhà ông Chấn rất đông

Một gia đình thuần nông, chỉ vài ba sào ruộng, không có người chồng đã khổ lắm rồi. Nhưng nỗi khổ về vật chất chẳng thấm tháp gì so với nỗi đau tinh thần ngày ngày phải gánh chịu”, bà Chiến kể tường tận, chi tiết, không ai nghĩ bà vẫn đang phải điều trị bệnh tâm thần.

Vợ chồng ông bà có 4 đứa con, hai trai hai gái và một mẹ già. Cuộc sống khó khăn bộn bề nhưng ông bà vẫn cố lo cho 4 đứa con ăn học. Cái ngày ông Chấn bị bắt và phải vào tù với tội danh “Giết người” cũng là lúc cuộc sống của 7 con người rơi vào thảm kịch. Tội giết người cả nhà phải gánh.

“Đau đớn nhất là những lúc bà Hoàng Thị Hội, mẹ cô Nguyễn Thị Hoan (nạn nhân Nguyễn Thị Hoan trong vụ giết người) bồng đứa cháu đến nhà đòi gia đình đền tội. Bà ấy bảo, chính vì chồng, cha chúng mày giết mẹ nó nên nó mới khổ thế này đây”, bà Chiến nghẹn ngào.

Ông Chấn đi tù, 4 đứa con, đứa lớn nhất học lớp 12, đứa bé nhất lớp 4 đồng loạt phải bỏ học vì không chịu thấu tiếng nhục người đời, đi làm thuê. Cả gia đình cắn răng sống với niềm tin chờ ngày tiếng oan được rửa. Nhưng chờ mãi, chờ mãi, chờ tận 10 năm trời.

Người con trai cả tên là Nguyễn Văn Quyết bỏ học bán xe bò nhưng người ta kỳ thị, chỉ mua bò chứ không mua xe. Con gái thứ hai tên Nguyễn Thị Quyền bỏ học đi Đài Loan làm ô sin, trước khi đi quỳ lạy bà, lạy mẹ mà rằng: Cả đời con chấp nhận không lấy chồng, làm ô sin cho người ta để kiếm tiền cho mẹ kêu oan, đến lúc nào oan của bố được giải thì con mới dám về.

Con gái thứ ba tên Nguyễn Thị Thu đến tuổi cập kê, có người yêu rồi nhưng nhà trai không cho cưới. Đứa em út đi học cố được một thời gian, bị bạn bè xa lánh, không có bạn ngồi cùng nên đành bỏ nốt. Mẹ ông Chấn già yếu lắm rồi nhưng vẫn phải muối mớ dưa, mớ cà ra chợ bán. Khổ nỗi, dưa cà của “nhà giết người” chẳng ai mua.

Đau đớn, tủi nhục, khổ ải nhất là bà Chiến. Ngày ông Chấn bị bắt, một tay chèo lái gia đình kiếm sống và vượt qua búa rìu dư luận. Nếu không có niềm tin người chồng bị oan, không lo lắng cho mẹ già, con cái thì có lẽ bà đã chọn cái chết. “Sống như thế thế thì chết có lẽ còn sướng hơn”. Bà Chiến liên tục lặp lại câu nói ấy và thỉnh thoảng lại ngất đi vài phút khi nói chuyện với tôi.

Công an về khám nhà rồi thu giữ một số đồ đạc, khuyên gia đình đi xin lỗi gia đình bị hại nếu không chồng chị sẽ bị xử bắn. Công an còn thu băng lời khai của ông Chấn đưa về cho bà Chiến nghe. Nghe đến đâu khóc đến đó. Khi tòa tối cao tuyên y án sơ thẩm, ông Chấn bị khép tội chung thân cũng là lúc bà cạn dòng nước mắt. Cũng may, bố ông là liệt sĩ, nếu không đã bị tử hình rồi.

Giải oan cho chồng

Khi ông Chấn bị bắt đi, cả gia đình đang sống trong ngôi nhà cấp bốn chỉ được xếp bằng gạch, lợp bằng prô xi măng. Cuộc sống hàng ngày chỉ biết trông vào đồng tiền làm thuê làm mướn và mấy sào ruộng khoán. Thật khó tin, người đàn bà ấy lại có thể vượt qua để có thể lo cho các con và kêu oan cho chồng. Có lẽ, niềm tin mãnh liệt chồng mình oan trái mới giữ bà không gục ngã.

Đau đớn tưởng chừng có thể chết đi được, nhưng một thời gian sau người ta thấy bà Chiến chạy ngược chạy xuôi gửi đơn từ kêu oan. Tiền nong dành dụm được, bà dồn hết vào việc đi lại. Từ việc lên trại giam thăm chồng đến đi ngược về xuôi gửi đơn từ. Những cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với ông Chấn, vợ chồng chỉ biết nhìn nhau khóc nhưng đủ để củng cố thêm niềm tin cho bà là chồng mình đang chịu án oan.

Mẹ con bà xác định, có phải bán đất, bán nhà thì cũng phải bán để kêu oan cho chồng, cho cha. Hàng nghìn lá đơn đơn được bà gửi đi nhưng vò võ chờ hồi âm mà chẳng thấy. Mấy bận, mẹ con bà chở nhau đi kêu oan cho chồng, cho cha bị ngã xe máy, nằm viện mất mấy tuần liền nhưng vẫn không nản chí.

Niềm tin sắt đá lắm, nhưng chạy vạy được 8 năm thì bà Chiến kiệt sức, ngã bệnh tai biến. Nhập viện một thời gian, sau đó bà về nhà mở quán bán hàng. 2 năm trước bão làm đổ quán, bà bị cây chống đè vào người suýt chết. Ở thời điểm tưởng chừng như buông xuôi, không gượng dậy nổi này thì bà Chiến có manh mối để đi đòi công lý cho chồng.

Đầu năm 2012, một người trong làng Me nói vu vơ với bà Chiến: “Chị Chiến ạ, oan anh Chấn quá. Chỗ điều tra lại chẳng điều tra, con của một người ở rể làng này mới là hung thủ giết người chứ không phải là chồng chị”.

Nghe những lời ấy, bà Chiến khoanh vùng những người ở rể trong làng. Cuối cùng bà đặt nghi vấn vào ông Lý Văn Chúc, chồng bà Nguyễn Thị Lành và âm thầm điều tra. Ông Chúc quê ở huyện Lộc Bình (tỉnh Lạng Sơn) về làng Me lấy bà Lành sau khi vợ đầu mất. Đó cũng là thời điểm vợ chồng ông Chúc xẩy ra xích mích, ông Chúc thường xuyên dọa giết bà Lành.

Lý do là vì ông Chúc có đứa con riêng tên là Lý Nguyễn Chung, từng sống ở làng này nhưng đã bỏ vào Đắk Lắk kể từ khi xẩy ra vụ án. Nghi Chung là hung thủ thực sự, bà Chiến mua máy ghi âm rồi tìm đến ông Nguyễn Văn Khánh, bác ruột chị Lành tỉ tê: “Em biết kẻ giết người rồi, có gì bác nói với em đi”.

Ông Khánh tiết lộ rằng sau khi xảy ra án mạng, sáng hôm sau Lành thấy chậu quần áo của Chung có nhiều máu chưa kịp giặt và nghi Chung đã giết người. Bà Chiến ghi âm lại toàn bộ cuộc trò chuyện, cũng như thông tin khai thác để gửi lên cơ quan chức năng. Bà còn lặn lội vào tận Đắk Lắk để dò thông tin về địa điểm Chung đang sinh sống. Ngày 25/10/2013, Lý Nguyễn Chung đang sống ở Đắk Lắk đã ra cơ quan điều tra đầu thú và khai nhận toàn bộ hành vi giết chị Hoan.

Hôm nay, anh Chấn chính thức được rửa tiếng oan. Tòa án mở phiên tòa tái thẩm để công bố quyết định này, nhưng nỗi oan ức, đớn đau mà cả gia đình họ gánh chịu cả chục năm trời liệu có thể bù đắp nổi hay không? Có lẽ là không.

Trong lá đơn cầu cứu gửi các cơ quan chức năng bà Chiến viết: “Chồng tôi là con liệt sĩ, mồ côi cha từ bé nên khi có ai đe dọa đánh đập là sợ hãi. Khi bị cơ quan điều tra bắt nhận tội chồng tôi phải làm theo cho dù bị oan”.

Xem thêm
Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Apple xác định Việt Nam là một cứ điểm trên toàn cầu

Đây là lần đầu tiên ông Tim Cook tới Việt Nam. Trước đó, vào tháng 5/2022 tại Hoa Kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp với Giám đốc điều hành Apple.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 1] Cây chết dần chết mòn vì thiếu nước

Khoảng 30ha rừng ngập mặn tại hai xã Nghĩa Lợi và Phúc Thắng (huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) gần một tháng qua rơi vào tình trạng khô hạn, không có nước vào, ra.