| Hotline: 0983.970.780

Nghịch lý ở huyện Quế Phong (Nghệ An): Hai xã không đất sản xuất

Thứ Tư 28/12/2011 , 09:57 (GMT+7)

Do không được quản lý đất nên từ ngày thành lập đến nay, chính quyền xã Quế Sơn chỉ quản lý hành chính, an ninh trật tự...

Dân Quế Sơn trồng mía trên đất lâm trường
Năm 2005, thực hiện Nghị định số 39/2005/NĐ-CP của Chính phủ, xã Quế Sơn, huyện Quế Phong được chia tách khỏi xã Mường Noọc thành một đơn vị hành chính mới với tổng diện tích 3.770 ha đất tự nhiên và 3.324 nhân khẩu.

Thế nhưng, điều rắc rối ở chỗ hiện có 3.555,5 ha đất lâm nghiệp nằm trên địa bàn xã Quế Sơn và 1.552,1 ha trên địa bàn xã Mường Noọc lại nằm trong lâm phận đã giao cho Lâm trường Quế Phong (thuộc Công ty Lâm nghiệp sông Hiếu) quản lý từ năm 2003 đến nay.

Do không được quản lý đất nên từ ngày thành lập đến nay, chính quyền xã Quế Sơn chỉ quản lý hành chính, an ninh trật tự, còn người dân sản xuất, trồng cây gì, trồng rừng ra sao đều phụ thuộc vào kế hoạch của Lâm trường Quế Phong (!?). Và trên thực tế, hàng trăm hộ dân xã Quế Sơn muốn sử dụng đất sản xuất, khai thác, vận chuyển các sản phẩm rừng trồng đều phải được sự đồng ý của lãnh đạo lâm trường. Điều đó làm cho người dân thêm bức xúc.

Trước tình hình đó, ngày 28/10/2009, UBND huyện Quế Phong đã có cuộc làm việc với Lâm trường Quế Phong, hai bên thống nhất cắt 929,8 ha giao cho xã Quế Sơn và 465,8 ha giao cho xã Mường Noọc trực tiếp quản lý.

Thế nhưng, đã hơn 2 năm trôi qua, người dân và chính quyền xã Mường Noọc và Quế Sơn vẫn chưa được Lâm trường bàn giao đất để ổn định sản xuất, phát triển kinh tế. Bởi thế, toàn bộ diện tích đất thổ cư, đất nông nghiệp, đất ao hồ mà các hộ tự khai phá, đất vườn, đất các công sở, trường học, trạm xá, trụ sở xã và một số đất lâm nghiệp của 2 xã (gần 1.400 ha) vẫn đang thuộc quyền quản lý của Lâm trường Quế Phong.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã Quế Sơn bức xúc: “Không hiểu vì sao đã hơn 2 năm mà việc chuyển giao đất từ lâm trường cho địa phương vẫn chưa được thực hiện. Do lâm trường quản lý gần hết diện tích đất, nên hàng năm xã muốn triển khai các kế hoạch sản xuất lại phải xin ý kiến của lâm trường! Trong khi đó, sức ép dân số, nhu cầu về đất ở, đất sản xuất của người dân ngày càng lớn. Ba bản (Bản Đai, Bản Cọc, Piếng Mòn) nằm ở vùng sâu của xã, có trên 130 hộ, hơn 500 nhân khẩu (đa phần là dân tộc Khơ Mú), tỉ lệ hộ nghèo đều trên 70%, thiếu đất sản xuất, phải vào rừng hái măng, kiếm sống qua ngày, cảnh thiếu đói diễn ra thường xuyên. Cuộc sống của họ quá khó khăn nên nhiều trẻ em không được đi học, cả 3 bản chỉ có 3 cháu học hết cấp 3".

Theo ông Dũng, năm 2010 lâm trường cho trồng cây sát nóc nhà dân, khiến các hộ thêm bức xúc, họ đã thả trâu bò phá hết số cây đã trồng. Do đó buộc lâm trường phải trả đất xung quanh nhà dân nhưng chẳng được bao nhiêu. Nguyện vọng của dân và chính quyền xã là các cấp, các ngành phải nhanh chóng vào cuộc để tháo gỡ vướng mắc để bà con có đất sản xuất ổn định cuộc sống...

Để người dân Quế Sơn và Mường Noọc sớm có đất sản xuất, đề nghị Sở TN- MT Nghệ An quan tâm chỉ đạo sớm hoàn thiện các thủ tục pháp lý nhằm hoàn tất việc bàn giao đất giữa Lâm trường Quế Phong và 2 xã Quế Sơn và Mường Noọc được triển khai sớm.

Được biết, sau khi tiến hành bóc tách và bàn giao 5.617 ha đất lâm nghiệp cho xã Quang Phong, hiện Lâm trường Quế Phong vẫn còn lại 5.218,9 ha rừng và đất rừng với 12 cán bộ công nhân viên, trên dưới 40 hợp đồng thời vụ. Nên việc hàng trăm hộ dân thiếu đất mong mỏi được bàn giao lại đất là chính đáng. Đại diện Lâm trường Quế Phong cho biết hồ sơ lâm trường đã hoàn tất, Sở TN- MT đang làm thủ tục, vấn đề giao đất chỉ còn mang tính thủ tục và thời gian. Thế nhưng, vẫn phải chờ chưa biết đến bao giờ?

Trả lời câu hỏi trên, ông Nguyễn Quốc Lâm, Trưởng phòng TN- MT huyện Quế Phong cho rằng nguyên nhân khiến việc bàn giao đất cho 2 xã Quế Sơn và Mường Noọc gặp khó khăn là do khi giao đất cho Lâm trường Quế Phong, đã có sự chồng lấn giữa đất của lâm trường với đất của dân. Đến năm 2003, trước khi lâm trường được cấp sổ đỏ huyện cũng đã tiến hành bóc tách nhưng làm chưa triệt để nên bây giờ muốn trả lại đất cho dân thì phải thanh lý tài sản trên đất cho lâm trường. Quá trình đó đòi hỏi mất thời gian và cả kinh phí. 

“Xã Quế Sơn nằm giữa thung lũng, quá trình bóc tách và chuyển trả, Lâm trường Quế Phong chỉ đồng ý trả từ đỉnh đồi xuống. Do độ dốc lớn, khó sản xuất nên mới xẩy ra chuyện người dân phản ứng như vậy. Hơn nữa, trình độ chuyên môn, trang thiết bị cũng như kinh phí của huyện Quế Phong hiện không thể đảm đương được việc trích lục, trích đo khu đất sẽ thu hồi nên phải đề nghị Sở TN- MT cử cán bộ về lập hồ sơ trích lục, trích đo giúp huyện nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được hồi âm...” - ông Nguyễn Quốc Lâm nói thêm.

Xem thêm
Bà Nguyễn Huyền Anh làm Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh

QUẢNG NINH Ngày 16/4, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị công bố quyết định về công tác cán bộ.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 1] Cây chết dần chết mòn vì thiếu nước

Khoảng 30ha rừng ngập mặn tại hai xã Nghĩa Lợi và Phúc Thắng (huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) gần một tháng qua rơi vào tình trạng khô hạn, không có nước vào, ra.