| Hotline: 0983.970.780

NTM đơn giản từ ao làng

Thứ Hai 22/11/2010 , 09:39 (GMT+7)

Khi xây dựng NTM, ao làng có vị trí và ý nghĩa như thế nào trong làng quê Việt Nam hiện đại?

Cùng với mái đình cây đa, ao làng cũng được coi là linh hồn của làng quê Việt Nam xưa. Ngoài việc phục vụ cuộc sống hàng ngày của người dân, ao làng còn có chức năng điều hòa khí hậu xung quanh. Vậy, câu hỏi đặt ra ở đây là khi xây dựng NTM, ao làng có vị trí và ý nghĩa như thế nào trong làng quê Việt Nam hiện đại?

Phải thừa nhận một thực tế đáng buồn hiện nay, trước sức ép của đô thị hóa, làng quê giờ cũng chật chội không kém “Ngõ nhỏ phố nhỏ nhà tôi ở đó…” trong "Hà Nội và tôi" của nhạc sĩ Lê Vinh. Rất nhiều làng quê đã lấp ao để bán hoặc cho thuê làm dịch vụ. Nhiều nơi khác, ao làng may mắn không bị lấp cũng trở thành cái “thùng” chứa nước thải hôi thối ô nhiễm khi tất cả mọi thứ ô uế người dân đều chọn ao làng để làm bến đỗ.

Nhiều người cứ nghĩ, Chương trình NTM là chú trọng vào những vấn đề “đao to búa lớn” nhưng thực tế người dân đang cần gì, nghĩ gì? Có một điều làm tôi rất vui khi tham quan quá trình xây dựng NTM ở xã Song Phượng (Đan Phượng, Hà Nội) là nơi đây có cách làm rất sáng tạo để biến ao làng thành nơi giao lưu văn hóa cộng đồng. Nhà cao tầng san sát, đường, ngõ chỉ vừa hai chiếc xe máy nhưng Song Phượng vẫn giữ được ao rất sạch, đẹp giữa làng.

Xã Song Phượng có tất cả bốn thôn là Tháp Thượng, Thống Nhất, Thu Quế và Thuận Thượng thì mỗi thôn đều có ít nhất một cái ao chung. Vào UBND xã Song Phượng, tôi được một cán bộ cho biết là hôm nay chủ tịch và bí thư xã đang tổ chức ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 cho các thầy cô. Chính vì không gặp được lãnh đạo địa phương nên khi quay ra tôi mới có dịp nhìn thấy cái ao làng đẹp như tranh trước mặt. Với hệ thống đường bê tông, ghế đá, vỉa hè lát gạch đỏ au chạy xung quanh, cây cối được trồng bắt đầu đâm chồi, nảy lộc khiến tôi cứ ngỡ đây là hồ Tây thu nhỏ.

Đang cùng bạn hữu ngồi câu cá bên bờ ao, ông Bùi Văn Thắng ở thôn Tháp Thượng hồ hởi cho biết: "Từ khi ao Tháp được xây sạch đẹp như hiện nay, ngày nào tôi cũng ra đây câu cá. Già rồi, rủ nhau ra hồ vui là chính chứ thích ăn cá thì ra chợ cho nó nhanh". Câu nói của ông Thắng được bạn hữu cười sảng khoái. Tuổi già có được những tràng cười bổ ích như vậy thì còn gì bằng, tôi nghĩ thầm trong bụng như vậy rồi cùng các cụ già và em nhỏ thả bước tận hưởng không khí trong lành hiếm có ở một làng quê hiện đại.

Tôi sang Thống Nhất xem ao của thôn có đẹp bằng bên Tháp Thượng không thì tình cờ gặp anh Nguyễn Hữu Hùng đang đánh cá, hỏi về cái ao của làng, anh Hùng cho hay: “Ngày trước ao thôn tôi chỉ là bờ đất, xã mới chỉ xây được cái kè bê tông rồi để từ đó đến nay. Nói thật với anh, nhiều lúc có việc đi qua thôn Tháp thấy ao của họ đẹp quá về nhìn ao làng mình toàn cỏ dại cũng thấy hơi chạnh lòng. Giá như ao làng tôi cũng đẹp như ao làng Tháp thì còn gì bằng?”.

 Ước nguyện thật thà của anh Hùng gợi cho chúng ta một vấn đề mới trong việc xây dựng NTM, đó là sự công bằng. Các địa phương khi xây các công trình công cộng cũng cần phải có sự tính toán kỹ lưỡng để làm sao tất cả các làng trong xã đều được hưởng quyền lợi tương đối như nhau, tránh tình trạng bên trọng bên khinh mà dẫn tới mất đoàn kết.

Không đẹp bằng ao của thôn Tháp Thượng, nhưng ao của thôn Thuận Thượng được xây dựng khang trang hơn ao thôn Thống Nhất rất nhiều. Đặc biệt, xung quanh ao có hai ngôi đình và một cây đa rất to nên nơi đây trở thành một địa điểm tĩnh lặng, linh thiêng. Ngay cạnh ao, một con đường xuyên suốt từ đầu đến cuối làng đang được thi công mở rộng để ôtô có thể đi vào.

Anh Nguyễn Văn Cường, nhà ở cạnh ao phấn khởi cho biết, thấy trưởng thôn thông báo chủ trương xây dựng NTM gì đó xã sẽ không lấp mà cải tạo ao làng cho sạch đẹp hơn để trở thành hồ điều hòa khí hậu, tạo cảnh quan cho làng, bản thân anh Cường và người dân trong thôn nhất trí ủng hộ cả hai tay luôn. Anh Cường bảo, khi công trình hoàn thành anh sẽ kê một cái bàn ra cạnh gốc đa cho vợ bán nước chè phục vụ bà con đi làm đồng về.

Phong thuỷ là học thuật về cảnh quan môi trường sống của người xưa dựa trên quan niệm về sinh khí. Theo đó, vạn vật đều sinh ra từ khí; khí gặp gió thì tan, gặp nước thì dừng. Khí và thuỷ có quan hệ rất mật thiết với nhau, nước đến đâu thì khí theo đến đó, nơi nào có nước thì nơi đó có khí. Vì vậy các làng quê hiện đại nên có ao để trữ nước điều hòa phong thủy, nếu không có thì phải đào ao, hồ để trữ nước với mục đích bảo tồn chân khí.

Mặc dù đang bận tổ chức ngày 20/11 cho các thầy cô, nhưng ông Tạ Mạnh Hùng, chủ tịch UBND xã Song Phượng, vẫn dành chút thời gian trò chuyện với tôi về chương trình xây dựng NTM. Khi nghe tôi hỏi về việc quy hoạch xây ao làng, ông Hùng thoáng bất ngờ vì từ trước đến giờ các nhà báo về xã ông toàn hỏi những chuyện về nước, điện, đường, trường, trạm mà ít khi hỏi những chuyện nhỏ nhặt này. Ông Hùng cho biết, với chủ trương từ Huyện ủy Đan Phượng, xã đã quy hoạch và cải tạo lại tất cả các ao ở bốn thôn hết hơn ba tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ở trên tạm ứng được 500 triệu đồng, người dân đóng góp ghế đá, số vốn còn lại là do ngân sách của xã.

Ông Hùng bảo, vì Thuận Tháp là thôn trung tâm của xã nên ao ở đây sẽ được xây dựng to đẹp hơn để phục vụ các lễ hội làng hàng năm. Hai ao ở thôn Thống Nhất và Thu Quế được quy hoạch làm ao cảnh quan và điều hòa khí hậu. Mặt khác, nếu chẳng may trong làng xảy ra cháy thì còn có nước mà dập lửa. Riêng ao thôn Thống Nhất xã mới cải tạo xong, sắp tới sẽ tạo thành một cái ao cho trẻ con tập bơi.

Việc xây dựng NTM mà biết giữ và cải tạo lại ao tại làng như xã Song Phượng rất xứng đáng được biểu dương khuyến khích. Tuy nhiên, cần phải đảm bảo yếu tố vệ sinh môi trường nếu không ao làng sẽ trở ao rác vì thói của người dân. Cần xây kín bờ ao để ngăn đường nước thải của người dân và các hộ sản xuất chảy vào, nước trong ao chỉ nên lấy từ nguồn nước mưa để không bị ô nhiễm. Bên cạnh đó nên thả cá vào ao để người dân đến câu giao lưa giải trí, xã sẽ cử đơn vị đoàn thể nào đó thu một chút lệ phí nho nhỏ dăm mười ngàn gì đó để thuê người dọn dẹp, vớt rác trên ao, như vậy thì ao mới xanh, sạch, đẹp lâu dài được.

Xem thêm
Hỗ trợ phát triển cho đồng bào dân tộc và hộ nghèo ở Hà Nội

Nội dung thực hiện theo chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Thạc sĩ kinh tế đối ngoại nghỉ việc về quê trồng rau sạch

Mỗi năm chị Dung thu nhập khoảng 500 triệu đồng từ tiền bán rau thủy canh. Đây cũng là mô hình trồng rau thủy canh thương mại đầu tiên tại Thanh Hóa.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.