| Hotline: 0983.970.780

Nữ nhi không yếu đuối

Thứ Bảy 22/07/2017 , 15:30 (GMT+7)

Bất ngờ, tôi gặp lại Mây, cô bạn cùng thời đại học. Hồi đó, chán cuộc sống nghèo khó của sinh viên, Mây chấp nhận làm gái bao của một đại gia giàu có.

09-48-22_trng_10-2
Ảnh minh họa

Đến khi biết tin Mây có bầu, tay đại gia kia mất tích luôn, bỏ mặc cô trong nỗi tuyệt vọng vì bị đuổi học, bị mọi người dè bỉu, xa lánh… Một buổi sáng, những người đi tắm biển sớm phát hiện đôi dép và một số đồ dùng của Mây trên bãi biển…

Thoạt nhìn, tôi không thể nhận ra Mây, cô gái chất phát, rụt rè ngày nào trong dáng vẻ người phụ nữ sang trọng này. Bên ly nước cam vàng sánh, Mây kể cho tôi nghe cuộc lột xác ngoạn mục của đời mình.

Đúng là tối hôm đó, Mây đã lao mình xuống nước. Nhưng cô được một người dân chài tên Ba Hay cứu, đưa về sống trong một làng chài nhỏ.

Ba Hay bỏ mọi công việc, hết lòng chăm sóc Mây. Nhờ vậy, cô dần hồi phục, rồi sinh con gái trước sự ngỡ ngàng và vui mừng khôn xiết của anh và dân làng. Từ chỗ mang ơn, Mây yêu người đàn ông chất phát, mộc mạc, ít nói này để rồi chấp nhận trở thành vợ anh. Mây đã tưởng cuộc đời mình sẽ bình lặng trôi qua với việc hàng ngày Mây trông con, chăm sóc mảnh vườn nhỏ, còn ba Hay kiếm tiền bằng cách đi câu tôm cá…

Vậy mà, vào một ngày mưa lớn, chiếc ghe câu của Ba Hay đã không trở về. Hôm đó, Mây đã ngăn không cho chồng đi. Nhưng Ba Hay nói, khi trời mưa, nước mát, cá cắn câu nhiều. Anh hy vọng có thêm tiền xây lại bức tường gạch chắn cát…

Cũng sau cơn mưa đó, cả khu vườn xanh mướt rau đậu của Mây đổ rạp, xơ xác. Đàn gà đang lớn gặp mưa, nhiễm lạnh, lăn đùng ra chết hết…

Mây nằm liệt giường. Thím Dinh hàng xóm đón bé Hoài về chăm sóc. Những người phụ nữ trong làng thay phiên nhau giặt dũ, dọn dẹp, an ủi, dỗ dành Mây… Sau 3 ngày, Mây gắng gượng ngồi dậy. Ai cũng tưởng có thể yên tâm về cô. Nào ngờ…

Một buổi tối, Mây gởi con cho thím Dinh, lang thang ra bãi rồi lại lặng lẽ trầm mình xuống biển. May sao chú Tư Lộng đang buông câu gần đó cứu được.

“Nghĩ sao mà dại dột thế Mây? Vậy là cháu có lỗi với Ba Hay, với những người trong làng đó!” Tư Lộng không trách móc, nhỏ nhẹ vậy mà Mây đau.

Nước mắt Mây trào ra: “Mất hết tất cả rồi, cháu sống sao đây chú ơi!”. Tư Lộng bỗng giận dữ: “Sao lại mất hết? Cháu còn con gái, còn cuộc đời phía trước. Chẳng lẽ cả làng này không nuôi nổi 2 mẹ con cháu?”.

Đưa Mây về nhà, Tư Lộng sai vợ sang chăm sóc cô. Dì Nha nói một câu thấm thía mà Mây nhớ tới bây giờ: “Mây à! Dì không biết cháu là ai, từ đâu tới, gia cảnh ra sao, cơn cớ chi lạc đến chỗ này… Nhưng cháu sống ở đây thì là người ở đây. Sẽ không ai bỏ mặc cháu”. Dì dúi vào tay Mây nắm tiền: “Khi nào cháu khỏe, dì sẽ chỉ cách làm ăn”.

Mấy hôm sau, Mây gởi con cho thím Dinh, theo dì Nha chọn mua ít tôm cá, ngồi xe đò đem bán tận chợ thị xã. Chiều, cô giúp việc cho các nhà mắm hoặc phơi cá, vá lưới… Vất vả, lam lũ, quần quật suốt ngày, Mây gầy đi, nhưng lại thấy vui, thấy khỏe hơn bao giờ hết. Số tiền cô kiếm được đủ tiêu cho 2 mẹ con, trả nợ dì Nha và dành dụm chút ít.

Khoảng một năm sau, với số vốn kha khá, Mây quyết định đứng ra thu mua hải sản của bà con. Dần dần, nhiều người tìm bán hàng cho Mây bởi cô mua bán nhanh, sòng phẳng, không ép giá… Một mình lo không xuể, Mây kêu gọi, vận động thêm mấy dì trong làng cùng góp vốn làm ăn, thành lập Hợp tác xã rồi Công ty Chế biến thủy sản Đồng Tâm mà Mây là giám đốc.

Kể xong, Mây kết luận: “Mình được như ngày hôm nay là nhờ bà con ở đó hết lòng cưu mang, giúp đỡ! Chuyện mình chỉ có vậy thôi!”.

Tôi thành thật chúc mừng Mây! Đúng là cô đã rất may mắn khi gặp được những con người tử tế, tốt bụng như vậy.

(Kiến thức gia đình số 28)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?