| Hotline: 0983.970.780

Nửa đời gắn bó cây điều

Thứ Tư 23/04/2014 , 06:37 (GMT+7)

Đã quá nửa cuộc đời gắn bó với cây điều, hiểu điều như chính bản thân mình, vì thế mà năng suất vườn điều của anh đạt đến ngót 4 tấn/ha.

Đó là vườn điều của anh nông dân Vũ Đình Đắc, ở ấp 6, xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh, Bình Phước.

THEO NGHIỆP CHA

Qua giới thiệu của Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Lộc Ninh, tôi về xã Lộc Hưng và được ông Võ Văn Chấn, trưởng ấp 6 dẫn đến thăm vườn điều của gia đình anh Đắc. Nhìn vườn điều của anh, tôi không khỏi xuýt xoa. Những cây điều to hơn 1 vòng tay ôm và đang bắt đầu ra đọt non, mặc dù vừa thu hoạch trái xong chưa lâu.

Anh Đắc kể: “Vườn điều này do cha tôi trồng, lúc tôi còn nhỏ xíu. Năm nay tôi gần 50 tuổi, tính ra nó cũng hơn 30 năm rồi. Hồi đó, không hiểu sao cha tôi lại trồng điều, bởi vì trái chủ yếu để ăn chứ có bán được bao nhiêu đâu. Tôi còn nhớ, điều khô bán không hết, đổ xuống suối cho trôi đi. Mãi vài năm sau, khi người ta bắt đầu chế biến, bán ra nước ngoài được thì hạt điều mới có vị trí với nông dân chúng tôi. Tôi gắn bó với cây điều từ đó”.

Anh Đắc cho biết, giữ lại cây điều, ban đầu gia đình anh gặp rất nhiều khó khăn. Hai vợ chồng nuôi 4 đứa con ăn học, vợ chồng thường xuyên phải “giật gấu vá vai” đắp đổi qua ngày. Và vài năm sau, khi những cây điều của anh ngày một phát triển tốt hơn thì cũng là lúc hạt điều có giá trên thị trường.

“Ở Bình Phước, nếu cây cao su thuộc vào loại cây “quý tộc”, bởi ngoài giá trị kinh tế, nó còn đòi hỏi nhiều vốn đầu tư, kỹ thuật canh tác cao thì ngược lại, cây điều dễ trồng, không kén đất, phù hợp với điều kiện địa hình đất dốc, ít màu mỡ, chịu đựng khô hạn tốt, vốn đầu tư cũng như công chăm sóc không nhiều. Cây điều một thời được gọi là cây xóa đói giảm nghèo. Nay, cây điều đã trở thành cây làm giàu cho nhiều hộ dân trên đất Bình Phước”, anh Đắc nói.

Từ hơn 1 ha ban đầu, hiện vườn điều của anh đã tăng lên 5 ha, năng suất từ 3,5 - 4 tấn trái/ha và khoảng 70% số này đạt chuẩn 180 - 200 hạt/ký. Bình quân, mỗi vụ anh thu hơn chục tấn hạt.


Điều của anh Đắc hạt rất to, đẹp, tỷ lệ nhân thu hồi cao

Từ ngày điều có giá, kinh tế gia đình anh Đắc dần khá lên, không còn cảnh chạy vạy kiếm sống mà đã có của ăn của để và có điều kiện để các con được học hành đến nơi đến chốn. Tùy theo giá thị trường, bình quân mỗi năm anh thu từ 200 - 300 triệu đồng từ cây điều. “Ngày xưa gia đình tôi cũng trồng lúa, nhưng đã bỏ từ 20 năm nay. Riêng cây điều, tôi không bao giờ bỏ nó”, anh Đắc khẳng định.

KHO KINH NGHIỆM

"Ở Lộc Hưng này, anh Đắc là một trong số nông dân trồng điều giỏi, nhiều kinh nghiệm chăm sóc điều nhất. Chú ấy mà ngồi nói chuyện về điều thì cả ngày không hết chuyện. Không chỉ thế, bà con ở đây ai cũng nể cái tính siêng năng của vợ chồng nó”, ông Võ Văn Chấn, trưởng ấp 6, xã
Lộc Hưng nói.

Có thể nói, anh Đắc không chỉ tâm huyết với cây điều mà kinh nghiệm mấy chục năm gắn bó đã giúp anh có cả một kho kinh nghiệm. Để có vườn điều như hôm nay, anh đã mất nhiều năm để theo dõi, chọn lọc, mỗi năm tích lũy một ít kinh nghiệm. Anh cho biết, cứ sau mỗi vụ, anh lại “lọc” cây 1 lần, chỉ những cây khỏe, sai quả, năng suất ổn định, trái to, sáng, đẹp anh mới giữ lại. Cây yếu, năng suất không ổn định, anh chặt bỏ, thay bằng cây khác.

“Theo tôi, muốn cây điều khỏe, năng suất đều thì ngoài áp dụng KHKT như tỉa cành, tạo tán đúng kỹ thuật, phun thuốc dưỡng lá, thuốc trừ sâu rầy… còn phải thực hiện việc bón phân đúng thời điểm. Có 2 thời điểm bón phân hợp lý là trước khi vào mùa mưa khoảng 20 ngày, tôi bắt đầu bỏ phân. Đây là thời điểm vừa thu hoạch xong, cây vừa dồn hết dinh dưỡng cho trái nên nhìn là thấy không khỏe.

Nên bón phân lúc này là thích hợp nhất cho cây “hồi phục” và ra đợt chồi đầu tiên sớm nhất. Đợt bón phân thứ 2 là trước khi kết thúc mùa mưa từ 20 ngày đến 1 tháng. Đợt phân này nhằm tăng cường dinh dưỡng cho đợt trái đầu tiên, đồng thời kích thích cây ra đợt chồi, bông thứ 2. Như vậy, năng suất sẽ cao”.

Anh Đắc cho biết, anh chọn tạo vườn điều từ chính những hạt giống trong vườn nhà, bằng kinh nghiệm nhiều năm gắn bó với cây điều, chứ không trồng giống mua ngoài hoặc điều cao sản. Chính vì thế, vườn điều của anh không chỉ cho năng suất cao, mà chất lượng cũng rất đồng đều. Bên cạnh đó, hạt đẹp, sáng đều, chẳng bao giờ bị sâu đục nên thương lái mua rất nhanh”.

Nhìn căn nhà gỗ của gia đình anh Đắc, dù còn khá tạm bợ, nhưng lại có những bộ phản, salon bằng gỗ quý rất hoành tráng, tôi thắc mắc: “Toàn đồ gỗ mắc tiền, nhưng có vẻ không hợp với căn nhà này lắm. Sao anh không xây nhà mới?”. Anh Đắc cười: “Nhà neo người, có 2 vợ chồng thì cứ làm quần quật suốt ngày. 4 đứa nhỏ đi học xa nhà. Có lúc nào nghĩ đến chuyện đó được đâu”.

Xem thêm
Nuôi trâu, bò vỗ béo gặp khó khi giá xuống thấp

Trước tình trạng giá trâu, bò thịt giảm, các hộ nuôi vỗ béo trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh điều chỉnh giảm số lượng nuôi, có hộ thậm chí tạm dừng.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất