| Hotline: 0983.970.780

Nửa thế kỷ ngập chìm trong ô nhiễm

Thứ Ba 20/05/2014 , 08:00 (GMT+7)

Xa Văn Môn được mệnh danh như một công xưởng thu nhỏ của huyện Yên Phong (Bắc Ninh). Nơi đây, có khoảng gần 500 lò tái chế phế liệu, đúc nhôm hoạt động cả ngày đêm.


Những lô cốt mọc ven đường bụi bay mù mịt, nhìn từ trên cao những ống khói thấp lè tè mọc ngay trong khu dân cư. Nơi đây có khoảng gần 500 lò tái chế phế liệu, đúc nhôm hoạt động ngày đêm. Xã Văn Môn có 5 thôn thì tất cả đều có làng nghề.
 

Nước thải, khí bụi, tiếng ồn từ những lò SX này tra tấn người dân Văn Môn suốt 50 năm qua...

Ô nhiễm nghẹt thở

Nhiều người bảo, đến Văn Môn sẽ được thưởng thức “đặc sản” khói và bụi đến nghẹt thở. Quả đúng, từ trên cao quan sát, Văn Môn ngập chìm trong làn khói trắng như sương mù.

Con đường trục xã như ken đặc bởi xe chở phế liệu, xe tự chế. Ngay cạnh mặt đường, những xưởng đúc phế liệu hoạt động không ngừng nghỉ. Khói bụi bốc lên mù mịt cả một cung đường. Người qua đường lúc nào cũng trong trang phục kín mít như Ninja bất kể thời tiết thế nào.

Ông Nguyễn Văn Hòa, cán bộ môi trường xã Văn Môn cho biết, xã có 5 thôn thì tất cả đều có làng nghề. Trong đó, nghề đúc nhôm, phế liệu chủ yếu tập trung ở hai thôn: Quan Độ và Mẫn Xá. Riêng người dân Mẫn Xá đã có 54 năm làm nghề này.


Toàn bộ nước thải chứa hóa chất, chất thải chứa kim loại nặng bị xả thẳng ra môi trường. Nguồn nước thải tại đây có màu đen ngòm, bốc mùi rất khó chịu. Lần theo điểm đến của nguồn nước thải này là các kênh mương, ao hồ, thậm chí ruộng của người dân. Nhiều diện tích đất lúa quanh khu vực làng nghề bị bỏ hoang từ lâu vì không thể canh tác.


Vào những năm 2009 – 2010, nghề đúc, tái chế phế liệu ở đây phát triển mạnh nhất với khoảng gần 1.000 hộ. Về kinh tế, giá trị SX từ công nghiệp – TTCN chiếm tới 73,5% tổng thu nhập của xã Văn Môn. Tuy vậy, 100% hộ dân làm nghề đều SX theo phương thức thủ công. Đặc biệt, toàn bộ nước thải chứa hóa chất, chất thải chứa kim loại nặng bị xả thẳng ra môi trường. Bằng mắt thường, ai cũng nhận ra sự ô nhiễm do các lò đúc này gây ra.

Nguồn nước thải PV ghi nhận được tại đây có màu đen ngòm, bốc mùi rất khó chịu. Lần theo, điểm đến của nguồn nước thải này là các kênh mương, ao hồ, thậm chí ruộng của người dân. Nhiều diện tích đất lúa quanh khu vực làng nghề dân bỏ hoang từ lâu vì không thể canh tác.

Theo ông Hòa, tình trạng ô nhiễm môi trường ở Văn Môn đang ở mức báo động đỏ. “Cậu xem, từ nguồn đất, nguồn nước, không khí, tiếng ồn… ô nhiễm hết rồi”, ông Hòa thở dài.

Người dân bất cần

Dù được đặt sát mặt đường liên xã, việc đột nhập vào các lò tái chế phế liệu ở đây là một điều không thể. Chúng được quây kín như những lô cốt, và luôn có một vài công nhân túc trực như canh phòng. Chỉ cần thấy người lạ mặt lảng vảng, là bị “hỏi thăm” ngay.

Ông Nguyễn Hoàng Gia, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Môn thừa nhận, chủ các lò đúc nhôm, phế liệu ở đây cực kì “kị” với công an và nhà báo. “Cứ thấy anh nào cầm máy quay quay chụp chụp, không biết là viết tốt hay xấu họ đều xông ra đuổi. Anh mà đi xuống quay phim chụp ảnh thì nhớ phải cẩn thận, có gì gọi điện lại ngay cho tôi”.

Chúng tôi đề nghị Công an xã dẫn đi tiếp xúc một số hộ dân làm nghề nhưng bị lực lượng này từ chối.

Một công an viên giải thích, không phải chúng tôi làm khó nhà báo, nhưng nhiều đoàn báo chí chúng tôi dẫn xuống thậm chí có cán bộ huyện đi cùng vẫn bị đuổi, nặng hơn là hành hung. Một nhóm PV truyền hình đang đứng quay cảnh ô nhiễm thì bị một thanh niên té nước xối xả khiến cả nhóm phải chịu trận.

Vị này kể tiếp, mới đây, cũng một đoàn PV do Phòng Tài nguyên- Môi trường huyện Yên Phong dẫn xuống suýt bị hành hung. “Khi PV đang phỏng vấn, chủ hộ cầm chén uống nước định ném thẳng vào máy quay vì… bị ghi hình, may chúng tôi ngăn cản kịp thời”.

Người dân tỏ ra bất cần trong khi chính quyền lại bất lực. Các hộ dân nằm trên đất của xã nhưng dường như không chịu sự quản lý của chính quyền.

Ông Nguyễn Hoàng Gia, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Môn cho hay, công tác kiểm tra hoạt động kinh doanh SX gần như là không thể.

12-44-11_1
Khung cảnh mù mịt của xã Văn Môn nhìn từ trên cao

“Vào hộ dân kiểm tra, họ bảo chúng tôi làm ăn đóng thuế đầy đủ, có gì mà kiểm tra. Một vài hộ thành lập Cty thì lại đăng kí kinh doanh với Phòng Kinh tế huyện, họ bảo huyện mới có quyền kiểm tra”. Mới đây, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Ninh phối hợp cùng UBND xã Văn Môn tuyên truyền về tai nạn lao động và phát dụng cụ bảo hộ cho người dân. Các hộ dân không chút mặn mà, thậm chí không thèm nhận dụng cụ bảo hộ.

Chỉ nắm được phần “nổi”!

Năm 2007, dự án tách làng nghề ra khỏi khu dân cư đã không nhận được sự đồng thuận của các hộ dân. Mới đây, Sở Xây dựng Bắc Ninh có công văn số 40 gửi Chủ tịch UBND tỉnh, đề nghị được khảo sát địa điểm lập dự án đầu tư xây dựng Cụm CN làng nghề Mẫn Xá. Tổng diện tích dự kiến khoảng 25ha, nằm cách khu vực dân cư khoảng 2km.

Ông Nguyễn Văn Duy, Trạm trưởng Trạm y tế xã Văn Môn cho biết, tỉ lệ người chết vì ung thư, tai nạn lao động trên địa bàn ngày một tăng. Tuy nhiên, y tế xã chỉ nắm được phần nổi, còn phần chìm thì không ai biết.

Ông Duy cho chúng tôi xem cuốn "sổ Nam Tào” và lắc đầu, 40 trường hợp tử vong gần đây nhất có 20% ung thư. Phần trăm còn lại, tai nạn lao động và các bệnh liên quan đến môi trường chiếm tương đối nhiều. Bệnh hiểm nghèo đủ từ ung thư vòm họng, phổi, gan, dạ dày…

Mới đây, xã lại có thêm 2 người tử vong vì ung thư gan và 1 tai nạn lao động. Vị Trạm trưởng y tế xã phân trần, tai nạn lao động nhẹ thì họ qua xã băng bó, nặng thì lên tỉnh, lên Trung ương. Còn chết vì ung thư, người ta không báo. Cán bộ y tế phải xuống tận nơi để lấy thông tin mới có con số thống kê. Đó là tử vong, còn tỉ lệ người dân mắc các bệnh liên quan đến môi trường nhiều vô kể.

Theo ông Duy, khi mắc bệnh, người dân thường ra phòng khám tư, không vào trạm y tế nên đơn vị này không nắm được con số.

Trẻ con sinh ra, ít có đứa nào không mắc các bệnh về hô hấp. Một ngày, trung bình Trạm y tế xã tiếp nhận khoảng 20 trẻ ra khám đường hô hấp. Đối tượng dưới 6 tuổi đến khám, chữa bệnh tại đây thì hơn 50% mắc các bệnh hô hấp. Ông Duy đánh giá, những năm trở lại đây, tỉ lệ người chết vì ung thư và mắc các bệnh liên quan đến môi trường ngày một tăng và trẻ hóa.

Xem thêm
Hơn 370ha tôm nuôi bị thiệt hại do nắng nóng

TRÀ VINH Theo Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, hiện toàn tỉnh đã có hơn 122ha nuôi tôm sú cùng hơn 249ha nuôi tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại do ảnh hưởng nắng nóng gay gắt.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.