| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 15/11/2017 , 06:25 (GMT+7)

06:25 - 15/11/2017

Nực cười việc dễ không làm, lại đi làm một việc tù mù, rối rắm!

Đến công tác ở một cơ quan mà được cơ quan đó mời cơm, người được mời thường bảo “Thôi, quy ra gạo cho nó tiện”. Nghe, tưởng là nói đùa, nhưng mà hàm ý của người nói là thật. Gạo, tức là tiền...

Anh mời tôi, thì hãy quy giá trị bữa cơm ra tiền, bỏ phong bì cho tôi, cho nó gọn nhẹ.

Cứ tưởng những câu nói đó chỉ tồn tại ở dân gian. Nào ngờ mới đây, lại có một văn bản quy phạm pháp luật, ở cấp Chính phủ hẳn hoi, cũng “quy tất cả ra gạo”.

Đó là Nghị định số 120/2017/NĐ-CP, quy định về chi phí sinh hoạt liên quan đến người bị tạm giữ, tạm giam, vừa được Chính phủ ban hành, có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.

Ảnh minh họa

Hầu như tất cả các chi phí được quy định trong nghị định đều được quy ra một tiêu chuẩn duy nhất là “gạo tẻ loại trung bình”. Ví như phụ nữ bị tạm giữ, tạm giam sinh con, được bồi dưỡng bằng giá trị của 20 kg gạo tẻ loại trung bình. Phụ nữ bị tạm giữ, tạm giam được cấp thêm đồ vệ sinh bằng 2 kg gạo tẻ loại trung bình. Thuốc chữa bệnh thông thường cho người bị tạm giữ, tạm giam bằng 2 kg gạo tẻ loại trung bình/người/tháng. Trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam chết, thì chi phí mai táng tương đương với 100 kg gạo tẻ loại trung bình...

Buồn cười thật. Thế nào là “gạo tẻ loại trung bình”? Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại gạo tẻ, nào Khang dân, nào BC 15, nào Bắc thơm 7, nào TBR 225, nào Thái Xuyên 111... Có loại gạo tẻ là gạo lúa thuần, có loại là gạo lúa lai. Chỉ riêng một công ty giống cây trồng ở Thái Bình cũng đã có trên dưới 10 giống lúa tẻ được đưa vào bộ giống quốc gia, và được các tỉnh đưa vào cơ cấu cây trồng.

Nếu tính cả số giống của các công ty giống trên cả nước, thì phải hàng trăm loại. Tất cả các loại lúa tẻ đó đều cho ra gạo tẻ. Nhưng mỗi loại gạo tẻ có một giá khác nhau. Rồi cùng một loại gạo tẻ, nhưng mỗi vùng lại có giá khác nhau, như miền Trung và Tây Nguyên thường giá cao hơn, vì chi phí vận chuyển đến các vùng đó cao hơn. Muốn có được giá loại “gạo tẻ loại tung bình”, các cấp thực hiện chỉ còn cách khảo sát giá của tất cả các loại gạo tẻ trên thị trường, cộng lại rồi chia đều. Và đó là điều không thể.

Rất nhiều chuyên gia đã lên tiếng về cách “quy ra gạo tẻ loại trung bình” này. Và đặt câu hỏi: Tại sao lại không quy ra tiền lương cơ bản? Ví như phụ nữ bị tạm giữ, tạm giam sinh con, thì được bồi dưỡng bằng mấy ngày lương. Người bị tạm giữ, tạm giam chết, thì chi phí mai táng bằng 1 hay 1,2; 1,5 hệ số lương cơ bản. Đó là những đề xuất hoàn toàn hợp lý, vô cùng dễ tính, bởi hệ số lương cơ bản thì cả nước như nhau. Chỉ việc bấm máy tính một cái là xong. Và cùng với thời gian, nếu hệ số lương cơ bản tăng lên, thì người bị tạm giữ, tạm giam cũng được hưởng các loại chi phí tăng theo tương ứng, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với họ.

Thật là việc dễ không làm, lại đi làm một việc tù mù, rối rắm.