| Hotline: 0983.970.780

Nước biển “nuốt” làng

Thứ Ba 16/09/2014 , 08:15 (GMT+7)

Khoảng 10 năm trở lại đây, hiện tượng nước biển xâm thực diễn ra nghiêm trọng, cuốn trôi nhiều bãi tắm đẹp, những khu rừng phòng hộ và đang lấn sâu vào các khu dân cư ven biển tỉnh Quảng Nam.

NGUY CƠ MẤT LÀNG

Xã Tam Hải, huyện Núi Thành có nhiều vị trí nước biển đã xâm thực sâu vào khoảng 50m chỉ trong vòng 5 năm qua. Tại thôn Thuận An, xã Tam Hải nơi có hai mặt giáp biển, do tình hình xâm thực của biển diễn ra nghiêm trọng nên 200 hộ dân nơi đây đang được chính quyền xã lên kế hoạch di dời đi nơi khác.

Ông Bạch Ngọc Hóa, thôn Thuận An cho biết: Cứ vào thời điểm mùa mưa bão bà con nhân dân ở đây rất lo sợ. Nước biển đã xâm thực chỉ còn cách thôn khoảng 100 m nên bão đến hầu hết người dân phải di chuyển, vì sóng biển đánh mạnh theo những con mương tràn nước vào sâu trong thôn gây thiệt hại về tài sản và hoa màu.

Chỉ tay về khu rừng phi lao phòng hộ để chắn sóng, ông Hóa cho hay, chỉ mấy mấy trận bão lớn gần đây đã cuốn trôi hàng chục ha rừng, cộng với việc người dân chặt cây để làm hồ nuôi tôm nên “tấm lá chắn” cho cả thôn trước gió bão vốn mỏng manh nay càng bị thưa thớt hơn.

Ông Nguyễn Tấn Hùng, Phó Ban Nông nghiệp xã Tam Hải cho biết: Trước tình trạng nước biển lấn làng nên nhiều người trong thôn Thuận An đã di chuyển cả gia đình vào nơi cao sinh sống, do lo sợ thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp. Vị trí hẹp nhất của thôn Thuận An bị nước biển hai phía lấn sâu, bây giờ bề ngang chỉ còn 320 m.

Theo ông Hùng, năm 2010, tỉnh đã đầu tư xây dựng công trình kè bảo vệ và chống sạt lở bờ biển ở những điểm xung yếu tại xã dài trên 2 km. Từ khi công trình này được đưa vào sử dụng năm 2012, hiện tượng sạt lở bờ biển được hạn chế, đời sống nhân dân được ổn định hơn.

Tuy nhiên do ảnh hưởng của cơn bão số 11 năm 2013, một đoạn kè cuối tuyến dài khoảng 30m đã bị sóng, gió bão làm hư hỏng và xã Tam Hải đã kiến nghị lên tỉnh để xem xét làm lại.

Ngoài ra, xã Tam Hải còn khoảng 2,4 km bờ biển ở thôn Thuận An và thôn Bình Trung cần phải xây kè để giữ đất nếu không mỗi năm nước biển sẽ lấn sâu vào khoảng 10m, song xã chưa có kinh phí để đầu tư.

PHỐ CỔ BỊ UY HIẾP

TP Hội An có bờ biển kéo dài khoảng 7 km, nhưng từ năm 2009 đến nay tình trạng mất đất do nước biển xâm thực đã xảy ra liên tục, đặc biệt ở khu vực biển Cửa Đại, nơi tập trung các khu nghỉ dưỡng cao cấp của TP du lịch này.

09-44-19_nh-2

Theo các kết quả nghiên cứu thủy văn những năm qua, tốc độ dâng của mực nước biển trung bình năm tại TP Hội An tăng khoảng trên 0,5 cm/năm.

Tuyến đường ven biển Âu Cơ ở khu vực biển Cửa Đại trước đây cách biển hơn 200m nhưng nay biển đã tiến gần chỉ còn cách con đường khoảng 40m; sóng biển đã cuốn đi nhiều bãi tắm đẹp ở khu vực này.

Các khu nghỉ dưỡng cao cấp nơi đây đang phải tự “gồng mình” chống chọi với sự xâm thực mạnh mẽ từ nước biển. Khu nghỉ dưỡng Victoria khi bắt đầu khai trương năm 2001 bãi biển nơi đây còn cách bờ kè của khu nghỉ dưỡng 50m nhưng từ tháng 9/2013 đến nay, nước biển đã xâm thực đến sát bờ kè của khu nghỉ dưỡng.

Còn khu nghỉ dưỡng Đồng Dương sóng biển còn làm vỡ các bờ kè bằng bê tông kiên cố, cuốn trôi đất phía bên trong làm cho một dãy các căn hộ nhỏ trong khu nghỉ dưỡng bị đổ trơ phần móng. Các khu nghỉ dưỡng nằm liền kề như Golden Sand, SunRise, Vinpearl…và nhiều bãi tắm công cộng cũng có chung tình cảnh tương tự.

Trong khi chờ đợi các giải pháp căn cơ của các cơ quan chức năng của tỉnh và Trung ương thì các khu nghỉ dưỡng này đang phải tự bảo vệ tài sản của mình nếu như không muốn bị nước biển cuốn trôi đi...

Ông Ngô Văn Hoàng, GĐ khu nghỉ dưỡng SunRise cho biết: Trong vòng 8 năm trở lại đây, nước biển đã xâm thực vào khu nghỉ dưỡng này 200m. Từ năm 2004 đến nay khu nghỉ dưỡng đã mất khoảng 1 triệu USD cho việc làm các bờ kè, từ kè cứng đến kè mềm theo công nghệ của nước ngoài nhưng chỉ hạn chế được một phần nào.

“Những con sóng cao vẫn vượt qua những bờ kè cuốn cát đi và hàng năm DN phải đầu tư lại rất tốn kém. Các khu nghỉ dưỡng tại đây đã phối hợp mời chuyên gia của Hà Lan về khảo sát tư vấn nhưng phương án đưa ra là làm hệ thống kè đồng bộ có vốn đầu tư quá lớn, chỉ có Chính phủ hoặc tỉnh mới có thể làm được", ông Hoàng nói.

Tỉnh Quảng Nam có 125 km chiều dài bờ biển, mặc dù tình trạng nước biển xâm thực đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng nhưng tỉnh Quảng Nam vẫn chưa có những nghiên cứu đánh giá một cách tổng quát vấn đề này.

Hiện tại, Quảng Nam mới thành lập tổ giúp việc gồm các thành viên của Sở Xây dựng, Sở TN-MT, Sở NN-PTNT và các Sở, Ban ngành liên quan để tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Nam giải quyết vấn đề xâm thực vùng ven biển TP Hội An.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm