| Hotline: 0983.970.780

Nước không được chia: Người gác đèn biển Cửa Tùng

Thứ Ba 09/09/2014 , 08:23 (GMT+7)

Ít người biết rằng chị Phan Thị Hoa là người đầu tiên cũng là người cuối cùng trong một gia đình ở bờ Nam sông Bến Hải khiến người gác đèn biển năm xưa ở Cửa Tùng phải khắc khoải nhớ nhà. 

Điều đó khiến hai nhạc sĩ Hoàng Hiệp - Đằng Giao phải thốt lên bằng những ngôn từ xúc động, nhớ thương trong bản tình ca nổi tiếng “Câu hò bên bờ Hiền Lương".

Người con gái yêu thương

Chị Hoa hiện là chủ của quán bún ngon nổi tiếng ở chợ Do, thị trấn biển Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Thị trấn này nằm ở đoạn cuối bờ Bắc sông Bến Hải, còn gọi là sông Hiền Lương. Con sông không đủ hai bờ. Hằng ngày chị Hoa ra chợ đều ngang qua trạm đèn biển đong đầy ký ức của gia đình mình.

Chuyến hành trình đi tìm người gác trạm đèn biển Cửa Tùng trong bài hát “Câu hò bên bờ Hiền Lương” đưa tôi trở về thôn 9, xã Trung Giang, quê nội chị Hoa.

Người gác đèn ngày xưa ấy chính là ông Phan Văn Đồng, vốn quê ở thôn 9 xã Gio Hải nay là xã Trung Giang. Sau khi có được hai người con trai thì cuối năm 1954 ông Đồng tạm biệt vợ con tập kết ra Bắc, làm nhân viên trạm đèn biển Cửa Tùng, ở vị trí ngay trạm đèn biển bây giờ. Ông ra đi vừa lúc biết vợ mình đã mang thai đứa con thứ ba.

Gần cuối năm 1955, bằng linh cảm của người chồng là vợ đến ngày sinh nở, ông Đồng bí mật trở về nhà nhìn thấy chị Hoa vừa được ra đời bên một căn hầm bí mật, rét bầm da thịt. Ông ôm hôn con và vợ rồi phải tạm biệt trở lại ngay sang bờ Bắc. Mẹ chị Hoa là bà Khổng Thị Nậy, vừa sinh con nhưng rất can trường bí mật hoạt động cách mạng.

Bà Nậy anh hùng, anh hùng ngay trong suy nghĩ, việc làm. Hằng ngày bà giả vờ làm người buôn cá để vào lân la bán cho các đồn bốt.

Ít ai biết rằng quang gánh nặng vai nhưng bà Nậy vẫn kiên nhẫn đếm nhẩm từng bước đi để về cộng lại rồi tính ra khoảng cách, cự ly từng đồn lính giúp bộ đội nã pháo trúng đích. Quân đội chính quyền miền Nam nghi ngờ có chỉ điểm nên ngày đêm càn quét quyết liệt các làng ven biển, đốt hết nhà cửa.

Hai người anh trai của chị Hoa chỉ biết cha mình tập kết ra Bắc. Chị Hoa cũng còn quá nhỏ để hiểu cha mình là nhân viên trạm đèn biển Cửa Tùng ở bờ Bắc, ngày đêm lòng dạ ông như bị thiêu đốt vì gia đình, vì chị, đứa con gái mà ông hằng mong ước, để rồi trước khi sang bờ Bắc tập kết, ông hẹn với vợ hai năm sau đến ngày hiệp thương tổng tuyển cử, sẽ về.

Nào có ai ngờ bể dâu dậy sóng, cuộc đời đổi thay. Ở bên bờ Bắc, mỗi ngày lên đứng gác đèn ông Đồng đượm mắt buồn nhìn về làng cát phía bên kia bờ Nam mà cồn cào gan ruột.

Năm 1957, từ Hà Nội nhạc sĩ Hoàng Hiệp vào thực tế ở vĩ tuyến 17. Trong một lần leo lên đèn biển Cửa Tùng với người gác đèn bất chợt ông chứng kiến nỗi khắc khoải của người đàn ông nhớ vợ con bên kia bờ vĩ tuyến. Rồi lại cứ chiều chiều ông thấy người gác đèn biển ấy leo thật cao lên nơi đặt đèn, dõi ánh mắt về phía bờ Nam.

Một hôm người gác đèn chợt hỏi nhạc sĩ: "Anh có biết không, nhà tôi ở ngay chỗ chòm dương có những cây cao nhất đó. Tôi sang đây để lại vợ con bên ấy. Vì vậy, hằng ngày tôi lên đây không chỉ để làm nhiệm vụ mà còn để nhìn về quê tôi. Có vài lần tôi đã trông thấy ai như vợ con tôi đang từ xóm ra bãi để nhận cá mang ra chợ bán…Tôi muốn kêu to lên gọi tên vợ con tôi. Nhưng kêu sao cho tới…

Một lần, vừa mới tang tảng sáng, tôi đang đứng ở đây thì nghe tiếng súng nổ vang bên ấy. Rồi thì khói bốc lên ở chỗ xóm tôi. Đồng chí thử tưởng tượng coi, ruột gan tôi lúc đó như thế nào. Tôi đã tìm mọi cách để biết vợ con, nhà cửa của tôi bên ấy giờ ra sao nhưng không có cách nào hết...".

Ngay trong hôm đó, những ý tứ của bài hát “Câu hò bên bờ Hiền Lương” đã được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phôi thai. Sau đó cùng với nhạc sĩ Đằng Giao cộng tác phần lời, bài hát ấy đã vang lên làm rung động hàng triệu trái tim yêu thương.

Tình cảm người cha dành cho con gái

Rồi nào có ai ngờ bản tình ca nổi tiếng “Câu hò bên bờ Hiền Lương” vừa mới ra đời lại có chút éo le của số phận. Nhạc sĩ Hoàng Hiệp trong một lần trở lại Quảng Trị đã kể rằng, khi mới ra đời nhiều người coi bài hát đó là nhạc vàng, ủy mị, không cho phổ biến. Trong lúc chiến tranh mà bài hát nghe buồn quá nên họ không thích.

12-48-52_cu-tung-3
Đèn biển Cửa Tùng hôm nay, cách bên phải 100 m là biển

Tôi leo lên điểm cao nhất của cây đèn biển Cửa Tùng nhìn ra phía đôi bờ. Bất chợt nghe câu hát cất lên từ một ngôi nhà gần đó: “Bên ven bờ Hiền Lương”.
Với mảnh đất Quảng Trị, bản tình ca này đã trở thành máu thịt của từng người. Đôi bờ Hiền Lương - sông Bến Hải - vĩ tuyến 17 một thời chia cắt đất nước Việt Nam thành hai miền là hình ảnh rất cụ thể trong chính từng gia đình, ngôi làng của mỗi người dân Quảng Trị.
Những sự chia ly gắn liền với số phận đất nước luôn được nhắc nhớ và kể lại để thấy quý giá vô cùng trong những ngày hòa bình, độc lập mà chúng ta có được hôm nay, như lời Bác Hồ đau đáu căn dặn: Nước không được chia!

Nhưng thật may đến khi Bác Hồ nghe, Bác Hồ thích, Bác Hồ khen bài hát đó chứa chan tình cảm nên nó được sống. Bởi câu chuyện của bài hát không chỉ là chuyện đôi bờ Hiền Lương - sông Bến Hải, chuyện của riêng mảnh đất vĩ tuyến 17 - Quảng Trị, mà có sức khái quát sự ngăn cách của hàng triệu gia đình ở hai miền Bắc - Nam.

Song vợ con ông Phan Văn Đồng thì không có được may mắn đó. Chị Hoa kể, bà Nậy sau này trở thành Bí thư Đảng ủy xã Gio Hải - Huyện ủy viên, đã anh dũng hy sinh. Anh trai bà là anh Phan Đình An giữ chức xã đội trưởng xã Gio Hải cũng đã trở thành liệt sĩ. Anh Phan Đình Trung cũng qua đời do bệnh tật.

Trong gia đình của ngôi làng cát trắng ven biển ấy chỉ còn duy nhất chị Hoa.

Ở lại quê nhà, thay mẹ, thay anh, chị xung phong vào du kích chiến đấu đòi hòa bình, thống nhất cho đất nước. Gần 20 năm chiến tranh chị Hoa không gặp được cha, nỗi nhớ về cha, mẹ làm chị thêm cồn cào gan ruột.

Tình cờ vào cuối năm 1972, ông Phan Văn Đồng biết được con gái mình đang có mặt ở xã Vĩnh Kim, bờ Bắc sông Bến Hải, để nhận thêm quân về bờ Nam chiến đấu. Ông tìm đến để được gặp con, giọt máu mà ông gửi lại cho vợ trước khi đi xa.

Nhưng chị cương quyết không cho gặp, chị thét lớn ông không phải là cha tôi. Bởi cũng dễ hiểu thôi, trong chiến tranh biết bao nhiêu gia đình đi tìm con thất lạc, nhỡ nhầm thì sao. Rồi ông bật khóc, nhìn giọt nước mắt lăn xuống trên đôi má đen sạm của ông làm chị như có linh cảm, ông đúng là cha của mình.

Cuộc trùng phùng trong nước mắt giữa hai cha con chỉ diễn ra trong một đêm rồi chị tạm biệt ông, trở về Nam. Năm 1976, sau khi nước nhà thống nhất, chị cưới chồng, anh Hồng chồng chị là người cùng quê ở bờ Nam.

Biết hoàn cảnh của chị nên anh rất yêu thương vợ. Rồi tình phụ tử ấy khiến chị không thể sống xa cha được. Anh chị bàn nhau sang bờ Bắc mua nhà định cư ở thị trấn Cửa Tùng để được gần cha mỗi ngày. Nhờ vậy, ngày đêm cha con chị chia sẻ, bù đắp cho nhau những mất mát, thiếu thốn tình cảm mà ông cũng như gia đình phải gánh chịu do hoàn cảnh của chiến tranh.

Thời gian ấy ông thường kể, chính chị là người đã làm cho ông đau đáu nhất trong những ngày gác đèn trước biển. Bởi vì tình cảm ông dành cho con gái có nhiều điều đặc biệt hơn cả, chỉ riêng ông mới hiểu hết.

Trở lại người gác đèn biển ngày ấy. Sau ngày nước nhà thống nhất, ông Phan Văn Đồng không về quê, mà ở lại định cư một nơi gần cây đèn biển, bởi vợ và con trai ông đã thành liệt sĩ.

Thắp nén nhang lên bàn thờ cha, chị Hoa kể rằng vào độ tuổi gần đất xa trời, mắt đã mờ, chân đã yếu nhưng ông thường chống gậy trở lại nơi ngày trước ngước mắt đau đáu nhìn về phương Nam, sống lại kí ức một thời với người vợ đã khuất.

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Một làng nghề cây cảnh ở Hà Nội thu hút 200.000 lượt khách du lịch

Năm 2022, điểm du lịch làng quê Hồng Vân, huyện Thường Tín được Hà Nội công nhận OCOP 4 sao. Từ đó đến nay, xã đã đón khoảng 200.000 lượt khách du lịch.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Yên Tử thu phí được 14,6 tỷ đồng, gần 6 tỷ tiền công đức

QUẢNG NINH 3 tháng đầu năm 2024, Hội xuân Yên Tử đã đón gần 380.000 lượt khách; tổng thu phí tham quan đạt trên 14,6 tỷ đồng. Thu công đức đạt trên 5,9 tỷ đồng.

Bình luận mới nhất