| Hotline: 0983.970.780

Nước lã

Thứ Tư 22/11/2017 , 08:53 (GMT+7)

“Nước lã mà vã nên hồ / Tay không mà nổi cơ đồ mới ngoan (Ca dao)”.

 

Minh họa: Nguyễn Mạnh Hùng

Mở cửa một ngôi nhà, mà không, phải gọi là cái lều thì đúng hơn, xiêu vẹo bên một cái ao, được dựng bởi mấy cọc tre, lợp tôn, bên trong chỉ có cái giường cũ, quần áo vứt bừa bộn, góc nhà có cái bếp kiềng, cái nồi cơm điện cũ với vài cái xoong không, xung quanh lều cỏ mọc đầy, Hòa bảo Thúy:

- Em vào đi. Đây là phòng tân hôn của vợ chồng mình.

- Thế cái nhà ba tầng, anh vẫn bảo là nhà anh, với cái phòng mà anh chỉ cho em, bảo là phòng tân hôn, là sao?

- Giờ thì anh chẳng giấu em nữa. Cái nhà đó trước là nhà anh. Bố mẹ anh đi buôn tiền, vay của người ta hơn 5 tỷ, hứa trả lãi cho người ta 5% rồi mang tiền cho đứa khác vay lấy lãi 10%, định ăn chênh lệch 5%. Không ngờ đứa cầm tiền của bố mẹ anh chạy mất. Ông bà vỡ nợ, từ nhà cửa, đất đai cho đến cái xe máy cũ, đều bị người ta xiết hết, mà cũng chỉ hết một phần mười nợ, ông bà bỏ đi trốn nợ rồi do lo nghĩ quá, lần lượt ốm, qua đời. Người chị anh phiêu dạt vào Nam, cũng mất liên lạc mấy năm nay. Anh thành kẻ đứng đường, đành mượn cái bờ ao này dựng túp lều che mưa che nắng, rồi đi dắt bò cho lò mổ kiếm sống. Vì theo đuổi em, sợ em chê anh nghèo, nên anh năn nỉ ông bà chủ mới cái nhà anh giả là bố mẹ anh, mời em đến chơi, rồi mượn nhà văn hóa thôn làm đám cưới...

Thúy chết đứng Từ Hải, cô cảm giác như đang đi trên đất bằng bỗng bị thụt xuống một cái hố rất sâu, không sao lên được. Suốt đêm hôm ấy, cô không cho Hòa đụng vào người mình. Sáng hôm sau, Thúy bảo:

- Lẽ ra hôm nay tôi định ra ủy ban xin hủy hôn, vì anh đã lừa tôi. Nhưng thôi, ván đã đóng thuyền, giờ tôi có về cũng bị làng xóm cười chê, nên tôi chấp nhận. Nhưng, tôi có hai điều kiện. Nếu anh nghe thì tôi ở.

- Em cứ nói đi.

- Thứ nhất, chỉ được có con khi đã thoát được khỏi cái lều này. Thứ hai, anh dành dụm được bao nhiêu tiền, đưa cả cho tôi.

- Đây, anh dành được 4 triệu. Đám cưới này, hai bên nội ngoại giúp anh lo, tiền mừng được 4 triệu bẩy, họ đưa cả cho anh, tất cả là tám triệu bẩy, em cầm lấy.

Thúy có 10 triệu vốn riêng. Đi lấy chồng, tiền mừng được 10 triệu nữa, cộng với của Hòa là hai mươi tám triệu bẩy trăm ngàn. Ngay lập tức Thúy bắt tay vào dựng một cái chuồng bò, cũng bằng tre lợp tôn, hết mười triệu. Dành lại hai triệu bẩy, còn 16 triệu, cô đi lùng mấy hôm, và dắt về 3 con bò gầy tong teo, đi không vững. Đến nhà, cô bảo Hòa:

- Anh nghỉ việc đi, ở nhà đi cắt cỏ cho bò. Phải cắt loại cỏ mật thật non ấy.

Khi Hòa gánh một gánh cỏ mật đầy về, Thúy bảo:

- Mang cỏ đi rửa bằng nước giếng khoan 3 lượt, rửa thật kỹ, phơi cho ráo nước, rồi pha nước muối loãng, nhúng cỏ vào đó, cho bò ăn.

- Sao phải thế?

- Anh cắt cỏ ở vườn cam, vườn phật thủ nhà người ta chứ gì? Phải đề phòng nhỡ người ta phun thuốc trừ sâu cho cam, cho phật thủ, lại rơi xuống cỏ. Vì thế phải rửa đi rửa lại hai ba lần. Rửa rồi, phải nhúng nước muối sát trùng, kẻo bò ăn sinh bệnh.

Số tiền hai triệu bẩy còn lại ấy, Thúy dùng mua ngô, hầm lên cho bò ăn cộng với cỏ mật non. Được chăm tốt, chỉ sau 3 tháng, 3 con bò béo múp, bán đi, mỗi con lãi năm triệu đồng. Thúy mua tiếp 5 con bò gầy nữa về vỗ béo. Một mặt, cô tìm đến lò mổ, xem người ta giết bò. Sau một tuần quan sát và tập làm, Thúy đã thành thạo, cô bảo ông chủ lò:

- Mỗi hôm ông mổ bao nhiêu con, tôi xin thầu hết số lòng, thủ, cẳng của bấy nhiêu con, được không? Tôi tự mổ lấy lòng, làm lòng luôn rồi phân phối. Công mổ bò, ông thanh toán cho tôi một trăm ngàn đồng một con.

Cảm thấy có lợi, chủ lò mổ đồng ý. Từ đó, nếu hôm nào mổ 1 con thì Thúy làm lòng rồi tự mình mang đi bán, hôm nào mổ nhiều hơn, thì những bộ lòng dư ra được cô bán đổ cho người khác, được thêm một ít lãi. Cứ thế, đêm nào ít nhất Thúy cũng được 3 trăm ngàn, nhiều hôm được tới 1 triệu. Cô giao hẹn dứt khoát với chồng, mỗi ngày hai vợ chồng chỉ được chi 50 ngàn đồng cho ăn uống. Hòa chuyên tâm cắt cỏ, và xin giống cỏ voi về trồng quanh bờ ao. Mấy tháng sau, 5 con bò bán đi, lại lãi được mỗi con 4 triệu nữa. Thúy cho làm thêm chuồng, và từ 5 con, cô mua thêm mười con, rồi hai mươi con, con nào cũng về gầy đi béo. Vợ chồng Thúy trở thành một chuyên gia vỗ béo bò. Còn Thúy, từ việc thầu lòng, chân, thủ bò, cô lấy thêm thịt đi đổ cho các hàng ăn, hàng phở trong vùng. Số cửa hàng nhận thịt của cô càng ngày càng nhiều...

Đó là câu chuyện của hơn hai mươi năm trước. Bây giờ, ai đi qua ngôi nhà 5 tầng lộng lẫy, ở một vị trí đắc địa nhất trong làng, của vợ chồng Thúy, cũng phải ngước nhìn. Chưa hết, cách nhà chừng 1km là dãy chuồng bò hai mươi nhăm gian được xây kiên cố, với đủ các thiết bị, từ điện chiếu sáng đến hệ thống thông gió, quạt mát cho bò, mỗi gian nhốt 4 con. Trung thành với cách làm từ hồi mới lấy nhau, vợ chồng cô chỉ mua bò về vỗ béo xong lại bán. Cô con gái đầu của vợ chồng họ khi lấy chồng, được bố mẹ xây cho một ngôi nhà 3 tầng. Cậu con trai thứ hai học xong chuyên ngành thú y đã về cai quản chuồng bò của nhà kiêm giám đốc một cơ sở thú y tư nhân.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?