| Hotline: 0983.970.780

Nước mắt biển: Ngày ngày ngồi ngóng con về

Thứ Năm 08/01/2015 , 10:02 (GMT+7)

Từ thời quai đê, lấn biển, đời nọ nối đời kia, họ - những ngư dân bám biển để mưu sinh có những mùa ngao, mùa cá tôm bội thu, nhưng có những mùa, người dân gọi là mùa đau thương.

Hàng chục thanh niên trai tráng, phụ nữ đi biển đã chẳng bao giờ trở về…

Đôi mắt đỏ ngầu, thất thần, ông Đinh Văn Tiến, thôn Thiện Tường, xã Nam Thịnh (Tiền Hải, Thái Bình) nhìn chăm chăm ra cửa biển. Đôi tay ông vân vê mảnh lưới đánh cá con trai để lại. Vụ chìm thuyền ngao ngày 16/12/2014 đã cướp đi của gia đình ông một con gái và cậu con trai duy nhất. “Tôi ngỡ đó chỉ là một cơn ác mộng, đau đớn lắm chú à!”, ông Tiến uất nghẹn.

Ám ảnh nỗi đau

Nhà ông Tiến sinh được bốn người con, ba gái một trai. Con gái cả là chị Đinh Thị Miền (SN 1987) lấy chồng ở xã Nam Trung. Con gái thứ ba lấy chồng ở xã Nam Thắng, mới sinh cháu nhỏ được 2 tháng.

Ông Tiến một thời cũng vùng vẫy khơi xa, nay bị bệnh thoái hóa khớp, không thể lao động nặng. Hai năm nay, ông chỉ quanh quẩn ở nhà nuôi vài con lợn, mấy con gà với mảnh vườn nhỏ. Con trai duy nhất của ông là anh Đinh Văn Sỹ, người lái chiếc thuyền định mệnh cướp đi sinh mạng của 6 người. 

“Trước đây, nó cũng đi đánh bắt ngoài khơi xa. Nhưng từ khi có vợ thì ở nhà đi canh ngao thuê. Thỉnh thoảng chở anh em, hàng xóm ra bãi ngao. Chiếc thuyền đó gia đình tôi cũng mới đóng cho nó, ai ngờ…”, ông Tiến kể. 

Bà Trương Thị Mỵ, vợ ông Tiến, khóc đến sưng húp mắt. Bà Mỵ bị bệnh bướu cổ, tưởng không qua khỏi từ lâu. Được gia đình, họ hàng chạy chữa khắp nơi, bệnh tình thuyên giảm.

Bà cho biết, chị Miền sinh được 3 cháu, 1 trai 2 gái. Ở Nam Trung, Nam Thịnh, xã nào cũng vậy, người dân tranh nhau đi cào ngao. Vì ở nhà có việc gì làm đâu. Con dại, chạy ăn từng bữa, không đi làm lấy tiền đâu trang trải cuộc sống. Ngày định mệnh, đứa nhỏ nhà chị Miền bị đau mắt.

Bà Mỵ khuyên con ở nhà, đưa cháu đi khám bệnh. Chị vẫn quyết “trốn” con đi cào ngao. “Con đi nốt hôm nay, mai có hàng về bán cho người ta”, chị Miền nói với bà Mỵ như vậy vì sợ nghỉ một hôm mất mối bán ngao.

Bà Mỵ năn nỉ con, cho tao một chân đi cào ngao với, già thì già đi vẫn kiếm tiền trang trải cuộc sống. Mười nghìn tiền mắm cũng ăn được mấy ngày. Chị Miền gạt tay cười: “Bố mẹ giờ có tuổi ở nhà chăm các cháu, không phải làm gì cả. Em nhỏ để chúng con lo cho. Mẹ cứ yên tâm”.

Quệt ngang dòng nước mắt, bà Mỵ khóc bảo rằng, xót xa lắm. Trước đây, mọi chuyện cày cấy hai nhà nó làm cả. Chồng chị Miền đêm đó cũng đi canh ngao nhưng ở xa hơn. Thuyền chìm nửa tiếng sau anh mới về tới nơi. Anh dằn vặt, sao không về sớm hơn, có lẽ đã cứu sống được vợ và những người khác. Vợ mất, giờ anh ở nhà một nách ba con nhỏ. Đứa nhỏ nhất vừa tròn 28 tháng tuổi. Đêm đêm, con khóc ngằn ngặt đòi mẹ, anh lại nuốt nước mắt vào trong.

Từ hôm xảy ra vụ việc đau lòng, anh con rể thứ ba nhà ông Tiến sợ quá không dám sang nhà. Cứ nhắc tới chuyện đó là toàn thân run lên bần bật. Cả tuần nay, anh này không dám bước chân ra khỏi cổng. Hồn vía lúc nào cũng như trên mây. Anh bảo với bà Mỵ: “Mẹ ơi giờ con chẳng biết làm sao cả. Vợ con ở nhà cũng khóc suốt. Cháu nhỏ mới sinh được 2 tháng nên chưa dám cho sang nhà”.

Lời kể của người từ cõi chết trở về

Chị Trần Thị Thía, vợ anh Sỹ trở thành góa phụ ở tuổi 22. Cưới nhau cuối năm 2011, cháu đầu lòng vừa được 26 tháng tuổi. Trước khi lấy chồng, chị làm công nhân cho Cty may. Vì sức khỏe yếu, lâu lâu mới theo chồng đi biển cào ngao một hôm thì xảy ra vụ việc đau lòng.

15-47-01_2
22 tuổi, chị Thía đã trở thành góa phụ với đứa con nhỏ

Đứa trẻ mân mê chiếc khăn trắng trên đầu mẹ, thỉnh thoảng cầm đồ chơi, đi chân đất chạy khắp nhà. Nhìn đứa con thơ dại, chị Thía lại nấc nghẹn. Phút giây thuyền chìm, anh Sỹ lao mình xuống dòng nước cứu được vợ lên bờ. Thấy những cánh tay chới với, anh lại lao ra cứu thêm được một người nữa thì kiệt sức rồi chìm nghỉm. Nước mắt đã cạn, ôm ghì đứa con nhỏ, chị Thía ngồi lặng thinh như hóa đá.

Bà Trương Thị Ngợi (SN 1963), người may mắn sống sót kể lại, hôm đó hơn 3 giờ chiều bắt đầu theo thuyền đi ra bãi ngao. 4 giờ 30 thì tới bãi. Ra tới bãi, tranh thủ cào được vài rổ thì mọi người dừng tay ăn cơm. Ăn xong, nghỉ ngơi một lúc rồi cào tiếp từ 8 giờ tối đến 2 giờ sáng. Nước lên thì dừng tay. 4 giờ sáng xuống vớt ngao lên thuyền để về nhà. 

“Cào ngao hơn hai chục năm nay, ai nghĩ vào gần bờ rồi vẫn đắm thuyền đâu. Nước có to cũng tầm chỉ 3 m. Sao chìm nhanh quá vậy. Mọi người hô thuyền chìm rồi. Nước từ mũi thuyền dìm một cái thì chìm luôn. Nhanh hơn sét đánh. Chắc chỉ một giây.

Cứ 2-3 ngày, bà Mỵ lại mời bác sỹ đến nhà truyền nước. Sớm tinh mơ, bà mở cửa, ngồi bệt xuống bệ chái ngóng ra phía biển. Bà bảo, chưa tin hai người con đã mất. Ngày nào cũng ngồi ngóng đợi như vậy. Mong một ngày chúng trở về.

Thuyền chìm xuống mọi người vẫn đứng dưới lòng thuyền. Tôi nghĩ thế này chắc không chết đâu. Ai ngờ… Mấy đứa chết trẻ, để lại đám trẻ thơ dại thương lắm. Tôi may có ông đi cồng cồng vào vớt lên mới sống”, bà Ngợi âu sầu.

Về tới nhà, chiều đó bà Ngợi bị sốt cao, co giật tưởng không qua khỏi. Ba ngày sau thì nằm bẹp không lết ra khỏi nhà. Ngày nào bác sỹ cũng phải đến nhà khám, truyền nước. Đây là lần thứ hai bà Ngợi thoát khỏi cái chết. Năm 15-16 tuổi, trong một lần đi đào con giá thì gặp cơn giông. Chiếc thuyền chở bà và 15 người nữa bị lật. Tám người đã nằm lại với biển.

Vẫn phải bám biển

Một đêm đi cào ngao, mỗi người được trả 160 nghìn đồng. Bà Ngợi bảo, sợ thì có sợ, nhưng dăm bữa nửa tháng lại đi biển thôi. Ở nhà trông vào mấy sào ruộng có mà chết đói. Cấy ruộng giỏi lắm chỉ được 2 tạ thóc một sào. Trừ chi phí phân gio, thuốc thang, chuột bọ đi có khi hòa vốn. Vào đợt thu hoạch ngao, cả xã chẳng thấy bóng dáng một người phụ nữ ở nhà. Ai cũng cố giành cho mình một chân cào ngao, bất chấp hiểm nguy rình rập.

15-47-01_4
Nghề đi biển đầy rẫy rủi ro

Cũng như bà Ngợi, bà Nguyễn Thị Huệ (SN 1955) may mắn được cứu sống đêm hôm đó. Giọng thều thào, bà Huệ bảo, cũng nằm liệt giường đến mấy hôm mới lò dò ra khỏi nhà. Đầu đau như búa bổ. Miệng khô khốc không nuốt nổi hạt cơm. Toàn thân đau nhức như vừa bị đánh.

Đi khám, bác sỹ bảo “đầu rối như tơ vò”. Các dây thần kinh, mạch máu bị tắc, phải điều trị ngay còn kịp. Đầu đau đến mức độ không dám sờ tay lên. Một tuần sau cũng chỉ ăn được hớp cháo. Bụng lúc nào cũng như ứ nước.

“Đời tôi chả có bao giờ bị như thế cả. Không hiểu sao lần này tai họa lại nặng như thế. Nhưng xong vài hôm lại phải đi cào ngao thôi. Không làm thì lấy gì mà sống”, bà Huệ nói.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất