| Hotline: 0983.970.780

Nước mắt biển: Thấy chữ là nhức đầu

Thứ Ba 13/01/2015 , 07:35 (GMT+7)

Thuyền là nhà, biển cả là nơi mưu sinh. Cá tôm thuộc loài nào, giống gì, dân làng chài Cao Bình, xã Hồng Tiến (Kiến Xương, Thái Bình) có thể đọc vanh vách. Nhưng nhắc tới chữ nghĩa, họ lắc đầu: chịu thôi!/ Những chuyện thừa sống thiếu chết

Đẻ trên thuyền

Năm 1994, cô gái Nguyễn Thị Rum và chàng trai Nguyễn Văn Lân bén duyên rồi nên vợ nên chồng. Không nhà, không đất, chẳng có nơi tổ chức đám cưới. Bố anh Lân liền đi thuyền dọc bờ biển từ Thái Bình sang Nam Định tìm hôn trường (nơi tổ chức đám cưới) cho đôi trẻ.

Thuyền sang tận xã Giao Hương thuộc huyện Giao Thủy (Nam Định). Cuối cùng cũng tìm ra, đó là một bãi đất trống ven biển. Người bố nghèo khó vào đánh tiếng, xin với chính quyền xã cho mượn tạm bãi đất một hôm làm đám cưới cho con. Lãnh đạo xã Giao Hương chẳng nỡ chối từ.

Chiều đó, mấy chục chiếc thuyền đánh cá làng Cao Bình kéo sang chia vui. Một chiếc bạt được dựng lên nhanh chóng. Tối đó, nhà anh Lân làm cơm thết đãi cả làng.

Sáng hôm sau, đại diện họ nhà trai lên hai chiếc thuyền chạy ngược về họ gái ở xã Nam Hồng (Tiền Hải, Thái Bình) rước dâu. Đón được cô dâu, đoàn thuyền lại quay ngược về hôn trường để tổ chức lễ cưới.

Không loa đài, nhạc nhẽo hay hoa hoét, đám cưới cũng vui ra trò với những màn vỗ tay bôm bốp. Đêm đó, gia đình dành riêng cho cô dâu, chú rể một chiếc thuyền… để động phòng. Chị Rum nhớ lại cười khúc khích.

Cưới thì phải làm giấy đăng ký kết hôn. Khổ nỗi, cả anh Lân, chị Rum không ai biết một chữ bẻ đôi.  “Ông nội biết chữ nên ký vào giấy thay bọn tôi. Chẳng biết làm sao nữa”, chị Rum cho biết. 

Con cái nhà anh Lân hầu như được sinh ra trên thuyền. Cuối năm 1994, gia đình có thêm một thành viên. “Đang thả lưới thì vợ trở dạ, bỏ lưới thì nấy gì ăn. Còn nếu thu lưới xong mất 2 - 3 tiếng thì… vợ đẻ mất rồi. Trạm xá thì mãi trong bờ, thôi thì tự đỡ đẻ vậy”, anh Lân kể chuyện. Nói là làm, hai vợ chồng trẻ loay hoay cùng nhau “vượt cạn trên biển”.

Thấm thoát 20 năm, cô con gái đầu đã đi lấy chồng. Cho đến tận ngày hôm nay, 4 con người nhà anh Lân vẫn lênh đênh trên biển. Đời người chưa biết một tấc đất cắm dùi. Cậu con trai út sinh năm 2006, đang học lớp 4, có nguy cơ phải bỏ học vì điều kiện gia đình khó khăn.

Thấy chữ là đau đầu

Ở Cao Bình, những người từ độ tuổi 30 trở lên, đặc biệt là phụ nữ, gần như 100% không ai biết chữ. Người nào tập tọe ký được tên mình là giỏi lắm rồi.

Chị Nguyễn Thị Thúy (SN 1975) bảo, mấy chục năm phải sống dưới thuyền ai dạy mà biết chữ. Từ thời cha ông, suốt đời ở dưới sông, nơi cửa biển không được lên bờ… Mà lên bờ thì ruộng nương không có lại tiếp tục đi biển thôi. Nhà chị, cả ba con được đi học.

Hai đứa học hết lớp 7, một đứa học hết lớp 8. Coi như tạm ổn. Nhà có 6 người thì 5 đi biển. Duy có cô con dâu ở trên bờ chăm con. “Con cái cũng muốn cho chúng nó học lên nhưng nhà không có điều kiện đành chịu. Lớn rồi mà đi học thì bố mẹ nấy ai đi làm”.

Chị Thúy rủ rỉ, tiền thì tiêu được, nhưng đi đâu phải biết cái chữ mới làm được việc. Mấy năm trước, chị được lên bờ theo học lớp bổ túc xóa mù chữ do địa phương tổ chức. “Nhưng học không vào nữa. Cứ nhớ con chữ tí lại quên ngay, nát hết cả đầu óc. Giờ cứ nhìn thấy con chữ là đau đầu không chịu nổi”.

Được vài ngày, chị bỏ học, về làm bạn với mái chèo tay lưới. Giờ động tới giấy tờ cần ký tá, chị lại xòe tay in mực điểm chỉ. Hiếm khi lên bờ, nên giờ đi đâu dù chỉ ra tới trung tâm huyện, chị Thúy đều phải có người dẫn. Nhiều lần bị lạc, anh em họ hàng tá hỏa kéo nhau đi tìm. Được hôm lên TP. Thái Bình chơi, chẳng hiểu đi xe kiểu gì bị lạc tận… sang Móng Cái (Quảng Ninh).

Đời đi biển, nước lặng thì đánh được cá tôm. Hôm nào biển động thì bỏ neo, đậu thuyền một chỗ. Chị Thúy bảo, mấy năm nay thời tiết thay đổi, gió mùa về nhiều, bà con phải nghỉ suốt. Có khi cả tuần liền cắm thuyền một chỗ.

Bà Nguyễn Thị Minh (SN 1965) xua tay: Nói mà xấu hổ, thế hệ chúng tôi làm gì có ai biết chữ. Đời tôi chẳng mong giàu có gì đâu. Mong sao con cháu được học hành, công ăn việc làm ổn định thôi.

3125955934
Những người phụ nữ ở Cao Bình rất ít người biết chữ nên phải điểm chỉ thay cho việc ký tên

Thôn còn 80 hộ chưa có đất làm nhà. Họ vẫn nay đây mai đó. Nhưng kể cả có cấp đất nhiều hộ cũng không đủ tiền xây nhà. Hộ nào liều đi vay ngân hàng, sau lại gánh nợ chồng chất.

Nhà bà Minh, một đứa học hết lớp 2, một lớp 5, một lớp 9. Thế là hết sức rồi, không còn điều kiện cho ăn học nữa. Làm nghề đánh bắt, đầu tư mỗi chiếc thuyền hết hơn trăm triệu đồng. Mỗi tay lưới đánh cá có giá vài chục triệu đồng. Đâm lao thì phải theo lao.

Dù ở trên thuyền từ nhỏ, bà Minh bảo, vẫn say sóng như thường. Nhưng say đến mấy cũng phải cố mà chịu. Phải ăn sương, nằm gió, giờ chân tay bà Minh bị bệnh khớp hành hạ, không làm việc nặng được nữa. Tâm nguyện về già là được lên bờ, có đất SX cho gần cháu con.

Đẻ nhiều

Nhờ có chính sách cấp đất, đã có 63 hộ được lên bờ. Cuộc sống của người dân ổn định hơn, con cái được học hành. 5 -7 năm về trước, cả thôn chỉ có khoảng 20 trẻ tới trường. Giờ tăng lên được hơn trăm cháu. Trẻ em trong độ tuổi cấp 1 - 2, 40% các cháu được đi học. Nhưng rồi, cứ học hết cấp một là “rụng” dần. Học sinh năm sau ít hơn năm trước.

Giờ cả thôn Cao Bình có duy nhất một học sinh cấp ba. Cũng duy nhất có con ông Nguyễn Văn Lực đậu đại học trên Hà Nội. Nhà ông có đến 11 người con. Ông Lực bảo, thôi mày ở nhà xây dựng gia đình, kiếm miếng mà ăn. 

“Ai biết chữ thì ký, không thì điểm chỉ. Những người biết chữ đôi khi còn không bằng điểm chỉ. Học qua bổ túc, viết được tên mình lên giấy, chữ chẳng giống ai. Nói là chữ ký nhưng mỗi lần ký một khác, xiêu vẹo như say rượu. Kể cả sổ đỏ, đăng ký kết hôn cũng điểm chỉ. Bí quá thì đưa đầu bút bi di di mực vào đầu ngón tay rồi điểm chỉ”, ông Thiệu cho biết.

“Nhưng nó có chí, nhịn đói cũng đi học được. Đây là sinh viên đại học đầu tiên của thôn đấy. Chỉ có khoảng 30 hộ thường xuyên ở nhà, còn lại vẫn đi biển. Họ đi cả tháng mới về thăm nhà một lần”, ông Nguyễn Văn Thiệu, phó thôn phân trần.

Thôn vỏn vẹn 186 hộ nhưng có tới gần 1.000 nhân khẩu. Việc sinh con đẻ cái hoàn toàn không có kế hoạch. Ông Thiệu nhẩm tính, mỗi hộ trung bình có 5 con. Hộ nào đẻ nhiều thì 6-7 đứa, thậm chí hơn chục. Vì phải ra khơi dài ngày, nhiều hộ phải gửi con cho những gia đình trên bờ nuôi hộ. Mỗi nhà bình quân phải nuôi hộ ba đứa đang tuổi ăn học.

Nhà ông Thiệu cũng “được” gửi nuôi ba cháu của người anh trai và cô em gái. Một đứa cấp hai, hai đứa đang học cấp một. Nhiều nhà phải gửi hàng xóm vì anh em cũng đi biển hết.

Ngoài trẻ nhỏ, cả thôn có hơn 30 cụ già phải sống cảnh neo đơn. Chỉ khi nào ốm đau, bệnh nặng mới gọi con về chăm sóc.

Nghề đi biển như đánh bạc, ngày được tiền triệu khi chẳng được đồng nào. Những hộ giã từ nghề biển thì ở nhà buôn bán. Người thì đi lên thành phố chạy chợ, phụ hồ, xe ôm… để sống qua ngày.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm