| Hotline: 0983.970.780

'Nước mắt chảy xuôi'

Thứ Hai 11/05/2015 , 09:30 (GMT+7)

Nước mắt chảy xuôi, hãy kiên nhẫn, hãy ân cần, hãy nhún nhường để có êm đẹp, rồi ra sẽ có dễ chịu.

Chị kính mến!

Tôi là một người bất hạnh đủ đường chị ạ. Lớn lên ở quê nhà, bị lai lịch là con cái địa chủ nên dù học giỏi ở huyện, cũng không được đi đại học. Tôi chỉ được đi học trung cấp và làm giáo viên quèn cho đến khi về hưu.

Không thành với mối tình đầu (cũng do anh ngại lý lịch của gia tộc tôi), tôi không yêu ai nữa. Các anh chị tôi mỗi người một nơi, dần dần cũng có vị trí và con cái họ, lại phong độ chuyện học hành.

Bà chị cả của tôi khi đã tuổi cao sức yếu, được con mang vào Bình Dương với nó. Tôi em út, ở thị trấn quê nhà, có ngôi nhà nhỏ trên mảnh đất nhỏ. Chị thấy tôi về hưu hiu quạnh, chị giục tôi bán tất cả theo chị vào Nam.

Còn gì hơn khi chị và em ở cạnh nhau lúc tuổi già. Cháu trai tôi có vườn tiêu và điều khá rộng. Cháu cho tôi dựng nhà ở góc vườn, cách nhà nó vài cái nền.

Tôi bảo tôi mua nền đất này, nó nhất định không lấy tiền, chị tôi cũng nói, dì út không con cái, cũng đâu để cho ai ngoài nó.

Như thế là vẹn cả đôi bên. Tôi có nhà riêng xây bằng tiền của mình, cháu chăm sóc dì thì nhà này sẽ để phần cho cháu sau khi tôi đời, tôi nghĩ vậy.

Tôi rào nền thổ cư của mình bằng lưới B40, để có muốn nuôi con gà con vịt gì thì cũng không xâm phạm đến vườn của cháu. Trong rào tôi trồng rau, trồng những thứ dây leo cho mát.

Nhưng chị của tôi bỗng khó chịu. Các cháu, cháu trai và cháu dâu cũng khó chịu. Chị tôi không cho tôi trồng bất kỳ cây lưu niên nào, điều đó tôi hiểu, rễ cây lưu niên sẽ lan rộng, có hại đến việc trồng trọt của nhà cháu.

Nhưng trồng cây ớt, cây cảnh trước cửa nhà, chị tôi và vợ chồng cháu trai cũng không ưng.

Tôi làm sao bây giờ hở chị? Đã thương thì thương cho trót, tôi trồng màu chứ có trồng cây ăn trái đâu. Mà có đọt rau hay trái chanh trái ớt thì lối xóm được nhờ, khi chị và cháu thiếu thì nhà tôi có, vui thêm chứ có gì mà cấm đoán, đúng không chị?

Tôi hối hận vì mình đã không mua đất mà mang tiếng ở nhờ. Tôi cũng không ngờ tình chị em sau bao nhiêu năm xa cách, nay lại trở nên thế này.

Dở khóc dở cười, tôi viết thư tâm sự với chị cho nguôi thôi. Tôi sống trong hàng rào, may có Internet làm bạn. Chị tôi mới bất hạnh, già, yếu, lương hưu con dâu quản lý, vợ chồng nó sai trái cũng không dám ho he.

Mong chị dành ít thời giờ chia sẻ với tôi.

-----------------

Chị thân mến!

Từ lai lịch, tính ngược, suy ra, chị chắc là trang lứa với tôi. Nếu đúng như thế thì chị cũng đã đi gần trọn cuộc đời. Một cuộc đời cô đơn vì lai lịch mà cắm ở quê, cam phận giáo viên quèn và không chồng, không con.

Tưởng vào Nam với chị cả thì ấm cúng, đâu ngờ quan hệ lại trục trặc kiểu ấy. Tôi không nghĩ cháu trai và cháu dâu chị tiếc mảnh đất nhỏ. Một cái nền, một chút sân, một vài cây cảnh và đám rau, sao lại mất mát gì mà chúng chướng mắt?

Với bà chị ruột của chị, tôi nghĩ đây là giai đoạn trái tính của người già. Chị ơi, ai rồi cũng phải qua lúc này cả. Người khi trẻ dữ tính, sau đổi lại đâm ra hiền từ trong khi người từng được tiếng dễ dãi thì lại cáu gắt, khó chiều.

Nên nghĩ ở góc độ này mà thể tất. Và cũng để âu lo, tuổi gần đất xa trời của bà chị đã kề, không mấy nữa đâu, đừng chấp nê rồi sẽ có lúc ân hận.

Đáng lẽ chị phải nhìn thấy cảnh vợ chồng cháu trai nó tức mắt, nó ghẻ lạnh do va chạm chi đó. Lý ra phải mua cho bằng được cái nền để mình dễ xử, tùy nghi. Mình có thể bán đất và nhà đi để vui sống ở một nơi khác.

Ở đây, đất nhờ nhưng nhà của mình, làm sao. Có câu, danh có chính thì ngôn mới thuận, vẫn phải chịu ơn cháu mà đi cũng dở ở cũng không xong.

Chỉ biết khuyên chị thôi thì, bát chén trong chạn còn có khi khua. Chị cả và vợ chồng cháu trai muốn gì mình chiều hết.

Rồi bà chị sẽ theo ông bà, mình cũng sẽ già thêm, các cháu cũng sẽ già, hy vọng khi đó nó sẽ hiểu ra và điều chỉnh “chính sách” với dì. Nước mắt chảy xuôi, hãy kiên nhẫn, hãy ân cần, hãy nhún nhường để có êm đẹp, rồi ra sẽ có dễ chịu.

Nói thêm, người phụ nữ không lập gia đình, tính khí cũng không dễ gần, nên xem lại mình để điều chỉnh quan hệ với người thân, chị nhá.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất