| Hotline: 0983.970.780

Nước mắt góa phụ làng chài

Thứ Hai 04/03/2013 , 10:16 (GMT+7)

Người chết đã nằm yên dưới cỏ, để lại những goá phụ và đàn con thơ dại cùng nợ nần chồng chất càng khiến không khí xóm chài thêm cô quạnh.

Đã 7 ngày kể từ ngày vụ nổ tàu đánh cá khiến 9 ngư dân bị thương và thiệt mạng, làng chài thôn Liên Thành (xã Hải Châu, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) vẫn bao trùm không khí tang tóc.

Người chết đã nằm yên dưới cỏ, để lại những goá phụ và đàn con thơ dại cùng nợ nần chồng chất càng khiến không khí xóm chài thêm cô quạnh.

Đại tang nơi làng chài

Khoảng hơn 19 giờ ngày 26/2, thôn Liên Thành bỗng nháo nhác bởi tiếng vợ gọi chồng, con gọi cha, anh gọi em.... Rồi tiếng kêu khóc, tiếng bước chân người nhằm thẳng cửa biển trước mặt mà chạy… Hung tin 9 người con của làng trong chuyến đi biển đầu năm gặp nạn khiến người ở nhà đau đớn, bàng hoàng.

5 người bị thương đã được khẩn trương đưa vào bờ cứu chữa. Từ đêm 26/2 đến 1/3, sáu chiếc tàu cùng hàng trăm ngư dân xã Hải Châu và một số tàu khác được huy động tham gia tìm kiếm 4 người mất tích. Khả năng sống sót của các nạn nhân là không nhiều, bởi qua kiểm tra con tàu cho thấy đây là vụ nổ có sức công phá tương đối mạnh.

Chiều ngày 27, nửa phần bên trên thi thể của ông Phạm Văn Hồ (sinh năm 1958) được đưa vào bờ. Sáng 28, người ta tiếp tục đưa thi thể Nguyến Văn Trọng (SN 1974) và Phạm Văn Hoài (SN 1984) vào bờ trong tình trạng bị bầm dập, biến dạng. Tối ngày 1/3, một phần thi thể cùng những mảnh quần áo, mũ, điện thoại của Nhớ được lực lượng cứu hộ rà tìm thấy.

Hàng nghìn ngư dân không cầm được nước mắt, người thân của các nạn nhân đã khóc ngất bên bờ biển khi trông thấy thi thể của người thân không còn nguyên vẹn.


Vợ và con ông Hồ trước di ảnh ông Hồ và anh Nhớ

Ông Bùi Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Châu, cho hay: “Đến đêm 28/2 rạng sáng 1/3, chúng tôi quyết định ngừng công tác cứu hộ. Bởi có đợt gió mùa tràn về, nếu tiếp tục tìm kiếm sẽ không đảm bảo an toàn cho lực lượng cứu hộ. Theo kinh nghiệm của những người đi biển, có gió mùa biển sẽ động, sóng lớn, hy vọng những phần thi thể còn lại có thể sẽ nổi lên và dạt vào bờ…”.

15 giờ ngày 1/3, đám tang cuối cùng của Nhớ được hoàn tất. Mộ của Nhớ xếp đầy hoa trắng. Dòng người đưa tiễn những người xấu số ra về trong câm lặng. Những đôi mắt sưng húp, đỏ hoe ngoái nhìn lại dãy mộ xếp dài giữa nghĩa trang Chòi Ròng Rọc của xã, như muốn nói lời tiễn biệt với những người nằm sâu dưới mộ.

Nước mắt góa phụ

Xóm chài Liên Thành những ngày này, mọi hoạt động đều bị ngừng lại. Đâu đâu cũng gặp những gương mặt hốc hác, thất thần, ánh mắt đỏ hoe, bàng hoàng, những vành khăn trắng phủ kín đầu. Vào gia đình anh Hoài, thắp nén hương cho người xấu số, chúng tôi không cầm được nước mắt khi bên cạnh ban thờ anh Hoài là chiếc giường của vợ con anh Hoài, trên đó một phụ nữ trẻ tay bồng đứa con gái chưa tròn tháng.


Cháu Phạm Gia Bảo (con trai đầu của anh Phạm Văn Hoài) trước bàn thờ bố

Chị là Nguyễn Thị Trang, 25 tuổi. Tai họa bất ngờ giáng xuống khiến người phụ nữ trẻ ngồi như câm lặng trong góc giường. Đứa trẻ dường như bú không no sữa, thi thoảng khóc thét lên như mũi dao khoan vào lòng những người xung quanh.

Bà Phạm Thị Quân (bà cô của chị Trang) trò chuyện trong tiếng khóc nghẹn: “Vợ chồng cháu Trang có hai đứa con. Cháu trai đầu mới 4 tuổi. Cháu Trang mới sinh cháu gái thứ hai, ngày bố gặp nạn cháu mới được 15 ngày tuổi. Vợ chồng dành dụm và vay mượn mua đất làm nhà ra ở riêng được 2 năm nay.

Cuối năm ngoái, vợ chồng cháu Trang cùng ông Hồ (bố anh Hoài) gom góp được 60 triệu, vay mượn thêm 300 triệu cải hoán được chiếc tàu. Mới đi được mấy chuyến mà tàu và người đã gặp tai ương. Tối 26, gia đình nhận được hung tin. Giờ chồng chết bỏ lại vợ dại, con thơ cùng đống nợ… Khổ thân cháu quá!”

Năm 2009, anh trai đầu chị Trang cũng chết mất xác trên biển, bỏ lại người vợ trẻ và đứa con gái cũng mới sinh vài ngày tuổi. Anh trai thứ hai là Nguyễn Văn Hoàng cùng đi trên tàu bị nạn, may mắn thoát chết hiện đang điều trị tại BV huyện Tĩnh Gia. Trên đầu người phụ nữ trẻ này trong cùng một ngày phải đeo 4 vành khăn tang (bố chồng, chồng, em trai chồng và người anh nhà bác (anh Trọng).

Trong hai gian nhà lợp froximang chật chội, cháu bé con trai đầu của anh Hoài, chị Trang mới lên 4 tuổi, đầu chít khăn tang dài hơn người cứ chạy tung tăng hết chỗ này đến chỗ kia. Cháu còn quá nhỏ để cảm nhận sự mất mát không gì bù đắp mà mẹ con mình đang phải gánh chịu.

Cách nhà chị Trang hơn 100 m là nhà ông Hồ. Giữa căn nhà còn mới màu sơn, bàn thờ với 2 di ảnh của ông Hồ và con trai (anh Nhớ) nghi ngút khói hương. Vợ ông Hồ nhỏ thó, già hơn tuổi 52 đến chục tuổi. Bà chẳng còn đủ sức để khóc chồng, gọi con. Trong vài năm, người phụ nữ bé nhỏ này đã phải chịu nỗi đau mất chồng và 3 đứa con trai (cách đây vài năm một đứa lên 10 tuổi bị chết đuối).

Được biết, ông bà lấy nhau, ở mấy chục năm trong căn nhà tranh tre gần bờ biển. Năm lần mười lượt, bão đánh đổ sập nhà. Mãi sau, ông bà mua được miếng đất trong làng. Căn nhà mái bằng này ông bà mới làm xong được mấy tháng, đang còn vay nợ 160 triệu.

Được biết, xã Hải Châu có tới trên 600 lao động trực tiếp tham gia khai thác, đánh bắt thuỷ sản trên biển. Tai nạn trên biển khó lường và thường xuyên xảy ra. Chị Thịnh, chị Trang, vợ ông Hồ... chỉ là ba trong số hàng chục goá phụ chịu cảnh mất chồng, mất con nơi xóm chài nghèo này.

Những ngày qua, nghe hung tin và nhận về những thi thể không còn nguyên vẹn của chồng, con, bà chết đi sống lại mấy lần. Nhất là nghĩ đến cậu con trai tên Nhớ. Khi tạm biệt mẹ ra đi, cậu con trai khôi ngô, tuấn tú cao trên 1m7, nặng gần 60 kg. Chỉ trong vòng mấy ngày, bà nhận con về chỉ còn là nhúm thịt. Bà chỉ muốn chết theo Nhớ, Hoài và ông Hồ.

Trong căn nhà giờ quạnh quẽ, chỉ còn lại bà và người con trai út đang học lớp 10. Bao nhiêu năm nay, mọi công lớn việc nhỏ trong nhà do ông Hồ và các con trai lo liệu. Giờ trụ cột trong nhà không còn, lại nợ nần chồng chất, không biết người đàn bà goá phụ này sẽ xoay sở ra sao?

Gia đình anh Trọng (cháu ruột ông Hồ), một trong 4 nạn nhân tử nạn trên cũng có hoàn cảnh hết sức bi đát, thương tâm. Mấy năm nay, anh Trọng không còn đi biển mà đi làm thuê tận Hà Nội, Sài Gòn. Mới đầu năm Quý Tỵ, thấy bố con người chú đóng tàu mới, anh mới trở lại đi biển thì tử nạn.

Anh Trọng chết để vợ là chị Trần Thị Thịnh và 4 đứa con đang tuổi ăn học; đứa lớn nhất lớp 11, đứa bé mới học lớp 2. Chị Thịnh không biết làm gì hơn ngoài nghề làm muối, cái nghề dân gian vẫn nói “chưa ráo mồ hôi là hết tiền”. Mỗi ngày, nếu trời nắng ráo, muối bán được giá cũng chỉ thu nhập 50.000đ. Rồi đây, chị Thịnh có đủ sức cáng đáng gánh nặng mà chồng chị để lại?

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm