| Hotline: 0983.970.780

Nước mắt tai xanh

Thứ Hai 27/08/2012 , 10:06 (GMT+7)

Trong khi người chăn nuôi một mực khẳng định lợn của họ chết do dịch tai xanh thì cán bộ thú y cơ sở lại cho rằng, mẫu xét nghiệm tại địa phương cho thấy lợn bị dịch tả?

Trong khi người chăn nuôi một mực khẳng định lợn của họ chết do dịch tai xanh thì cán bộ thú y cơ sở lại cho rằng, mẫu xét nghiệm tại địa phương cho thấy lợn bị dịch tả?

>> Người nuôi gà bỏ nhà biệt xứ

Dù là dịch bệnh gì đi chăng nữa, hàng chục, thậm chí hàng trăm hộ nuôi lợn tại huyện Đại Từ, Thái Nguyên đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ.

SỐNG CHẾT MẶC BAY

Anh Trần Văn Thản, một hộ nuôi lợn tại xóm Chuối, xã Ký Phú (Đại Từ) bức xúc cho biết, khi thấy lợn bị dịch chết vứt đầy sông suối bốc mùi hôi thối gây ô nhiễm môi trường, anh báo chính quyền địa phương vào tiêu hủy. Tuy nhiên, cán bộ xã “cưỡi ngựa xem hoa” xong chắp tay đi về với lý do không có kinh phí nên gia đình phải tự tiêu hủy, may vừa rồi có trận lụt nên lợn chết trôi ra hồ Núi Cốc chứ quanh khu vực xóm Chuối hết sạch chỗ vứt xác lợn.

Quay trở lại vấn đề thua lỗ do trượt giá và dịch bệnh, anh Thản thú thật, năm ngoái giá lợn lên đỉnh điểm anh lãi được 300 triệu đồng. Nhưng từ đầu năm đến nay số tiền trên đã đội nón ra đi sạch bách và chưa có dấu hiệu cho thấy sẽ dừng lại. Với giá lợn hơi hiện nay là 34.000 đồng/kg lợn lai và 40.000 đồng lợn siêu nạc, mỗi con lợn 70kg - 1 tạ anh Thản lỗ ít nhất 500.000 đồng, chưa kể bị mất trắng do lợn bị chết dịch. Đằng nào xác định cũng lỗ nên anh Thản liều mình găm hơn 100 con lợn thịt chờ được giá trong cảnh lo âu thấp thỏm.

Cùng ở xóm Chuối, anh Lê Văn Lập không được may mắn như vậy, trận dịch vừa qua 70 con lợn chuẩn bị đến lứa xuất chuồng của anh chết sạch, tổng thiệt hại hơn 100 triệu đồng. Gặp chúng tôi, anh buồn bã tâm sự: “Chưa khi nào chăn nuôi chán như hiện nay chú ạ! Bao nhiêu năm tích cóp được chút vốn liếng giờ trắng tay! Lúc thấy lợn có dấu hiệu bị dịch tai xanh tôi gọi điện cho chuyên gia thú y, họ tư vấn cố gắng cứu chữa vẫn sống được 80%. Tôi mua mất mấy chục triệu tiền thuốc về chữa nhưng không ăn thua. Đến ngày thứ 12, lợn bắt đầu nổi mụn, xanh tai, xanh bụng và chết rất nhanh. Giá như tôi cứ bán tháo đàn lợn đó đi chắc vẫn gỡ gạc được vài ba chục triệu, đằng này tham giữ lại nên giờ mới ra nông nỗi này”.

Cũng bức xúc về sự thờ ơ của cán bộ thú y địa phương, anh Lưu Xuân Thu ở đội 1, xã Vạn Thọ cho rằng, sự tắc trách của cán bộ thú y là nguyên nhân khiến dịch lây lan như hiện nay. Theo đó, khi gia đình anh và các hộ lân cận bị dịch báo lên xã, xã báo lên thú y huyện thì được báo lại không có hỗ trợ. Vì vậy, gần như 100% các hộ gia đình phải bán chạy lợn mong gỡ gạc được vài đồng tiền cám, nhà nào lợn chết, tử tế thì tự đem đi chôn, không thì đem ra ngoài suối vứt.


Gia đình anh Lưu Xuân Thu may mắn giữ lại được 8 con lợn nái 
không giờ cũng trắng tay

Bản thân gia đình anh Thu sau khi chết 2 con lợn 1 tạ, 1 đàn lợn rừng 15 con đã phải cắn răng bán tháo 1 tấn lợn (40-60kg/con) với giá 8,6 triệu đồng, tính ra chưa được 9.000 đồng/kg. May mà 8 con lợn nái to vật vã thương lái trả 500.000 đồng/con anh Thu tiếc của không bán giữ lại chữa trị mới còn lại chút tài sản, nếu không giờ cũng trắng tay.

Anh Thu khẳng định, nếu được hỗ trợ bản thân anh và các hộ gia đình khác sẽ giữ lợn lại để chữa trị hoặc tiêu hủy theo quy định, nhưng đằng này không được hỗ trợ một nghìn nào buộc người chăn nuôi phải bán để gỡ gạc tiền cám nên dịch cứ thế lây hết từ vùng này qua vùng khác. Một điều khiến anh Thu thấy lạ, trong khi công bố không phải dịch tai xanh nhưng phác đồ điều trị bên thú y gửi về các loại thuốc anh mua đều ghi rõ để điều trị bệnh tai xanh chứ không phải dịch tả?

Bản thân ông Trường khi được hỏi cũng không nắm được hiện toàn huyện số lượng đầu lợn là bao nhiêu và cụ thể khu nào đang bị dịch. Với lí do lực lượng mỏng ông Trường cho biết Thú y của huyện không thể nơi nào báo có dịch cũng tới được còn việc tiêu hủy chính quyền xã và hộ chăn nuôi phải tự làm, thú y huyện không làm thay được và nói thẳng ra cũng không nắm được.

Câu trả lời của ông Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Đại Từ là minh chứng rõ nhất nguyên nhân vì sao dịch bệnh tại địa phương này lây lan nhanh và rộng đến vậy.

Chúng tôi tìm tới Trạm Thú y huyện Đại Từ thắc mắc tại sao dịch tai xanh như vậy mà địa phương không công bố thì được ông Bùi Văn Trường, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện cho biết, sau khi lấy 1 mẫu lợn chết tại xã Vạn Thọ gửi lên Chi cục Thú y thì được báo về lợn bị dịch tả, không thuộc diện được hỗ trợ nên ông cũng chỉ thông báo lại để các xã phổ biến người chăn nuôi.

ĐỔ NỢ

Về chuyên môn, 1 mẫu xét nghiệm tại xã Vạn Thọ không thể khẳng định toàn bộ lợn bị chết trong toàn huyện Đại Từ là do tả, và người chăn nuôi tại đây khẳng định, với các triệu chứng mắc phải trước khi chết như sốt đỏ, bỏ ăn, thở dốc, đi ngoài, lợn nái đẻ non, sau xuất hiện màu xanh ở tai, bụng nhất định là dịch tai xanh chứ không thể là dịch tả như thú y địa phương công bố.

Tuy nhiên, quyết định công bố bệnh gì đã được thông báo, và hành động này tác động rất nhiều tới tình hình dịch bệnh, chăn nuôi tại huyện Đại Từ và các vùng lân cận. “Đây không phải lần đầu dịch bệnh tràn qua Đại Từ, nhưng đây là tai họa kép đầu tiên trong cuộc đời chăn nuôi chúng tôi hứng chịu. Nguyên việc giá lợn hơi rẻ như cho kéo dài hơn 4 tháng qua đủ dìm người chăn nuôi xuống đáy bùn, nay lại thêm dịch tai xanh khiến nhiều hộ đứng trước nguy cơ phá sản, vỡ nợ”- một hộ chăn nuôi chia sẻ.

Hỏi người dân xã Ký Phú ai cũng biết anh H ở xóm Đặn, lúc chăn nuôi được mùa, được giá, người dân lúc nào cũng thấy anh vui vẻ, phấn khởi ra mặt. Nhưng khi tìm vào nhà anh thì một hình ảnh đập vào mắt chúng tôi hoàn toàn trái ngược. Quần áo xộc xệch, đầu tóc rồi bù, mặt đăm chiêu anh H thở dài khi có người hỏi về lợn.

Trang trại của anh H thuộc diện lớn nhất xã Ký Phú với hàng trăm đầu lợn thịt và lợn nái. Nhưng hiện giờ trong chuồng chỉ còn lại vài chục lợn nái, lợn thịt gần như ra đi toàn bộ sau đợt dịch vừa qua. Anh H đề nghị chúng tôi giữ kín tên cho anh bởi bây giờ mà viết lên báo, ngân hàng rồi các đại lý cám biết anh nợ như chúa chổm thì vợ con anh có nguy cơ ra đường ở vì mất nhà. Sau cái tát của thị trường và cú vả của dịch tai xanh, anh H còn nợ ngân hàng và đại lý cám gần 1 tỷ đồng nhưng hiện mất khả năng chi trả.

Giờ buổi chiều nào mấy anh em cùng hội chăn nuôi quanh khu vực xóm Đặn cũng tụ tập về nhà anh H động viên chia sẻ kinh nghiệm cho nhau để cùng vượt qua cơn hoạn nạn quá lớn này. Các hộ chăn nuôi có mặt tại nhà anh H tha thiết nhờ chúng tôi thông tin giúp làm sao để các ngân hàng “bao dung, độ lượng” cho họ giãn nợ.

Đợt dịch bệnh vừa qua, rất ít hộ chăn nuôi thoát nạn, nhỏ lẻ chết một kiểu, trang trại lớn chết một kiểu. Khi biết chúng tôi tìm hiểu viết bài về dịch tai xanh, bà Nguyễn Thị Huệ ở xóm Trại, xã Vạn Thọ rơm rớm nước mắt tâm sự, năm ngoái chăn nuôi lãi được vài đồng vợ chồng bà đầu tư xây chuồng trại khang trang để nuôi được nhiều hơn. Nhưng khi đàn lợn đầu tiên được nuôi ở chuồng mới cũng là lúc giá cả xuống thấp, dịch bệnh hoành hành. Sau khi bị chết mất 2 con lợn nái, đi hỏi xã được biết không có hỗ trợ gia đình bà Huệ đành bán chạy 2 đàn lợn 24 con (50 - 80kg/con) được vài triệu đồng, tổng kết lại vẫn nợ tiền đại lý cám hơn 20 triệu đồng.

Còn với anh Lê Văn Lập ở xóm Chuối, xã Ký Phú, để giải quyết khó khăn trước mắt khi cạn kiệt vốn, anh bắt tạm mấy trăm con gà mía về thả vào chuồng lợn lấy ngắn nuôi dài với hy vọng thị trường chăn nuôi sẽ phục hồi dịp cuối năm. Nhưng anh Lập hiện cũng chưa biết kiếm đâu ra tiền để mua giống mới tái đàn bởi kinh tế gia đình đã thực sự khánh kiệt.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hàng trăm tấn rong trôi dạt vào biển Đồ Sơn, Cát Bà là rong mơ

HẢI PHÒNG Những ngày vừa qua, tại khu vực biển thuộc quần đảo Cát Bà và Đồ Sơn xuất hiện hàng trăm tấn rong trôi dạt vào bờ, rồi tràn lên các bãi tắm.