| Hotline: 0983.970.780

Nước ngập trắng đồng, nông dân ngụp lặn 'cứu vớt' lúa

Thứ Năm 26/05/2016 , 19:31 (GMT+7)

Sau trận mưa lớn đêm 25/5 rạng sáng 26/5, gần 400ha lúa đang chuẩn bị thu hoạch của người dân huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) chìm trong biển nước. Giữa cánh đồng mông mênh nước, hàng trăm người nông dân thoi thóp, ngụp lặn cứu lúa. Nếu như trời tiếp tục mưa, rất có thể, người dân sẽ trắng tay./ [Ảnh]: Đồng lúa Vĩnh Phúc chìm trong biển nước

Một ăn non, hai tay trắng

Trận mưa kể trên ước đạt khoảng 300mm. Sau cơn mưa, trời bừng nắng nhưng oi nồng, không một giọt gió. 12h trưa 26/5, trên cánh đồng huyện Lập Thạch, hàng trăm người dân vẫn ngụp lặn vớt lúa. Có những diện tích, chẳng thấy lúa mà chỉ có… đầu người lố nhố.

Kéo bạt lúa cách bờ khoảng 30 m, tôi chỉ thấy đầu của bà Trần Thị Tứ, 74 tuổi, xã viên xã Tiên Lữ. Vào gần tới bờ, bạt lúa bị lật nghiêng, chìm nghỉm trong nước bùn đục ngầu. Tôi vội quàng chiếc máy ảnh ra đằng sau, xắn quần áo giúp bà Tứ vớt lúa. Bà Tứ cho biết, nhà chỉ trông vài sào lấy thóc đủ ăn thôi. Nhà có hai con, một đi công tác xa, một đi làm công nhân ở khu công nghiệp. Mọi chuyện đồng áng mình bà lo toan.

“Khổ lắm chú ơi, lúa chuẩn bị thu hoạch ai dè lại mưa ngập hết thế này. Từ sáng tới giờ, may có mấy đứa cháu giúp, tôi kéo lên bờ xếp lại rồi chở về. Năm ngoái cũng bị mưa ngập, nhưng năm nay thì ngập nặng hơn, chẳng biết phải làm sao nữa”, bà Tứ than thở.

Ông Khương Văn Thông, thôn Mới (xã Tiên Lữ) phàn nàn, mưa gì mà mưa khiếp thế, mưa từ 4 giờ chiều hôm trước tới tận rạng sáng hôm sau. 3 sào lúa chỉ một tuần nữa được thu hoạch, nay “biến mất” chỉ trong một đêm. Sáng 26, ông chạy mấy xã mới thuê được người gặt khoán. Tiền công 200 nghìn đồng 1 sào, nhưng mới vớt được 2 sào. Một sào còn lại ngập sâu quá chưa vớt được.

16-42-18_3
Dùng sức trâu kéo lúa ướt về nhà

“Khổ lắm chú ơi, năm nào mà cũng ngập như này thì nông dân chúng tôi lấy gì mà sống. Năm một vụ chỉ trông chờ vào mấy hạt thóc, củ lạc. Làm thì như vậy, mà không làm lại mang tiếng nông dân bỏ ruộng, phải đi đong thóc ăn, ngại lắm”, một người dân xã Đồng Ích than thở.

Lúa ướt ròng ròng, ông Thông vẫn gọi máy suốt ra tận bờ. Rồi ông tung vội tấm bạt, làm sân phơi “dã chiến” ngay mép ruộng. Lúa ngâm nước một đêm, gặt lên gặp nắng ngay, đổi màu đen xỉn, mùi hăng xộc vào mũi. “Mọi vụ, tốt lắm thì được 1,8 tạ một sào, cứ như năm nay, tới khi thóc khô, được một tạ là may mắn lắm rồi”, ông Thông kể lể.

Bà Hà, xã Đồng Ích, một mình lõm bõm gặt lúa giữa cánh đồng. Hơn 6 sào lúa Thiên ưu 8, đứng trên bờ, nhìn chỉ thấy phất phơ.

“Con cái nhà, đứa đi làm ăn xa, đứa thì công tác, nhà chỉ có hai ông bà già, nuôi thêm đứa cháu nhỏ. Ông ấy thì phải ở nhà trông cháu, mình tôi ra vớt lúa. Xe bò dựng sẵn, thấy được lưng lửng thì tôi về đổi ca trông cháu để ổng ra kéo về”. Ngụp lặn trong nước, cánh tay bà Hà xước dọc ngang vì bị lá lúa cứa vào. Thậm chí, còn bị đỉa hút, máu chảy ướt đẫm.

Chưa ước tính được thiệt hại

Tính đến chiều 26/5, hai xã của huyện Lập Thạch có diện tích lúa bị ngập nhiều nhất là Sơn Đông (136ha), Tiên Lữ (108ha).

Ông Đào Quang Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Lữ cho biết, vì thuộc vùng đồng chiêm trũng, nên thường xuyên bị ngập úng vào mỗi mùa mưa. Năm 2015, một nửa diện tích trồng lúa của Tiên Lữ bị ngập úng.

16-42-18_5
Tận dụng tỉnh lộ làm sân phơi thóc, rơm rạ

Trong đó, người dân vớt vát lại được khoảng 30%. Tuy nhiên, hiếm có năm nào Tiên Lữ bị ngập úng nặng như năm nay. Trong khi đó, đời sống kinh tế của người dân Tiên Lữ gần như phụ thuộc hoàn toàn vào mấy sào lúa.

Dọc đường TL306, người dân các xã tận dụng làm sân phơi thóc, rơm rạ. Thậm chí, cả khu vực trong UBND các xã, những hộ ở gần xin phép được phơi thóc, cố gắng vớt vát từng hạt thóc “ngậm” no nước.

Ngoài diện tích 108ha lúa, hơn 10ha lạc vùng bãi màu của người dân cũng bị nước mưa nhấn chìm. Theo ông Hà, chỉ độ một tuần nữa, người dân sẽ xuống đồng thu hoạch. Nhưng nay, vì điều kiện ngập úng, người dân bắt buộc phải thu hoạch bất chấp lúa còn non.

Ông Hà khẳng định, nếu đêm và ngày 27/5, trời tiếp tục mưa, 100% diện tích lúa tại Tiên Lữ sẽ “biến mất”. Còn như nếu không mưa, cũng phải từ 3 – 4 ngày, lượng nước trong ruộng mới có thể rút hết. Như vậy, nếu người dân không gặt chạy xong, khi nước rút, lúa đã bị thối và mọc mầm...

Cũng trong chiều 26/5, PV NNVN đã làm việc với Phòng NN-PTNT huyện Lập Thạch để nắm bắt tình hình thiệt hại ban đầu. Ông Nguyễn Đức Nhã, Phó trưởng phòng NN-PTNT cho biết, gần 400/3.950ha lúa bị ngập úng chủ yếu nằm ở các xã phía nam của huyện Lập Thạch. Về cơ bản, có 10/20 xã, thị trấn có diện tích đất SXNN bị ngập lụt do ảnh hưởng của mưa lớn. Đây cũng là những xã chiếm diện tích đất trồng lúa chủ yếu của huyện.

Ông Nhã ví, 10 xã này như cái rốn nước của huyện Lập Thạch. Ngay trong đêm 25/5, 20 cán bộ thủy nông cùng cán bộ xã Triệu Đề đã có mặt ở cống Đề trực chiến, nhưng chỉ mở được 2/3 cửa xả.

Cũng theo ông Nhã, Phòng NN-PTNT huyện ngay trong sáng 26/5 đã cử cán bộ đi xuống các xã nắm bắt tình hình, ghi nhận thiệt hại ban đầu. Cụ thể thiệt hại, hiện chưa ước tính được vì phải đợi nước rút và người dân thu hoạch xong mới có kết quả.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm