| Hotline: 0983.970.780

Nước sạch ở xứ răng đen

Thứ Ba 20/11/2012 , 10:05 (GMT+7)

UBND tỉnh Bình Định đã kịp thời xây dựng công trình nước sạch, giúp người dân ở xã Nhơn Tân (TX An Nhơn) giải quyết vấn đề về răng và xương khớp.

Do sử dụng nguồn nước bị nhiễm fluor nặng, nhiều người dân ở xã Nhơn Tân (TX An Nhơn, Bình Định) bị mắc các bệnh về răng và xương khớp. Trước bức xúc của người dân, UBND tỉnh Bình Định đã kịp thời xây dựng công trình nước sạch, giúp người dân địa phương giải quyết vấn đề nói trên.

Nhà bà Huỳnh Thị Cảnh ở xóm Quế Châu, thôn Nam Tượng, xã Nhơn Tân có 4 người con. Từ lớn đến nhỏ, răng của con bà Cảnh đều bị trắng đục, đốm nổ, lâu dần chuyển sang màu đen mốc và vỡ từng mảng. "Đứa nhỏ thì còn đỡ, đứa đến tuổi biết làm duyên, mỗi lần nó cười phải lấy tay che miệng, trông tội nghiệp lắm”, bà Cảnh than thở.

Trước đây, người dân địa phương cứ ngỡ răng đổi màu men, hư răng là do thói quen ăn trầu, hút thuốc nhưng thực tế những người không ăn trầu, hút thuốc cũng vẫn bị hư răng. Có người bị đau răng, viêm loét lợi kinh niên làm mất cảm giác cả vùng mặt. Qúa lo lắng, người dân ở đây đã nấu nước chín để uống và súc miệng, hoặc đi xin nước ở địa phương khác về dùng.

Nhà nào kinh tế khá giả hơn thì mua nước tinh khiết hoặc nước khoáng để uống. Thậm chí có người đã đi khắc phục răng bằng cách cà trắng răng, nhưng vô hiệu, răng chỉ trắng được một thời gian ngắn rồi cũng tiếp tục bị vàng ố và hư hỏng.

Năm 2006, ngành chức năng trong tỉnh Bình Định đã tiến hành kiểm tra nguồn nước ngầm tại thôn Nam Tượng, xã Nhơn Tân. Kết quả cho thấy, hàm lượng fluor trong nước tại địa phương này rất cao. Ngoài ra, nguồn nước ngầm ở đây còn bị nhiễm một số chất hữu cơ. Những hiện tượng trên được xác định là nguyên nhân gây ra bệnh về răng và xương khớp cho người dân ở đây.

Nhằm giúp người dân khắc phục tình trạng nói trên, các ngành chức năng tỉnh Bình Định đã nghiên cứu và lựa chọn hình thức xử lý nước ở quy mô hộ gia đình. Hệ thống này được thiết kế theo cách sử dụng các cột hấp thụ fluor bằng nhôm hoạt tính để xử lý tình trạng ô nhiễm fluor trong nước. Kết quả là sau khi được xử lý, hàm lượng fluor trong nước đã đạt tiêu chuẩn quy định.

Tuy vậy, phương pháp nói trên không thể áp dụng rộng rãi, bởi chi phí đầu tư trang thiết bị xử lý khá cao, trong khi đời sống của ngươì dân nơi đây còn khó khăn. Hơn nữa, thiết bị phải thường xuyên phải được thay vật liệu trao đổi ion nhôm rất tốn kém.

Trước nhu cầu và bức xúc về nước sinh hoạt của người dân xã Nhơn Tân, năm 2007, tỉnh Bình Định đã đầu tư hơn 4,2 tỉ đồng từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương xây dựng công trình nước sạch để phục vụ cho người dân “xứ răng đen”.

Ông Hồ Đắc Chương, GĐ Trung tâm NS-VSMT nông thôn Bình Định, cho biết: “Công trình nước sạch Nhơn Tân có công suất 1.000 m3/ ngày. Người sử dụng ngày càng đông thêm. Nếu như năm 2009 chỉ cung ứng được có 100 m3/ngày thì đến năm 2011- 2012, nhà máy đã cung ứng đến 600-700 m3/ngày”.

Công trình gồm các hạng mục: Giếng khai thác và trạm bơm nước cấp 1, khu xử lý nước; bể lọc, bể chứa nước 100 m3, bể điều áp 50 m3; trạm bơm cấp 2, nhà quản lý... Nước ngầm được lấy từ thôn Tráng Long, xã Nhơn Lộc qua hệ thống xử lý xây dựng tại thôn Quế Châu, xã Nhơn Tân. Từ đây, hệ thống đường ống sẽ dẫn nước đến các thôn, xóm trong xã.

Bên cạnh việc xây dựng công trình nước sạch, xã Nhơn Tân còn được Ngân hàng Chính sách xã hội Bình Định phân bổ 750 triệu đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân địa phương được vay vốn ưu đãi để xây dựng công trình phụ, lắp đặt đường ống dẫn nước từ hệ thống đường ống chính của công trình về nhà để sử dụng. Công trình này cung cấp nước sinh hoạt cho 3.400 người dân thôn Nam Tượng, xã Nhơn Tân.

Ông Lương Huyết Giang, Phó chủ tịch UBND xã Nhơn Tân, cho biết: “Địa phương được đầu xây dựng công trình nước sạch, nhân dân rất vui mừng. Để việc quản lý và khai thác có hiệu quả công trình này, UBND xã đã giao cho HTXNN Nhơn Tân đã thành lập tổ quản lý, vận hành nhà máy”.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm