| Hotline: 0983.970.780

Nuôi bò sữa nông hộ

Thứ Sáu 20/12/2013 , 14:33 (GMT+7)

Bò sữa đang là hi vọng tạo nên sự chuyển biến đột phá cho ngành chăn nuôi nói riêng và nông nghiệp VN nói chung.

Bò sữa đang là hi vọng tạo nên sự chuyển biến đột phá cho ngành chăn nuôi nói riêng và nông nghiệp VN nói chung. Trong SX sữa nguyên liệu, hiện đang tồn tại nhiều hình thức tổ chức SX khác nhau như nông hộ, trang trại tập trung công nghiệp, nông trường... Trong đó, hình thức nuôi bò sữa nông hộ hiện vẫn đang chiếm tỉ lệ áp đảo.

Tuy nhiên gần đây, có ý kiến bày tỏ sự bất cập, nghi ngờ về sự thành công của hình thức tổ chức SX bò sữa nông hộ khi cho rằng: Nếu VN tiếp tục duy trì SX bò sữa quy mô hộ gia đình, sẽ không thể đưa công nghệ cao vào SX sữa và sẽ không có nền nông nghiệp thành công... Cho nên đối với nuôi bò sữa, phải SX theo quy mô công nghiệp, theo đó DN quản lí toàn bộ chuỗi SX từ khâu trồng cỏ, chế biến cho đến bán ra thị trường...


Nuôi bò sữa tại hộ gia đình được cho là hướng đi vẫn có tương lai

Quan điểm của các chuyên gia, cơ quan quản lí nhà nước về ngành chăn nuôi ra sao xung quanh ý kiến này?

Ông Lê Bá Lịch, nguyên Phó Cục trưởng Cục Khuyến nông- Khuyến lâm: Ai nói nuôi công nghiệp là ưu việt?

Trước hết, phải khẳng định hình thức tổ chức SX bò sữa tập trung công nghiệp, quy mô lớn, mà điển hình ở VN hiện nay là Cty TH True Milk có thuận lợi trong việc đưa công nghệ SX, chế biến sữa hiện đại, đồng thời thuận tiện cho việc kiểm soát tổng thể về an toàn VSTP, nâng cao chất lượng sữa.

Chủ trương từng bước hiện đại hóa SX sữa, nâng cao chất lượng sữa cũng là điều tất yếu mà ngành sữa VN cần phải thực hiện và là điều đáng hoan nghênh.

Tuy nhiên, cho rằng chỉ có tổ chức nuôi bò sữa theo quy mô công nghiệp như TH True Milk mới là ưu việt để có thể tạo nên sự thành công cho ngành SX sữa của VN, mà phủ nhận vai trò của hình thức tổ chức nuôi bò sữa hộ gia đình là không có cơ sở thuyết phục.

Hiện nay, ngành sữa VN đang tồn tại 3 hình thức tổ chức SX chính gồm: Một là hình thức nông trường như ở Cty Giống bò sữa Mộc Châu, theo đó nông dân nhận đất của nông trường, có cổ phần trong Cty sữa, còn Cty sữa hỗ trợ kỹ thuật, vốn, nguyên liệu, thức ăn..., đồng thời thu mua sữa cho nông dân.

Hai là hình thức tổ chức SX như các Cty CP Sữa Vinamilk, Cty CP Sữa Quốc tế... Theo đó DN hỗ trợ tư vấn kỹ thuật, đặt tiêu chuẩn chất lượng, đồng thời thu mua sữa cho nông dân. Và hình thức thứ 3 là SX sữa theo quy mô công nghiệp tập trung, do DN quản lí toàn bộ chuỗi SX từ khâu trồng cỏ, chế biến, tiêu thụ... như Cty TH True Milk.

Trong ba hình thức vừa nêu, cá nhân tôi nhận thấy hai hình thức tổ chức SX nông hộ, gồm hình thức tổ chức SX đầu tiên (Cty CP Giống bò sữa Mộc Châu) hiện nay vẫn đang chứng tỏ tính ưu việt và tôi ủng hộ nhất, kế đến là hình thức tổ chức SX như Cty Vinamilk hoặc Cty CP Sữa Quốc tế... Vì sao vậy?

Thứ nhất, về khía cạnh hiệu quả kinh tế mà nói, hiện tại chưa có một tổng kết nào cho thấy mô hình SX bò sữa tập trung như Cty TH True Milk hiệu quả hơn so với các hình thức tổ chức SX nông hộ. Hiện nay, các DN vẫn đang thu mua sữa cho nông dân với giá cao, ổn định, người nuôi bò vẫn sống khỏe, rất phấn khởi và không thấy ai la ó về việc các DN mua sữa giá thấp cả.

Bên cạnh đó, năng suất sữa của chăn nuôi nông hộ tại Mộc Châu, Ba Vì, ngoại thành Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai... hiện nay cũng rất cao. Bò sữa đạt danh hiệu “hoa hậu” ở Mộc Châu năng suất sữa thậm chí lên tới 8-9 tấn/chu kỳ (305 ngày), trung bình năng suất sữa ở đây đạt 6-7 tấn/chu kỳ, đây là mức rất tốt. Vậy có bằng chứng nào cho thấy năng suất sữa của hình thức nuôi tập trung công nghiệp như Cty TH True Milk là cao hơn so với chăn nuôi nông hộ?

Đứng về khía cạnh hiệu quả kinh tế của bản thân DN mà nói, hiện cũng chưa ai tổng kết đánh giá xem DN nuôi tập trung như TH True Milk có lợi nhuận tốt hơn là DN thu mua sữa của nông dân hay không?

Nếu hình thức nuôi công nghiệp tập trung như TH True Milk là ưu việt, có hiệu quả, lợi nhuận kinh tế cao vượt trội thì tại sao các DN tổ chức mua sữa từ nông dân vẫn đang cạnh tranh tốt với TH True Milk và vẫn đang sống khỏe? Tôi được biết Cty CP Giống bò sữa Mộc Châu bình quân lợi nhuận hàng năm đang rất lớn, họ chia cổ tức cho nông dân rất cao đấy chứ!?

Thứ hai, ở khía cạnh kinh tế - xã hội, với đặc thù của SX nông hộ, thực trạng nông dân của nước ta hiện nay, thì yếu tố xã hội của việc tổ chức chăn nuôi bò sữa hộ gia đình là điều cần phải được quan tâm hàng đầu. Không thể phủ nhận rằng nhờ nuôi bò sữa, nhờ có sự vào cuộc của các DN thu mua sữa cho người chăn nuôi mà bộ mặt nông thôn, đời sống nông dân, tình hình kinh tế xã hội... ở các vùng nuôi bò sữa nông hộ đã cải thiện vượt bậc.

Quan trọng hơn, nông dân nuôi bò sữa đã hình thành được tác phong SX nông nghiệp chuyên nghiệp, trình độ, tư duy tổ chức SX, kiểm soát chất lượng nông sản, vệ sinh ATTP, tiếp cận KH-KT trong nông nghiệp... đã được nâng lên rõ rệt. Đó mới là điều quan trọng nhằm thúc đẩy bộ mặt của nền nông nghiệp nước ta.

Nuôi bò sữa nông hộ cũng giúp chuyển nông dân từ trồng trọt sang chăn nuôi, nâng cao giá trị ngành nông nghiệp, thực hiện được mục tiêu “li nông nhưng không li hương”. Đến Mộc Châu (Sơn La), đến Ba Vì, Phù Đổng (Hà Nội)... và nhiều vùng nuôi bò sữa ở Đồng Nai, TP.HCM bây giờ, bộ mặt nông thôn ở đó đã đổi thay không thể ngờ. Đây là điều mà hình thức nuôi công nghiệp, tập trung, lợi ích tập trung vào một nhóm người không bao giờ làm được.

Cuối cùng, nhìn ra các cường quốc bò sữa mà nói, thì nuôi bò sữa nông hộ vẫn đang khẳng định là hình thức phổ biến, khẳng định sự ưu việt. Tôi đã đi Israel, Hà Lan, Đức..., hình thức tổ chức nuôi bò sữa của họ hiện nay đều là nông hộ cung cấp sữa cho DN chế biến, quy mô hộ lớn nhất chỉ có 400 – 500 con, trung bình chỉ từ 20 – 30 con bò mà thôi.

Chẳng lẽ họ trở thành cường quốc ngành sữa hiện đại bậc nhất thế giới là phải nhờ vào nuôi công nghiệp, tập trung sao!?

Ông Nguyễn Xuân Dương – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi: Phải “đi bằng hai chân”

Nuôi bò sữa nông hộ và tập trung công nghiệp, mỗi cái có một lợi thế cạnh tranh riêng. Tuy nhiên, với đặc thù chăn nuôi của Việt Nam tôi cho rằng hình thức hộ gia đình có ưu thế hơn, linh hoạt hơn và dễ mở rộng phát triển quy mô đàn bò trên cả nước hơn nhiều so với chăn nuôi tập trung công nghiệp.

Trước hết, phải khẳng định quỹ đất hiện nay dành cho chăn nuôi tập trung, không phải lúc nào, ở đâu cũng có thể dễ dàng tích tụ, tìm kiếm diện tích đất đai, vốn đầu tư lớn như Cty TH True Milk để nuôi công nghiệp.

Trong khi đó, bò sữa hộ gia đình có thể linh hoạt tận dụng được đất trồng cỏ manh mún phổ biến ở nước ta, đặc biệt là các vùng trồng cỏ đất bãi ven sông, đồng thời tận dụng được nhân lực nông thôn giá rẻ nhàn rỗi nên đây chính là lợi thế.

Quan điểm cá nhân, tôi đánh giá cao và ủng hộ hình thức nuôi bò sữa nông hộ hơn là nuôi công nghiệp tập trung, và tương lai của ngành sữa VN, tôi cho rằng sẽ vẫn thuộc về bò sữa nông hộ chứ không phải là nuôi công nghiệp tập trung.

 Các nước có quỹ đất trồng cỏ chật hẹp như Đài Loan, Israel, Hàn Quốc... hiện nay cũng đều phát triển bò sữa bằng hình thức nông hộ, quy mô trung bình chỉ 25-30 con/hộ.

Trong số hơn 170 nghìn con bò sữa cả nước hiện nay, có tới 90 nghìn con là nuôi nông hộ, chiếm hơn 50% tổng đàn cả nước. Chủ trương trong quy hoạch phát triển chăn nuôi đến năm 2020 của Chính phủ cũng đã nêu rõ tinh thần phát triển đàn bò sữa phải “đi bằng hai chân”. Nghĩa là bên cạnh đưa chăn nuôi tập trung công nghiệp vào SX nếu có cơ hội, sẽ chú trọng cho nuôi bò sữa nông hộ.

Hạn chế của nuôi bò sữa nông hộ rõ ràng kiểm soát chất lượng, ATVSTP, dịch bệnh... sẽ khó hơn, tuy nhiên không phải là chúng ta không làm được. Hiện nay nhà nước đã có quy chuẩn sữa nguyên liệu, DN thu mua sữa cho nông dân đều có quy chuẩn kỹ thuật sữa.

Nông dân thực hiện SX sữa nguyên liệu không đúng tiêu chuẩn thì DN làm sao dám mua? Chất lượng sữa nguyên liệu do nông dân SX hiện nay cũng không thể nói là không cao, không đạt chất lượng được.

Chỉ có điều muốn tăng chất lượng hơn nữa, thì sự phối hợp giữa DN và nông dân cần phải chặt chẽ hơn nữa. Muốn thế, xu hướng hình thành các HTX, tổ hợp tác SX sữa để liên kết với DN thu mua là điều cần phải được đẩy mạnh.

Đồng thời, quy mô hộ cần phải tăng dần lên, phấn đấu đạt trung bình từ 25-30 con/hộ (thay vì trung bình 5 – 20 con/hộ như hiện nay) để tiện cho quản lí SX. Bên cạnh đó, DN sữa, tổ chức nước, người chăn nuôi nếu nỗ lực phối hợp đào tạo kỹ thuật chăn nuôi tốt, thì việc hình thành nên công nhân chăn nuôi nông hộ là hoàn toàn có thể.

“Không thể so sánh việc SX sữa bằng chăn nuôi nông hộ sẽ khiến chất lượng sữa kém giống như chất lượng lúa gạo của VN thấp là do SX lúa manh mún được. Mà ngay cả việc lúa gạo VN chất lượng thấp cũng đâu phải là lỗi của nông dân, mà lo do giống, do quản lí tổ chức SX, thu mua, chế biến... chứ”. (Ông Lê Bá Lịch)

Xem thêm
Giá heo tăng nhờ tăng cường ngăn chặn nhập lậu

Việc các địa phương ở phía Nam tăng cường ngăn chặn heo nhập lậu đang góp phần giúp cho giá heo hơi tăng lên ở Đông Nam bộ và trên cả nước.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất