| Hotline: 0983.970.780

Nuôi cá leo trong ao đất, mô hình cá da trơn nhiều hứa hẹn tại Nghệ An

Thứ Tư 29/11/2017 , 07:15 (GMT+7)

Đến nay, cá leo trong ao nuôi nhà ông Hợi đạt trọng lượng bình quân 1,5kg/con. Cá leo trên thị trường có giá từ 110.000 - 130.000 đồng/kg. Như vậy, sau hơn 5 tháng nuôi, ước tính mô hình cá leo thương phẩm tại hộ ông Hợi cho doanh thu gần 100 triệu đồng.

 

21-42-17_bo_o_nuoi_c_leo_phi_chc_chn_khong_bi_ro_ri
Bờ ao nuôi cá leo phải chắc chắn, không bị rò rỉ

Năm 2017, Trung tâm Khuyến nông Nghệ An triển khai nuôi cá leo sạch trong ao đất tại 2 huyện Con Cuông và Hưng Nguyên. Cá leo thích ứng và phát triển tốt, bắt đầu cho thu hoạch, hiệu quả kinh tế cao đem lại hi vọng mới cho nông dân.

Gia đình ông La Đình Hợi ở bản Tân Hợp, xã Lục Dạ (Con Cuông) có diện tích ao đất 700m2 được chọn để thực hiện mô hình. Tháng 5/2017, gia đình ông được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ 100% tiền cá giống và 60% thức ăn công nghiệp để nuôi cá; tổng trị giá hỗ trợ trên 18 triệu đồng. Trước khi triển khai mô hình, ông Hợi được tập huấn kỹ thuật nuôi và tìm hiểu về đặc tính của loại thủy sản mới lạ này. Với mật độ nuôi 1,5 con/m2, qua hơn 5 tháng thả nuôi, cá phát triển tốt, tỷ lệ sống trên 50%.

Để tạo thêm nguồn thức ăn cho cá, ngoài thức ăn công nghiệp được cấp, ông Hợi còn bắt ốc bươu vàng về cho cá ăn. Ốc sau khi bắt về rửa sạch được đem băm, giã nhỏ, mỗi ngày ông cho ăn từ 5 - 7kg ốc.

21-42-17_c_leo_trong_o_ong_hoi_pht_trien_tot_2
Cá leo trong ao ông Hợi phát triển tốt

Ông Hợi cho biết: “Do năm đầu nuôi thử nghiệm, chưa có kinh nghiệm nên tỷ lệ sống thấp. Kết thúc đợt nuôi này, gia đình tôi sẽ ngăn ao, phân loại cá để tránh hiện tượng tranh giành thức ăn và cá lớn nuốt cá bé nhằm tăng tỷ lệ sống và tạo sự đồng đều về trọng lượng cho cá. Ngoài thức ăn công nghiệp, ốc bươu vàng bắt về đập lấy ruột, băm, dã nát là thức ăn mà cá leo rất thích, cá nhanh lớn. Tuy nhiên, phải thường xuyên quan sát màu nước, nếu nước quá đục hoặc chuyển sang màu xanh đậm thì chứng tỏ cá ăn không hết thức ăn. Lúc này cần giảm lượng ốc bươu vàng thả xuống ao”.

Cá leo là loại cá da trơn trong họ cá nheo. Loại cá này thường sống trên các sông nước ngọt hoặc nước lợ. Thịt cá leo săn chắc, rất thơm ngon nên được chế biến thành nhiều món ngon độc đáo như cá leo chiên, kho, nướng, nấu canh chua...

Đến nay, cá leo trong ao nuôi nhà ông Hợi đạt trọng lượng bình quân 1,5kg/con. Cá leo trên thị trường có giá từ 110.000 - 130.000 đồng/kg. Như vậy, ước tính mô hình cá leo thương phẩm tại hộ ông Hợi cho doanh thu gần 100 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, ông Hợi có thể thu lãi  50 triệu đồng.

Ông Lang Văn Bán, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Con Cuông cho biết: “Thời gian đầu khi nhập giống về đúng vào thời điểm nắng nóng nên công tác chăm sóc rất vất vả, tuy nhiên khi cá lớn dần thì sinh trưởng rất tốt.

Dự kiến khoảng 1 - 2 tháng nữa sẽ tổng kết mô hình. Sau khi mô hình thành công, chúng tôi sẽ nhân rộng ra các địa phương khác vì đây là loại thủy sản có giá trị kinh tế cao, dễ nuôi, đầu ra rộng mở, giúp người dân nông thôn có thu nhập tốt”.

Tại xã Hưng Thông, Trạm Khuyến nông huyện Hưng Nguyên cũng triển khai một một mô hình cá leo thương phẩm trong ao đất. Cá được thả vào đầu tháng 4/2017. Hộ dân tham gia mô hình được cấp 100% giống, hỗ trợ 30% kinh phí thức ăn và tập huấn kỹ thuật nuôi.

21-42-17_su_5_thng_nuoi_c_leo_dt_trong_luong_trung_binh_15_kgcon
Sau 5 tháng nuôi, cá leo đạt trọng lượng trung bình 1,5kg/con

Ông Nguyễn Quốc Dũng tại xóm 6 được chọn triển khai mô hình cho biết, dù mới nuôi lần đầu nhưng cá có khả năng thích ứng cao với nguồn nước và sinh thái nơi đây. Quá trình nuôi cá không nhiễm dịch bệnh, ít công chăm sóc và có giá trị kinh tế cao hơn các loại cá trước đó mà gia đình đã nuôi. Dự kiến cá leo sẽ thu hoạch vào thời điểm Tết Nguyên đán. Đây là loại cá được thị trường rất ưa chuộng, nhất là các quán ăn, nhà hàng nên hiện đã có nhiều thương lái đến đặt mua.

Cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Con Cuông cho biết, ao nuôi cá leo phải thoáng; diện tích thích hợp nhất là từ 1.000 - 3.000m2; bờ ao chắc chắn, không bị rò rỉ, giữ được mức nước trong ao ổn định, cách mặt nước tối thiểu 0,5m, có cống cấp và cống thoát riêng biệt; nguồn nước cấp vào phải chủ động, không bị ô nhiễm; mực nước trong ao 1,2 - 1,5m là tốt nhất.

 

Xem thêm
Người nuôi thủy sản Thái Bình chuẩn bị kỹ cho vụ nuôi mới

Các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Thái Bình đang khẩn trương cải tạo hệ thống ao đầm, lồng bè…, sẵn sàng thả nuôi vụ mới vào tháng 4.

Thừa Thiên - Huế đề xuất đầu tư 350 tỷ đồng cho hạ tầng nghề cá

Tỉnh Thừa Thiên - Huế đề xuất bổ sung 350 tỷ đồng để tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống cảng cá địa phương, góp phần nâng cao năng lực ngành thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Vươn khơi bám biển, chấp hành tốt các quy định IUU

TIỀN GIANG Khai thác hải sản là nghề truyền thống của ngư dân thị trấn Vàm Láng. Thời gian qua, người dân khắc phục khó khăn, vươn khơi bám biển, chấp hành tốt các quy định IUU.