| Hotline: 0983.970.780

Nuôi cá lóc đẻ lãi hơn 150 triệu đồng/năm

Thứ Năm 19/08/2010 , 10:25 (GMT+7)

Nuôi cá lóc đẻ không khó nhưng đòi hỏi người nuôi phải nắm vững kỹ thuật từ khâu tạo môi trường giao phối, kích thích cá sinh sản, làm sạch ao nuôi cho đến khâu chọn và cho ăn...

Cá lóc 25 ngày tuổi
Các tỉnh có phong trào nuôi cá lóc đẻ thành công và phổ biến nhất hiện nay là huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) và Châu Thành (An Giang). Điển hình như hộ anh Trần Văn Nhâm ở ấp Vĩnh Thuận, xã Vĩnh Hanh, Châu Thành (An Giang).

Hiện tại, anh Nhâm đang sở hữu 200 cặp cá bố mẹ và hàng triệu cá con giống đủ để đáp ứng nhu cầu cho người nuôi bất cứ lúc nào trong năm. Giống cá mà anh Nhâm chọn nuôi sinh sản là cá lóc đầu nhọn, một loại cá có thịt ngon và nuôi chóng lớn, được nhiều người nuôi ưa chuộng.

Qua hơn mười năm nuôi cá lóc đẻ, anh đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm quý báu. Giờ đây anh Nhâm hoàn toàn có đủ tự tin trong khâu nhân giống cũng như sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm quý mà mình có được cho những ai ham thích và muốn gắn bó lâu dài với nghề này.

Anh Nhâm cho biết, để có được những đàn cá con khỏe mạnh đảm bảo ít thất thoát trong quá trình nuôi thì việc chọn một cặp cá bố mẹ phải chuẩn. Tất cả đều phải mình thẳng, thon dài, đầu nhọn đẹp để cho giao phối. Thông thường cá bố mẹ nuôi sau 12 tháng là đến tuổi bắt đầu chịu giao phối và đẻ. Thời gian thích hợp nhất để cho cá giao phối gần giống với ngoài tự nhiên, từ khoảng tháng tư đến tháng tám âm lịch hằng năm.

Trong giai đoạn này người nuôi cần đào một cái ao dưới ruộng lúa với diện tích ngang 2 mét x dài 3 mét, sâu khoảng 1 mét. Sau đó cho rau muống hoặc lục bình xuống ao để tạo môi trường mát mẻ và yên tĩnh cho cá đực dạn dĩ trong lúc giao phối và là nơi lí tưởng để cá cái khuấy vùng làm ổ đẻ. Anh Nhâm cho biết, mỗi lứa (ổ) nở ra từ 10.000 – 30.000 con, tỉ lệ sống trên 70%. Khi cá con nở ra được 3 ngày (cá bột) là chúng có thể tự tìm thức ăn trong môi trường ao nuôi. Tuy nhiên để đàn cá con phát triển mạnh, người nuôi nên tăng cường các loại thức ăn dạng bột hoặc vi khuẩn trong nước (trứng nước). Từ 15-35 ngày tuổi (tách khỏi bố mẹ) có thể cho ăn cá tạp xay nhuyễn trộn với một ít men tiêu hóa và Vitamin C, giúp tăng cường sức đề kháng cho cá.

Các giai đoạn kế tiếp cho ăn trùn chỉ, các loại cá tép băm nhỏ nhưng tuyệt đối không cho thức ăn hôi thối sẽ dễ nhiễm trùng đường ruột, làm chậm sự phát triển của cá thịt sau này. Ngoài ra đối với người nuôi cá thịt cần lưu ý, sau khi bắt cá về không nên thả ngay vào hầm mà phải cho chúng vào trong vèo từ 3-4 ngày giúp cá thích nghi dần với môi trường sống mới.

Hiện tại chỉ với một ao rộng 800 mét vuông mặt nước, anh Nhâm cho xây 8 cái vèo để ương cá giống với nhiều lứa tuổi khác nhau. Anh Nhâm còn chia sẻ thêm: Nuôi cá lóc đẻ không khó nhưng đòi hỏi người nuôi phải nắm vững kỹ thuật từ khâu tạo môi trường giao phối, kích thích cá sinh sản, làm sạch ao nuôi cho đến khâu chọn và cho ăn thức ăn phù hợp với tuổi cá. Dù người nuôi áp dụng mô hình nuôi như thế nào thì việc luôn giữ cho môi trường sống sạch sẽ góp phần quan trọng vào sự thành công và hiệu quả kinh tế như mong muốn. Do đó, chỉ hơn 10 năm trong nghề ương cá lóc giống, anh là một trong những nông dân thành công nhất ở An Giang, được nhiều người tín nhiệm. Ao ương cá giống của anh thật sự là một địa chỉ đáng tin cậy để người nuôi cá lóc thịt tìm đến đặt hàng.

Theo ước tính của anh, một người nuôi khoảng 100 cá bố mẹ, nếu nắm vững kỹ thuật, tận dụng thức ăn phong phú có sẵn ngoài tự nhiên trong mùa nước nổi sẽ tiết kiệm được một phần đáng kể về chi phí thức ăn. Đặc biệt là không được để cho ao nuôi bị ô nhiễm, cá ít bệnh thì mỗi năm có thể thu lãi từ 70-100 triệu đồng. Đồng thời việc ương, nuôi cá giống sẽ không mất nhiều diện tích ao nuôi nhưng lợi nhuận luôn cao hơn nhiều so với nuôi cá thịt.

Hiện mỗi năm anh xuất bán không dưới 40 đợt cá giống, mỗi đợt từ 150.000 – 200.000 con (giao tận ao khi có yêu cầu mà không tính chi phí chuyên chở). Với giá bán hiện nay từ 200-220 đồng/con, trừ hết chi phí mỗi năm anh vẫn còn lãi từ 150-200 triệu đồng.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Lúa đông xuân thắng lớn, giá tăng 2.000 đồng/kg so với năm trước

Lúa đông xuân năm nay tại Trà Vinh được mùa, hiện giá lúa cũng đang ở mức cao, tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với vụ đông xuân năm trước.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất