| Hotline: 0983.970.780

Nuôi cá lồng bè lãi cả trăm triệu

Thứ Tư 21/05/2014 , 07:35 (GMT+7)

Tính bình quân, người nuôi sau hơn một năm trừ hết các chi phí thức ăn, con giống còn lời khoảng 40 triệu đồng/một lồng bè.

Kiên Giang là một trong những tỉnh ở ĐBSCL có số lượng nuôi cá lòng bè trên biển lớn nhất, tập trung nhiều nhất là huyện Kiên Lương, Kiên Hải, Phú Quốc và thị xã Hà Tiên. Mỗi năm đóng góp sản lượng cá nước mặn lên hàng triệu tấn tiêu thụ trong nước và phục vụ nhu cầu XK rất lớn.

Tại Hòn Nghệ, đa số bà con đều nuôi cá mú và cá bóp để XK, một số ít nuôi cá tạp để tiêu thụ nội địa. Ông Trần Văn Sùng ở xã Hòn Nghệ, một ngư dân gắn bó với nghề nuôi cá lồng bè hơn 20 năm nay cho biết: “Trước đây vài năm tôi sống bằng nghề đánh bắt, nay đã chuyển sang nuôi cá mú lồng bè, vừa ít vốn vừa mang lại hiệu quả cao nhờ nguồn thức ăn tại chỗ, dễ tìm”.

Theo ông, bình quân mỗi lồng bè, người nuôi sau hơn một năm trừ hết các chi phí thức ăn, con giống còn lời khoảng 40 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu không may gặp con giống kém chất lượng, hao hụt nhiều, cá chậm lớn thì tiền lời rất mong manh.

Còn ông Vũ Ngọc Dẽo, người chuyên cung cấp cá giống cho biết, trước đây nguồn con giống chỉ bắt từ thiên nhiên, gần đây đa số đều mua từ Đài Loan hoặc bắt từ Nha Trang, khâu vận chuyển rất khó khăn nên giá thành khá cao (bình quân từ 80.000 - 100.000 đ/con, có loại 200.000 đ/con như mú nghệ).

Nhưng đối với những người năng động, chịu làm họ rất tự tin. Chính bản thân ông chỉ nuôi có 2 bè mỗi năm cũng thu nhập trên 100 triệu đồng. Cá mú hiện có nhiều loại như cá mú sao (500.000 đ/kg); mú hùm (340.000 đ/kg); mú heo... Ngoài ra còn có mú nghệ, giống mới nhập về từ Đài Loan, trung bình mỗi con cân nặng 15 kg.

Hòn Nghệ được xem là vùng nước nuôi cá rất thuận lợi, vì nguồn nước biển sạch xa đất liền. Chính vì vậy đã thu hút rất nhiều Cty đến thuê mặt nước để nuôi cá XK. Ông Trần Chính Hy, GĐ Cty Vĩnh Hằng Sương hiện có 77 ô nuôi cho biết: "Gần 3 năm nay Cty đã tiến hành đóng bè và chọn địa điểm ở xã Hòn Nghệ để tiến hành thả nuôi cá mú sao, đảm bảo nguồn nguyên liệu XK".

Theo ông Hy, nuôi cá mú sao lồng bè lợi nhuận rất cao, với điều kiện môi trường phải thích hợp và con giống thật tốt. Ngoài ra còn phải nắm vững kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh, biết theo dõi dòng chảy, môi trường và thức ăn.

Muốn cá mau lớn mật độ thả phải phù hợp với từng lứa tuổi của cá. Bình quân mỗi ô bè khoảng 6 - 10m2 nên thả khoảng 700 con/loại 0,5 kg. Thức ăn của cá thường là cá tạp nên lồng bè phải thông thoáng và bảo đảm vệ sinh.

Ngoài cá mú ra, ngư dân ở đây còn nuôi cá bóp, một loài cá thịt ngon, rất được nhiều người ưa chuộng. Ông Dẽo cho biết cá bóp dễ nuôi, mau lớn, tỉ lệ hao hụt không đáng kể và ít rủi ro hơn. Trọng lượng trung bình mỗi con từ 7 - 12 kg.

08-22-23_nh-2-kien-ging-pht-trien-nghe-nuoi-c-long-be-tren-bien-moi-nm-dong-gop-cho-xut-khu-voi-sn-luong-kh-lon
Kiên Giang phát triển nghề nuôi cá lòng bè trên biển đóng góp cho XK với sản lượng khá lớn

Tỉnh Kiên Giang đang quy hoạch nuôi cá lồng bè trên biển khu vực quần đảo Nam Du (Kiên Hải), Bà Lụa (Kiên Lương), xã đảo Tiên Hải (quần đảo Hải Tặc - Hà Tiên) và quanh đảo Phú Quốc… phấn đấu đạt sản lượng khoảng 2.000 tấn/năm và dự kiến đến năm 2020 tăng lên 3.000 lồng bè thả nuôi cho sản lượng 6.000 tấn/năm.

Điều trở ngại lớn nhất hiện nay là nguồn con giống, bà con phải thu mua con giống trôi nổi có sẵn mầm bệnh hoặc từ những người đánh bắt trong thiên nhiên. Cá bóp trong tự nhiên thường sinh sản từ tháng 4 đến tháng 9 nên bà con thường mua giống thả từ tháng 7.

Ông Năm Bửu một “chuyên gia” nuôi nuôi cá bóp ở Hòn Ngang thuộc xã Nam Du, huyện Kiên Hải cho biết, sau 18 tháng cho ăn đầy đủ, cá có thể nặng trên 10 kg, tỉ lệ hao hụt không đáng kể với điều kiện con giống phải khỏe mạnh.

Một trong những người nuôi cá mú và cá bóp với số lượng lớn là ông Lê Văn Kỉnh. Ông cho biết sau một thời gian nuôi ở Vũng Tàu không thành công do môi trường không thích hợp nên ông đã vào vùng biển Kiên Lương tiếp tục phát triển từ vài ngàn con đến hàng chục ngàn con.

Đầu năm 2014 ông đã xuất được 6 tấn cá các loại sang Trung Quốc và Hồng Kông. Tuy nhiên, lợi nhuận chưa cao lắm vì nguồn cá giống hao hụt quá nhiều. Ông đang nghiên cứu để tìm cách khắc phục.

Cá mú và cá bóp hiện nay được coi là đặc sản có giá trị thương phẩm cao nên phong trào nuôi bè ở các vùng biển đảo Kiên Giang ngày càng nhiều. Riêng tại Hòn Nghệ năm 2013 đã xuất trên 100 tấn cá các loại, hy vọng năm 2014 sản lượng sẽ tăng cao hơn.

Có điều, hầu hết các mô hình nuôi cá lồng bè từ trước tới nay đều mang tính tự phát, bà con tự mò mẫm, tự rút kinh nghiệm, thiếu sự hợp tác giữa người nuôi với ngành khuyến ngư nên không sao tránh được rủi ro.

Nhằm mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể cho người dân trên đảo, tỉnh Kiên Giang đang quy hoạch lại vùng nuôi, xây dựng trại SX giống, đồng thời đề ra những biện pháp, chính sách thích hợp để nghề phát triển bền vững.

Ông Huỳnh Văn Chiều, Phó Chủ tịch UBND xã Hòn Nghệ cho biết: "Hướng tới đây xã sẽ xây dựng chương trình khuyến ngư ngay tại địa bàn và cử cán bộ chuyên môn thường xuyên đến hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ nuôi cá lồng bè nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ. Xã cũng đề nghị với huyện và tỉnh giúp ngư dân chủ động được nguồn giống bằng hình thức cho cá đẻ nhân tạo...".

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm