| Hotline: 0983.970.780

Nuôi cá lồng ở Hải Dương

Thứ Sáu 12/04/2013 , 10:29 (GMT+7)

Nuôi cá lồng một thời là nghề ăn nên làm ra, tuy nhiên, những năm trở lại đây, người nuôi đang gặp một số khó khăn, chỉ duy trì nghề, lấy công làm lãi.

Khi con cá, con tôm trên đầm phá Tam Giang không còn phong phú bởi cách đánh bắt hủy diệt, từ gần 20 năm trước, người dân Hải Dương (thị xã Hương Trà, TT-Huế) đã nghỉ đến nghề nuôi cá lồng có thể giúp họ thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Nuôi cá lồng một thời là nghề ăn nên làm ra, tuy nhiên, những năm trở lại đây, người nuôi đang gặp một số khó khăn, chỉ duy trì nghề, lấy công làm lãi.

Lãi hơn trồng lúa

Ông Đỗ Khắc Lộc - Phó Chủ tịch UBND xã Hải Dương cho biết: “Trước đây, đa phần người dân ở Hải Dương sống nhờ vào việc đánh bắt tôm cá tự nhiên trên đầm phá Tam Giang, năm 2005, từ một vài hộ nuôi cá lồng có lãi, đến năm 2000 thì người dân nuôi đại trà. Đến nay, toàn xã có hơn 200 hộ tham giá nuôi cá lồng với gần 700 lồng nuôi các loại cá chẽm, hồng, mú… Lợi nhuận từ nghề nuôi cá lồng mang lại khá lớn, giải quyết hàng trăm lao động ở địa phương. Mỗi năm Hải Dương thu được từ 110 - 120 tấn cá, đạt doanh thu từ 10 - 11 tỷ đồng”.

Một thời, những con cá xuất từ lồng nuôi đã mang lại cuộc sống ấm no, khá sung túc cho nhưng hộ nuôi ở Chi hội nghề cá Hương Giang. Cứ vào vụ tháng 10 - 11 ÂL là người dân bắt đầu bước vào vụ nuôi. Trên bờ phá, lồng cá tầng tầng lớp lớp ken dày. Nguồn giống chủ yếu được bà con mua từ các tỉnh phía Nam, một số ít còn lại thì khai thác từ tự nhiên ngoài đầm phá, mang vào ươm nuôi. Các hộ dân nuôi cá lồng thành công ở Hải Dương có thể kể đến là hộ ông Trần Đức, Phan Hành, Phan Năng.


Nghề nuôi cá lồng một thời mang lại giá trị kinh tế cao ở Hải Dương

Đang băm cá nhỏ làm thức ăn tại bến nước, ông Phan Năng cho biết: “Tui bắt đầu nghề nuôi cá lồng cũng đã hơn 10 năm nay. Buổi đầu nuôi có lãi, mỗi năm trừ chi phí kiếm cả trăm triệu đồng. Từ những nguồn vốn đó, tui đầu tư thêm lồng nuôi, mua sắm ngư lưới cụ đánh bắt cá giống, đến nay tui có cả thảy được 6 lồng. Bắt đầu tháng 11 ÂL nuôi, nuôi tròn năm là thu hoạch. Các loại cá đạt từ 1 - 1,5 kg, bán với giá 90 - 100 nghìn đồng/kg. Do năm nay người nuôi chịu thất bát nhiều do dịch bệnh, nguồn giống hao hụt, thức ăn tăng, nên chỉ 30 - 40% là có lãi mà thôi”. Theo ông Năng, cứ bình quân một lồng nuôi thả 4 - 5 trăm con cá giống, nguồn thức ăn chủ yếu là cá tạp, sau một năm nuôi, bình quân mỗi lồng thu được khoảng 2 tạ cá. Với 6 lồng nuôi, ông Năng thu được chừng 1,2 tấn cá, bán được 170 triệu đồng, trừ các chi phí ông còn lãi hơn một nửa.

Ông Phan Lân - Chi hội trưởng Chi hội nghề cá Hương Giang cho biết: “Nghề nuôi cá lồng lãi gấp mấy lần trồng lúa, thực tế ở Hải Dương trong mấy chục năm qua, có hàng trăm hộ dân đổi đời nhờ môt hình kinh tế này. Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, người dân đang dần rơi vào khó khăn do lợi nhuận thấp, tỷ lệ hao hụt cá giống nhiều cũng như giá thức ăn (cá tạp) ngày càng tăng”.

Cần tháo gỡ

Theo tính toán của các hộ dân nuôi cá lồng ở Chi hội nghề cá Tam Giang, nguồn cá giống khai thác tự nhiên bên ngoài rất ít, hiệu quả không cao nên người dân chủ yếu mua cá giống từ các tỉnh phía Nam ra ươm nuôi. Do quá trình vận chuyển xây xát, đường xa nên tỷ lệ hao hụt khi đưa vào nuôi khá cao. Ông Trần Đức - một hộ dân nuôi cá lồng cho biết: “Cá giống các loại mua các tỉnh phía Nam mang ra với giá từ 500 - 600 đồng/con, thả với mật độ từ 400 - 500 con/lồng. Sau gần 1 năm nuôi, tỷ lệ hao hụt thấp nhất cũng từ 50 - 60%. Như thế là “nhờ trời” rồi. Có khi cá chết sạch, thu hoạch không còn được mấy con, nhiều hộ nuôi thua lỗ là vì tỷ lệ hao hụt cá giống khá cao”.

Ông Phan Lân - Chi hội trưởng Chi hội nghề cá Hương Giang cho biết, vừa qua, được Được sự tài trợ của Ban quản lý chương trình hỗ trợ ngành thủy sản giai đoạn II (FSPS) và Trung tâm Khuyến ngư tỉnh TT-Huế, Chi hội nghề cá đã triển khai nuôi cá lồng theo công nghệ tiên tiến của Đan Mạch. Chi hội được hỗ trợ 1,5 tỉ đồng, bao gồm chi phí làm lồng nuôi, và một phần chi phí con giống, thức ăn. Trong đó, kinh phí làm lồng bè cá trị giá trên 1,2 tỉ đồng. Lồng có chu vi 60 m, đường kính 20 m, chiều cao 4 m, thể tích 1.200 m3.

Ngoài tỷ lệ hao hụt cá giống, người nuôi cá lồng con gặp khó khăn do giá thức ăn là các loại cá tạp đang tăng cao. Ông Đức cho biết thêm, những năm trước, giá cá tạp làm thức ăn chỉ 5 - 6 nghìn đồng/kg, đến nay đã tăng gấp đổi. Với năm lồng nuôi, mỗi lồng chi phí hết 20 triệu tiền thức ăn, tiền bán cá thì khá lớn nhưng do giá thức ăn cao nên người nuôi không còn lãi được bao nhiêu.

Ông Đỗ Khắc Lộc nhận xét: “Ngoài nguồn giống hao hut và giá thức ăn tăng cao, người nuôi cá ở địa phương còn đối mặt với khó khăn lớn là đang loay hoay tìm đầu ra cho cá thương phẩm. Từ trước đến nay, cá xuất lồng chủ yếu bán thị trường nội địa mà cụ thể là các chợ nhỏ, thương lái lẻ tẻ tìm về mua, nên giá cả bấp bênh, không ổn định. Người dân muốn sản xuất lớn nhưng vấn đề chưa tìm được đầu ra đang hạn chế một nghề là thế mạnh ở địa phương”.

Bên cạnh đó, theo ông Lộc, vấn đề quy hoạch vùng nuôi cá vẫn chưa hợp lý do người nuôi nuôi tự phát theo kiểu mạnh ai nấy làm. Theo hướng dẫn của Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh TT-Huế thì giữa các lồng phải cách nhau từ 2 - 5 m, mỗi cụm (5 đến 10 lồng) cách nhau 50 m. Các lồng phải bố trí nơi có độ nước sâu và chéo nhau để dòng nước dễ lưu thông. Tuy nhiên, ở Hải Dương các tiêu chí trên vẫn chưa đảm bảo gây nên nguy cơ dịch bệnh khá cao.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Lúa đông xuân thắng lớn, giá tăng 2.000 đồng/kg so với năm trước

Lúa đông xuân năm nay tại Trà Vinh được mùa, hiện giá lúa cũng đang ở mức cao, tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với vụ đông xuân năm trước.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất