| Hotline: 0983.970.780

Nuôi cá tầm trên vùng Đông Bắc

Thứ Năm 12/01/2012 , 10:34 (GMT+7)

Tại hồ Cấm Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) giống cá tầm- một loài cá xứ lạnh sinh trưởng và phát triển tốt, mở ra hướng làm kinh tế hiệu quả cho người dân.

Tại hồ Cấm Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) giống cá tầm- một loài cá xứ lạnh sinh trưởng và phát triển tốt, mở ra hướng làm kinh tế hiệu quả cho người dân.

Có dịp lên hồ Cấm Sơn, chúng tôi được tham quan mô hình nuôi cá tầm cơ sở II của Trung tâm Giống Thuỷ sản cấp 1 Bắc Giang. Nghe nói đến cá tầm, một loài cá xứ lạnh cao cấp, cứ ngỡ phải nuôi trong môi trường đặc biệt. Nhưng điều bất ngờ là cá được nuôi thả trong bể xi măng bằng nguồn nước hồ.

Khu vực nuôi cá gồm 6 bể, mỗi bể rộng khoảng 170 m2, hai ao nuôi rộng hơn 5.000 m2, đáy ao giống ao nuôi cá thông thường. Để kiểm tra đàn cá bố mẹ, cán bộ trung tâm rắc ít thức ăn dụ cá vào lưới. Khi con cá mẹ được đưa lên khỏi mặt nước, mọi người tham quan đều trầm trồ "cá to quá!".

Theo ước tính của cán bộ trung tâm thì con cá này nặng hơn 9 kg, dự kiến sang xuân sẽ cho đẻ để nhân giống. Dẫn đoàn khách tham quan khu vực nuôi cá tầm, ông Nguyễn Văn Khải, cán bộ Tập đoàn Cá tầm Việt Nam giảng giải: “Cá tầm là loài thủy sản sống ở xứ lạnh, có nguồn gốc từ nước Nga. Vì vậy, thức ăn cho cá cũng là loại chuyên dùng do một công ty trong nước nhập khẩu. Đầu cá nhọn, thân tròn, da dày, không vảy. Cá không có xương mà tất cả bộ khung nâng đỡ cơ thể của chúng là sụn. Cá tầm có giá trị kinh tế cao. Trên thế giới, người ta coi trứng và thịt cá tầm là loại thực phẩm quý, giàu dinh dưỡng. Hiện trứng cá được bán với giá khoảng 18 triệu đồng/kg, thịt cá khoảng 250 nghìn đồng/kg. Đầu ra của sản phẩm là thị trường Mỹ và các nước EU”.

Chuyện con cá tầm sinh sôi ở hồ Cấm Sơn cũng có nguyên do. Ông Hà Văn Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Cá tầm Việt Nam là người con của quê hương Bắc Giang, sinh ra và lớn lên tại xã An Thượng, huyện Yên Thế. Ông là người từng sống lâu năm tại nước Nga và rất yêu thích loài cá tầm. Khi về nước ông thành lập Cty Cá tầm, nay là Tập đoàn Cá tầm Việt Nam.

Cty của ông đã đưa loài cá này nuôi tại nhiều nơi trong cả nước và đã thành công ở các tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Yên Bái. Trong những lần về thăm quê, ông đi thăm, khảo sát nhiều hồ đập trong tỉnh. Cuối cùng ông chọn khu vực hồ Cấm Sơn, nơi có khí hậu trong lành, quanh năm mát mẻ - một địa điểm lý tưởng để nuôi cá xứ lạnh.

Năm 2010, Tập đoàn Cá tầm VN phối hợp với Trung tâm Giống thuỷ sản cấp 1 đầu tư khoảng 6 tỷ đồng đưa cá tầm về nuôi tại cơ sở của trung tâm. Ông Thân Văn Thuỷ, Giám đốc Trung tâm cho biết: "Để bảo đảm cho việc nuôi thử nghiệm thành công, Trung tâm đã xây mới 43 bể ấp cá, 6 bể ương cá, nâng cấp cải tạo ao nuôi và mua sắm trang thiết bị phục vụ sản xuất".

Tháng 8/2010, 6.000 con cá tầm đã được đưa về nuôi, sau đó tiếp tục đưa về 1.400 con cá trọng lượng bình quân 1,2 kg/con và 46 con cá bố mẹ hậu bị. Đồng thời, phía tập đoàn cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên túc trực, bám sát địa bàn triển khai nuôi cá. Sau hơn một năm nuôi, cá đều sinh trưởng, phát triển tốt. Với đàn cá thương phẩm, trọng lượng bình quân đạt 2,1- 2,8 kg/con, cá bố mẹ nặng gần 10 kg/con, tăng gần 2 kg/con.

Ông Khải chia sẻ: "Điểm khác biệt của mô hình này so với các điểm nuôi cá khác là dẫn nước hồ nuôi cá trong bể xi măng thay vì dùng lưới quây cá nuôi dưới lòng hồ. Tôi là cán bộ phụ trách nuôi cá tầm ở nhiều địa điểm nhưng khẳng định đây là điểm nuôi cá tầm thành công nhất so với các điểm trước đó, kết quả đạt được tại đây đến thời điểm này ngoài sự mong đợi của tập đoàn".

Ông Nguyễn Văn Khải: Cá tầm sống trong môi trường nước lạnh, sạch nên chúng tôi xác định hồ Cấm Sơn là địa điểm lý tưởng để nuôi cá tầm. Thời gian tới, chúng tôi đang làm các thủ tục thành lập công ty sản xuất cá tầm ở Bắc Giang thuộc Tập đoàn Cá tầm Việt Nam, đồng thời lập dự án mở rộng quy mô nuôi ở vùng này.

Thành công của mô hình nuôi thử nghiệm cá tầm trong môi trường tự nhiên ở khu vực hồ Cấm Sơn mở ra hướng mới phát triển kinh tế cho người dân vùng lòng hồ. Với diện tích mặt nước khoảng 2.600 ha, chiều dài 25 km, hồ Cấm Sơn là một trong những hồ đại thuỷ nông lớn của cả nước. Tuy nhiên, tiềm năng kinh tế của hồ Cấm Sơn chưa được khai thác hiệu quả. Bà con sinh sống ven hồ chủ yếu đánh bắt, khai thác cá tự nhiên trong lòng hồ. Không ít người nổ mìn, thả hoá chất, dùng xung điện đánh bắt khiến nguồn thuỷ sản ngày càng cạn kiệt...

Anh Nguyễn Văn Phúc, xã Sơn Hải (Lục Ngạn), sinh sống ở vùng lòng hồ cho biết: "Tham quan mô hình này tôi rất thích. Ngoài hiệu quả kinh tế cao, ưu điểm của cá tầm là ưa lạnh nên không phải lo chống rét. Khi trung tâm nhân giống thành công tôi sẽ đăng ký nuôi một lồng dưới lòng hồ Cấm Sơn để có thêm nguồn thu nhập, cải thiện đời sống".

Một tín hiệu vui là Tập đoàn Cá tầm Việt Nam cùng Trung tâm Giống Thuỷ sản cấp I Bắc Giang vừa mời hai chuyên gia người Nga sang kiểm tra đàn cá bố mẹ, dự kiến cá sẽ sinh sản vào khoảng tháng 2/2012. Nguồn giống chủ động được tại chỗ sẽ làm giảm chi phí đầu vào, khích lệ người dân tham gia sản xuất.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.