| Hotline: 0983.970.780

Nuôi dông

Thứ Ba 05/02/2013 , 11:01 (GMT+7)

Vừa là món nhậu đặc sản, vừa là món ăn bồi dưỡng của người ốm mới khỏi nên con dông biển trở thành món hàng thương phẩm có giá trị cao.

Vừa là món nhậu đặc sản, vừa là món ăn bồi dưỡng của người ốm mới khỏi nên con dông biển trở thành món hàng thương phẩm có giá trị cao. Khi dông trên những động cát ven biển bị bắt cạn kiệt, nhiều nông dân ở Bình Định đã làm chuồng nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Điểm xuất phát nghề nuôi dông là huyện Hoài Nhơn vào năm 2008 với những chuồng nuôi được làm trên cát. Từ hiệu quả của những mô hình ban đầu, nghề nuôi dông lan nhanh sang các làng ven biển thuộc huyện Phù Mỹ, tập trung ở xã Mỹ Thắng. Anh Phan Văn Nhớ (39 tuổi) ở thôn 9, xã Mỹ Thắng cho biết: “Tui bắt đầu nuôi dông vào tháng 4/2011 với gần 400 con dông giống. 4 tháng sau, lứa dông đầu tiên ra đời, tui tách dông con sang chuồng khác nuôi. Sau đó tui lựa dông đực bán, giữ con cái để sinh sản. Dông không khó nuôi, thức ăn chỉ là rau muống, rau lang, dưa hấu, đu đủ, cà rốt, bí đỏ… Nếu bận việc 2 - 3 ngày không cho ăn cũng chẳng sao. Mùa mưa, dông không lên mặt đất, nằm trong hang tự ăn đuôi để sống”.

Chuyện nuôi dông cho thu nhập khá đã nhanh chóng thu hút ngày càng nhiều người tham gia. Trước đây, ông Võ Trọng (58 tuổi) ở thôn 10, xã Mỹ Thắng làm rẫy cà phê ở Tây Nguyên. Thấy quê mình nhiều người nuôi dông khấm khá hẳn ra, ông bán rẫy, về quê đầu tư hơn 250 triệu đồng xây dựng 2.000 m2 chuồng và mua 3 tạ dông giống (khoảng 6.000 con) thả nuôi từ tháng 8/2010.

Hiện nay, đàn dông của ông đã tăng trưởng đến trên 10.000 con, thu nhập từ dông thương phẩm cho ông thu nhập 5 - 6 triệu đồng/tháng. Ấy là chưa kể đến nguồn thu từ việc cung cấp dông giống cho những người mới nuôi.

Nơi “định cư” thích hợp nhất của dông là các động cát. Tuy nhiên, việc nuôi dông không chỉ phát triển ở các vùng ven biển. Ngay cả ở huyện miền núi Vân Canh cũng đã có người nuôi được dông. Ở huyện miền núi Vân Canh hiện đang có 3 chuồng dông của anh Tạ Đình Hoàng (thôn Kinh Tế, xã Canh Vinh), ông Đào Văn Nhật (thôn An Long 2, xã Canh Vinh) và ông Đoàn Ngọc Châu (thôn Hiển Đông, xã Canh Hiển). Không có động cát tự nhiên, người nuôi ở đây đổ lớp cát dày cả mét làm chuồng.

Đầu ra của dông cũng rất “thênh thang” nên những người nuôi đang vô cùng phấn khởi. Theo họ, từ khi thả con giống, 6 tháng sau là dông cái động dục. Mỗi năm dông cái đẻ 2 lứa, mỗi lứa 3 - 6 trứng. Sau 45 ngày trứng nở, nuôi thêm 30 ngày nữa là có thể xuất bán dông giống. Chậm nhất là sau 5 tháng nuôi, dông thương phẩm sẽ đạt trọng lượng 0,3 - 0,4 kg, đủ chuẩn bán. Mỗi năm người nuôi xuất chuồng 2 lứa, với giá bán hiện nay từ 250.000 -350.000 đ/kg, người nuôi đang ăn nên làm ra.

Dông nuôi ở Vân Canh đang là nguồn cung cho những thị trường lớn ở các tỉnh phía Bắc và Tây Nguyên. Ở TP Quy Nhơn, nghề nuôi dông cũng đang phát triển mạnh tại xã Nhơn Lý, Nhơn Hội và phường Ghềnh Ráng. Riêng Nhơn Lý là nơi có số chuồng nuôi nhiều và có quy mô lớn như chuồng của anh Nguyễn Kim Tài ở thôn Lý Hưng rộng đến 1.000 m2.

Dông không khó nuôi, lại ít dịch bệnh, chăm sóc cũng đơn giản. Tuy nhiên, để mang lại hiệu quả cao, người nuôi phải có “bí quyết”. Anh Nguyễn Kim Tài chia sẻ: “Chuồng dông cần độ ẩm nên cần làm hệ thống phun nước để tạo độ ẩm cho cát, nhưng đừng bao giờ để nước đọng trong hang. Nơi ở của dông phải yên tĩnh, cách ly với các thiên địch như chim bìm bịp, mèo, gà”.

Theo anh Tài, giá đỗ là loại thức ăn tốt nhất cho dông. Ăn giá đỗ, dông chỉ nuôi hơn 3 tháng là đạt 0,3 kg, đủ tiêu chuẩn xuất bán. Đặc biệt, để tránh tình trạng chúng cắn nhau, người nuôi cần tách bầy, dông nhỏ được nuôi ở chuồng riêng. Tốt nhất là chia chuồng thành nhiều ô, làm thành nhiều “ngôi nhà” riêng biệt cho dông ở các độ tuổi khác nhau.

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất