| Hotline: 0983.970.780

Nuôi ếch thất bại phải bán đất, đi làm thuê

Thứ Năm 15/07/2010 , 11:05 (GMT+7)

Chừng vài năm trước, các cơ quan truyền thông rầm rộ đưa tin tuyên truyền về mô hình ưu việt của HTX nuôi ếch Việt Lan ở xã Khám Lạng, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Thế nhưng, giờ đây, về thăm trang trại tôi lại chứng kiến cảnh tiêu điều khác hẳn trên truyền thông...

Cảnh hoang tàn của HTX nuôi ếch Việt Lan
Chừng vài năm trước, các cơ quan truyền thông rầm rộ đưa tin tuyên truyền về mô hình ưu việt của HTX nuôi ếch Việt Lan ở xã Khám Lạng, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang.

>> Lời gan ruột!
>> Sự tàn suy của cả một làng nghề đặc sản
>> Chúng tôi đã từng thất bại

Nào là câu trả lời thích đáng cho việc nuôi con gì ở vùng đồi. Nào là tiên phong trong làm giàu từ việc áp dụng khoa học kỹ thuật mới, kéo nghề mới về với thôn quê… Tất cả những ồn ào của mỹ từ đó, sau mấy năm, giờ đây tôi về Khám Lạng, gặp chị Nguyễn Thị Thân Thuỷ -Khuyến nông xã - người rất sát sao với mô hình để hỏi.

Tình cờ thế nào, chị còn biết cả ngọn nguồn về con người từng gây dựng nên HTX Việt Lan, anh Nguyễn Hữu Bằng: “Cậu ta là một người trẻ tuổi (sinh năm 1979), có kiến thức, có ý chí làm giàu. Hồi học trường Đại học Lâm nghiệp, cậu trọ cùng chỗ chồng em bây giờ nên em thấy Bằng ham mê làm giàu lắm! Nhà trọ bé tí, cậu ta còn xoay xoả thế nào mua cả đàn gà về chăn làm kinh tế. Nghỉ hè cậu không về quê mà mượn xe máy của chúng bạn chạy xe ôm để kiếm tiền trang trải đèn sách. Đến khi ra trường nhờ nhanh nhẹn, hoạt bát mà trụ lại tại Hà Nội, làm ăn nghe đâu cũng khấm khá… có vốn mới về quê, lập nghiệp nuôi ếch”.

Sự thất bại của mô hình nuôi ếch của Bằng theo con mắt nhà nghề của chị Thuỷ lý giải, dù có đầu tư khá hoành tráng, có màng lưới che phủ, có hệ thống phun sương nhưng do khu nuôi không có bóng cây nên mùa hè vẫn nóng như đun. Con ếch là giống cần độ mát ẩm, nóng dễ sinh bệnh, chết hàng loạt. Cái quan trọng nhất thất bại này bởi: “Đùng cái làm to quá mà phải đáng nhẽ đi lên từ từ, có gốc rễ mới phát triển ổn định được”.

Tìm đến nhà Bằng, tôi ngỡ ngàng vì chứng kiến cảnh một góc cơ ngơi đang bị người ta đập phá, san ủi. Thì ra, do túng thiếu quá mà bố mẹ anh đã phải dứt lòng bán bớt đất đi trả nợ. Giữa trưa hè nắng quái mẹ anh gánh thóc oằn vai, mồ hôi mồ kê tong tong nhỏ trên khuôn mặt sạm đi vì nắng gió. Đặt vội gánh thóc xuống sân, bà quầy quả đến nựng đứa cháu nội - con của Bằng mới chỉ lẫm chẫm đi đang ngằn ngặt khóc.

Bà than: “Vợ chồng nó nuôi ếch nuôi iếc gì lỗ vốn đến nỗi con nhỏ 11 tháng rưỡi đã phải cai sữa, gửi ông bà trông để ra Hà Nội trọ, nai lưng làm đủ thứ việc mà trả nợ. Chẳng biết chúng làm có đủ ăn không chứ biết bao giờ trả nổi nợ”. Bằng là con cả trong gia đình, từng là niềm tự hào của ông bố, bà mẹ thôn quê này bởi học hành giỏi giang, liên tục nhiều năm làm lớp trưởng đã đành mà trong thời gian sinh viên trọ học tận Xuân Mai - Hà Nội đã biết tiết kiệm từng đồng tiền mồ hôi, công sức của bố mẹ. Bà bảo, Bằng tiết kiệm đến nỗi có nhiều lần, đạp xe sà sã từ trường về nhà hơn 100km…

Đến khi ra trường, Bằng vẫn chứng tỏ những phẩm chất vàng bằng cách lăn lộn, kiếm sống tốt ở những nơi phồn hoa, bon chen nhất. Tình cờ, run rủi thế nào, trong một lần đi công tác ở miền Nam bằng đã mê mệt nghề nuôi ếch Thái. Anh còn máu đến mức bỏ cả công việc, tiền bạc, sang tận cái nôi của tổ nghề Thái Lan mấy tháng ròng học từ nhân giống đến nuôi ếch thương phẩm. Năm 2006, anh trở về quê nhà, gom góp tiền bạc, vay mượn bạn bè, ngân hàng thành lập HTX nuôi ếch Việt Lan, cái tên viết tắt của Việt Nam - Thái Lan. Khu vườn cạnh nhà được nhanh chóng chuyển đổi thành cơ sở nuôi ếch. Ngày nào cũng có khoảng trên 20 nhân công rầm rập lấp ao, san vườn.

Mẹ anh Bằng: "Không biết bao giờ chúng mới trả nổi nợ"

Bằng còn mạnh dạn mua thêm đất để bố trí cỡ 1.000m2 trang trại nuôi. Hàng loạt các cơ sở hạ tầng được nhanh chóng kiến thiết. Nào làm hệ thống cấp thoát nước riêng biệt, khu nuôi ếch bố mẹ cao tường xây cao quá đầu người, thả xốp cho ếch nhảy, khu nuôi ếch con, khu nuôi ếch thịt… Trong nhà nuôi ếch bố mẹ Bằng còn cẩn thận cho lát gạch men loại tốt để ếch dù có nhảy lung tung cũng bớt xước, sây sát da thịt. Toàn bộ khu nuôi còn có hệ thống màng che phủ, hệ thống phun sương làm mát, có nhà vệ sinh khử trùng cho người chăn nuôi trước khi vào trại phòng chống những mầm bệnh xâm nhập…

Giống ếch cũng được anh cẩn thận mua tận gốc bên Thái Lan, trực tiếp “áp tải” chuyển về VN bằng đường hàng không. Mỗi cặp giống rất đắt, trị giá cả chục triệu đồng, mà Bằng không ngần ngại mua hàng trăm cặp như vậy. Tỉ mỉ đến mức, ếch đưa về được quá cảnh, “trọ” ở trong miền Nam để nuôi thích nghi mới chuyển ra Bắc. Chúng được chăm sóc theo đúng sách vở, được bố trí cả hệ thống phun mưa nhân tạo với dây ống cả ngàn mét để cho ếch đẻ theo ý muốn. Tất cả chỉ đợi đến ngày hái quả. Thế mà, trời phụ công sức của anh, khi ếch đẻ chẳng hiểu do nguyên nhân gì mà cả bố mẹ đều chết. Người bảo do nước bẩn không khử trùng được, người bảo do khí hậu ngoài Bắc có lúc nóng quá không kịp thích nghi…

Tất cả cứ xoay mòng mòng trong đầu nhưng đành nén lòng, dồn công chăm sóc cho lũ ếch con mới nở. Thức ăn cho lũ ếch nhỏ này cũng rất cầu kỳ, toàn bằng lòng đỏ trứng gà bóp vụn ra. Chúng ăn ầm ầm, lớn cứ thau tháu, nòng nọc to bằng cỡ ngón tay, chuẩn bị rụng đuôi là chết chất thành đống. Vợ chồng anh mất ăn, mất ngủ vì không thể khắc phục được hiện tượng này. Năm sau còn ít giống, Bằng cẩn thận mượn ông anh vợ chuyên môn sâu về thú y đến ăn ngủ tại trại để nghiên cứu tình hình, phân tích nguyên nhân ếch chết, nhất là chết gần như hẹn giờ đồng loạt về đêm. Đến khi hiện tượng ếch chết gần như đã được giải mã cũng là lúc một tình huống không theo kịch bản xảy ra: cạn tiền.

Hết sạch tiền dự trữ, không thể xoay đâu ra vốn đề nhập giống nữa. Gõ cửa ngân hàng nào họ cũng bảo phải thanh toán gốc lãi của khoản nợ trước mới cho vay tiếp. Xoay sang hỏi họ hàng, bạn bè cũng không tìm đâu ra. Cái khó bó cái khôn. Bằng khánh kiệt đến nỗi ngã không dậy được. Đến mức không mua nổi cám cho ếch ăn, anh đành phải dẹp lại cái nghề mà anh từng say mê. Đống của cải, thiết bị đầu tư cỡ 2 tỉ đồng thủa nào giờ cũng bị chôn vùi, hoai mục theo thời gian. Vợ chồng anh chấp nhận đi làm thuê, tích cóp từng đồng mà trả nợ.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm