| Hotline: 0983.970.780

Nuôi gà an toàn sinh học ở Ninh Bình

Thứ Tư 26/03/2014 , 10:33 (GMT+7)

Sử dụng đệm lót lên men có thể giảm được nồng độ các chất khí độc hại trong chuồng nuôi nhờ các vi sinh vật có ích.

Trong 3 năm trở lại đây, tỉnh Ninh Bình khuyến khích nhân rộng mô hình chăn nuôi gà trên đệm lót vi sinh, góp phần giảm chi phí đầu tư và có ý nghĩa tích cực bảo vệ môi trường.

Gia đình ông Nguyễn Quốc Huy, 54 tuổi ở thôn Đam Khê, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư đã có hơn 20 năm chăn nuôi gà thịt quy mô lớn theo phương thức nuôi nhốt truyền thống. Với một không gian khá chật hẹp, công tác đảm bảo vệ sinh môi trường luôn tiêu tốn rất nhiều công lao động của gia đình trong việc dọn dẹp chuồng trại.

Ông Huy chia sẻ: “Khu nuôi gà của gia đình tôi được ngăn làm nhiều ô chuồng, mỗi ô có diện tích 30 m2. Với nền xi măng trải một lớp trấu phía trên, cứ 5 ngày, vợ chồng tôi phải thay trấu một lần do lượng phân gà thải ra quá lớn dẫn đến bốc mùi hôi thối, tạo môi trường để vi sinh vật có hại sinh sôi.

Vào những ngày nắng nóng, dù đã bịt khẩu trang và quần áo bảo hộ nhưng khí CO2 xộc lên chảy nước mắt, mồ hôi tứa ra như vừa tắm.

Sử dụng dịch lên men của chế phẩm vi sinh để phun vào chỗ có mùi hôi thì chỉ sau một thời gian ngắn đã giảm mùi rõ rệt. Nhờ đó, tỷ lệ gà nhiễm các loại bệnh liên quan đến đường hô hấp và đường tiêu hoá giảm rõ rệt. Gà lớn nhanh hơn, chi phí chăn nuôi giảm xuống.

Bên cạnh đó giá một bao trấu ở thời điểm hiện tại khoảng 20.000 đồng; mỗi lần thay mất 2 bao/chuồng.

Thời gian sinh trưởng và phát triển của con gà từ giai đoạn nuôi úm đến lúc xuất bán khoảng 3 tháng.

Vị chi, số tiền tôi phải đầu tư cho nền chuồng lên tới 720.000 đồng/chuồng rộng 30 m2 nên gần như không có lãi”.

Năm 2013, Trung tâm Khuyến nông Ninh Bình đã xây dựng và triển khai mô hình ứng dụng công nghệ đệm lót sinh học bằng chế phẩm men vi sinh trong chăn nuôi gà ATSH tại xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư.

Ông Huy may mắn được tham gia mô hình này.

Sau khi được Ban chủ nhiệm đề tài tập huấn chuyển giao công nghệ, ông Huy tiếp nhận 300 gà giống Lương Phượng 1 ngày tuổi.

Để thiết kế đệm lót, chủ trại gà đã rải một lớp trấu dầy 10 cm rồi thả gà nuôi úm.

Sau khi gà được 6 ngày tuổi, tiến hành ủ 0,5 kg men BALASA N01 với 0,5 kg cám gạo và 2 kg cám ngô. Lên men trong 2 ngày để tăng nhanh số lượng vi khuẩn hữu ích sau đó rắc đều chế phẩm đã lên men lên bề mặt, xoa nhẹ lớp trấu để men phân tán đều khắp.

Ông Huy cho biết: “Áp dụng kỹ thuật này, gia đình tôi không phải thay bất cứ lượt trấu nào trong toàn bộ chu kỳ nuôi, gà sạch bệnh và bước vào phòng không cảm thấy mùi hôi khó chịu. Mặt khác, con gà có tập tính bới trấu và bỗ mỏ xuống nền, phân thải ra đến đâu được đảo trộn ngay tức khắc”.

Khi tôi đến thăm, lứa gà Lương Phượng trong trang trại gà của ông Huy đã đến thời kỳ xuất bán (tức tấm đệm lót trấu đã sử dụng được gần 3 tháng), tuy nhiên nền chuồng hoàn toàn khô ráo, thậm chí, người chủ của đàn gà có thể bốc một vốc trấu dưới nền vân vê mà mặt vẫn tươi cười.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên, Trưởng phòng Tuyên truyền - Huấn luyện, Trung tâm KN Ninh Bình (Chủ nhiệm đề tài khoa học “Áp dụng công nghệ vi sinh làm đệm lót trong chăn nuôi gà ATSH”), đối với những trang trại chăn nuôi gà quy mô lớn, lượng phân thải ra môi trường rất nhiều.

Biogas áp dụng trong chăn nuôi gia cầm khó thực hiện do tính chất của chất thải chứa nhiều nitơ, không thích hợp trong việc cân đối tỷ lệ N/C đảm bảo cho việc phân hủy và sinh khí trong bể phân giải nên việc áp dụng công trình khí sinh học đối với chăn nuôi gia cầm chưa rộng rãi. Chủ trại phải xử lý phân bằng cách ủ, cho cá ăn hoặc bón cây.

Trong khi đó, người dân có xu hướng ít dùng phân gà bón cho đồng ruộng, dẫn tới chất thải chăn nuôi thải bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường sống…

Do đó, sử dụng đệm lót vi sinh là giải pháp căn cơ để giải quyết bài toán xử lý chất thải trong chăn nuôi tại Ninh Bình.

Kết quả nghiên cứu cho thấy hàm lượng các khí độc trong chuồng nuôi sử dụng men vi sinh giảm rõ rệt và thấp hơn rất nhiều so với lô đối chứng (không sử dụng men vi sinh).

Cụ thể, ở lô đối chứng, lớp độn lót nền không được thay dọn thường xuyên, tích tụ nhiều phân và chất thải của gà.

Ở những tháng nhiệt độ hay độ ẩm không khí chuồng nuôi cao, độn lót ẩm ướt thì nồng độ NH3, H2S trong không khí cũng cao rõ rệt, về cảm quan cũng có thể nhận rõ điều này.

Sử dụng đệm lót lên men có thể giảm được nồng độ các chất khí độc hại trong chuồng nuôi nhờ các vi sinh vật có ích thực hiện theo hai cách: Ức chế và khử vi khuẩn có hại, lên men gây thối trong độn chuồng từ việc sản sinh các axit hữu cơ, chất có hoạt tính kháng sinh…

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất