| Hotline: 0983.970.780

Nuôi gà bằng giun quế, ngũ cốc không qua chế biến

Thứ Tư 13/11/2013 , 10:24 (GMT+7)

Nuôi gà bằng giun quế và ngũ cốc không qua chế biến không chỉ tạo ra sản phẩm sạch mà còn giúp làm tăng nguồn phân hữu cơ dùng SX rau, màu, cây cảnh.

Mục tiêu của Hợp đồng Dịch vụ tư vấn NA-A1/03/2010/ACP ngày 15/9/2011 giữa BQL Dự án cạnh tranh nông nghiệp Nghệ An và Trung tâm Nghiên cứu môi trường chất thải nông nghiệp (ĐH Nông lâm Huế) là xây dựng vùng chăn nuôi dựa trên nguồn thức ăn không qua chế biến giun quế và ngũ cốc nhằm đạt năng suất và hiệu quả cao, đảm bảo ATVSTP...

Sau khi nhận hợp đồng, Trung tâm đề ra mục tiêu cụ thể là đánh giá hiện trạng chăn nuôi gà trong các hộ và tình hình nuôi giun quế ở Nghệ An. Cụ thể là ở các xã đã được đưa vào kế hoạch làm mô hình thí điểm gồm Nghi Phú (TP Vinh) và Nghi Hương (TX Cửa Lò).

Tiếp theo là xây dựng quy trình nuôi giun quế và gà thả vườn dựa vào nguồn thức ăn sẵn có từ ngũ cốc và giun quế xem có phù hợp với điều kiện cụ thể của nông dân ở 2 xã trên hay không. Quy trình phải có tính khả thi, mang lại hiệu quả KT-XH và môi trường cho người chăn nuôi và cho xã hội.

Trung tâm đã phối hợp với UBND xã và Chủ tịch Hội Nông dân của 2 xã và đã chọn được 15 hộ có đủ các tiêu chí tham gia mô hình. Cả 15 hộ đều là hộ chuyên SX nông nghiệp, nuôi gà ri thả vườn quy mô 30 - 50 con trở lên, có diện tích vườn trên 500 m2, có nuôi trâu bò hoặc lợn.

Tiếp đến là cơ cấu khẩu phần thức ăn cho gà, chủ yếu là nguồn có sẵn tại địa phương (áp dụng cho cả gà choai, gà lớn nuôi lấy thịt và gà đẻ). Chỉ riêng gà con trong tháng tuổi đầu được nuôi bằng thức ăn công nghiệp. Hằng năm mỗi hộ ở các xã này xuất trung bình 80 - 120 kg gà thịt và 100 - 200 quả trứng. Thu nhập từ nuôi gà chiếm trên 20% tổng thu nhập của gia đình và chiếm 50% tổng thu nhập từ chăn nuôi.

Qua khảo sát thấy kinh nghiệm nuôi gà thả vườn của bà con ở 2 xã này khá tốt, trước khi tham gia mô hình họ đã biết ấp, úm gà con trong tháng tuổi đầu tiên, biết phòng bệnh cho gà con bằng các loại thuốc nhỏ mũi, thuốc tiêm và biết điều chỉnh khẩu phần thức ăn cho gà.

Việc nuôi gà bằng giun quế và ngũ cốc không qua chế biến trước đây có một số hộ ở Nghi Đức đã làm nhưng cơ bản không thành công. Lý do, theo Trung tâm có thể là do môi trường đất ở Nghi Đức bị chua, độ pH < 6,5, thậm chí có nơi còn < 4,5, trong khi giun quế rất nhạy cảm với môi trường.

Vì thế mà Trung tâm đã tiến hành khảo sát chất lượng nước, nuôi thử trong khay, nuôi thử trong các môi trường khác nhau, cuối cùng là nuôi khảo nghiệm trong 15 hộ với quy mô 30 m2/hộ. Kết quả nuôi khảo nghiệm ở 15 hộ, quy mô 30 m2/hộ cho thấy môi trường nuôi giun quế thích hợp với phân trâu bò hoặc phân trâu bò kết hợp với phân lợn hoặc các chất hữu cơ hoai mục và đất.

Nếu môi trường chỉ có hoàn toàn phân lợn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng sinh trưởng của giun. Việc nuôi giun quế theo mô hình này chủ yếu được sử dụng phân bò mới dọn từ trong chuồng ra cùng với chất độn chuồng bò, sau đó ủ theo phương pháp ủ phân nhiệt trong 3 tuần.

Cán bộ tư vấn hướng dẫn kỹ càng cho bà con nông dân kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng và thu hoạch. Việc nuôi giun quế mỗi lứa nuôi trong thời gian 60 ngày, mỗi ngày thu hoạch 0,5 m2 đối với mỗi ô nuôi. Thu hoạch xong, phần môi trường phải trả lại ô nuôi để cho trứng giun và giun con phát triển. Nuôi giun quế phải thực hiện theo hình thức cuốn chiếu trong vòng 30 ngày.

Thực hiện theo đúng mô hình này đã cho kết quả sau 60 ngày nuôi, mỗi tháng thu hoạch trên 1 m2 cho năng suất 1 - 1,5 kg giun. Để nuôi tốt đàn gà 200 con cần phải có diện tích nuôi giun khoảng 30 m2. Chất lượng giun quế tốt sẽ cung cấp đủ lượng đạm cho đàn gà thả vườn.

Một số kinh nghiệm được rút ra từ từ việc nuôi giun quế ở đây là phải làm đúng quy trình, nông dân phải cần cù chịu khó, phải đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống SX, đồng thời phải biết thực hiện đồng bộ việc nuôi bò - giun - gà thả vườn. Trung tâm phải biết chọn hộ nuôi bò để thực hiện việc nuôi giun mới có kết quả cao.

Nuôi gà bằng giun quế và ngũ cốc không qua chế biến không chỉ tạo ra sản phẩm sạch mà còn giúp làm tăng nguồn phân hữu cơ dùng SX rau, màu, cây cảnh.

Những kết quả đạt được của Trung tâm đã đáp ứng yêu cầu đề ra của BQL Dự án cạnh tranh nông nghiệp Nghệ An. Hoạt động của dự án đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của người dân địa phương.

Phát triển mô hình nuôi gà sạch dựa vào nguồn thức ăn sẵn có và giun quế là hoàn toàn phù hợp với địa bàn ven thành phố và được xem là chiến lược phát triển bền vững trong chăn nuôi. Sau khi kết thúc dự án, ở Nghi Hương đã có nhiều hộ đã tái đàn.

Dự án đã có những tác động đến cộng đồng, nâng cao năng lực chăn nuôi cho nông dân và cả cán bộ khuyến nông, cán bộ quản lý Nhà nước. Nhờ đó mà kiến thức, kỹ thuật nuôi gà và nuôi giun quế được nâng lên rõ rệt. Về hiệu quả, nuôi 200 con gà, sau 4 tháng sẽ cho lãi ròng 9 - 14 triệu đồng.

 

 

 

 

Xem thêm
Ngành ong mật chuyển dịch từ 'sổ hóa' sang 'số hóa'

Việc áp dụng các công nghệ IoT, AI, Blockchain trong đảm bảo chất lượng sản phẩm, minh bạch quá trình sản xuất và phân phối sản phẩm là giải pháp bền vững ngành ong.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Lúa đông xuân được mùa lớn, giá cao chưa từng thấy, nông dân vui phơi phới

Nông dân Phú Yên đang thu hoạch lúa đông xuân trong niềm vui lớn khi lúa vừa được mùa, giá lại cao chưa từng thấy.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.