| Hotline: 0983.970.780

Nuôi giun tháng lãi hơn 10 triệu

Thứ Năm 12/08/2010 , 11:24 (GMT+7)

Từ năm 2008 ông Lý bắt đầu nuôi giun đất phục vụ cho chăn nuôi. Hàng năm nguồn thu từ nuôi giun đất giúp ông có thu nhập bình quân từ 180 đến 200 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Lý.
Ông Nguyễn Văn Lý ở thôn Quang Hiển, xã Quang Thịnh, huyện Lạng Giang - Bắc Giang, là bệnh binh 61%. Ngoài phát triển kinh tế VAC, từ năm 2008 ông Lý bắt đầu nuôi giun đất phục vụ cho chăn nuôi. Hàng năm nguồn thu từ nuôi giun đất giúp ông có thu nhập bình quân từ 180 đến 200 triệu đồng.

Ông Lý bộc bạch: “Trước kia tôi làm anh lính lái xe Trường Sơn, hết chiến tranh lại về tham gia làm công tác ở xã. Năm 2008 tôi nghỉ việc ở địa phương, nghĩ về kinh tế gia đình còn khó khăn, băn khoăn không biết phải nuôi con gì để có điều kiện kinh tế nuôi các con ăn học. Nuôi gà, vịt thì lo dịch bệnh, cám lại đắt nên tôi không nuôi. Lúc đó, người con trai thứ hai của tôi có giới thiệu mô hình nuôi giun ở Đông Anh - Hà Nội, tôi bèn tới tận nơi để tham quan mô hình đó. Thấy nó rất hợp với điều kiện của mình, thế là tôi cũng học tập kỹ thuật nuôi giun của họ, từ cách xây chuồng, chế biến thức ăn đến cách quan sát, tìm hiểu những thói quen, tập tính của giun. Tôi gắn bó với nghề nuôi giun từ đợt ấy”.

Lúc đầu hai vợ chồng ông Lý cũng chỉ nuôi thử nghiệm trên một diện tích rất nhỏ, chừng 20 m2 xem có hiệu quả không rồi mới mở rộng ra nuôi 200 m2. Hàng ngày hai vợ chồng ông đi nhặt phân ở quanh xóm về cho giun ăn. Theo ông, nghề nuôi giun phù hợp với đa số người dân bởi nó dễ nuôi, thức ăn lại rẻ, dễ kiếm (từ các loại chất thải của chăn nuôi như phân trâu, bò, lợn… đến những phế phẩm nông nghiệp như cây đậu, rơm mục…). Hơn nữa giun phát triển rất nhanh, ít bệnh tật ngoài ra phân giun lại là thức ăn rất tốt cho gia súc, gia cầm như ngan, gà, vịt. Ông Lý bộc bạch: “Phân giun góp phần giảm 50% tiền mua cám công nghiệp cho đàn gà - tức nếu không có phân giun tôi phải mua 100kg cám gà, bổ sung thêm phân giun tôi chỉ cần mua 50kg cám gà thôi”. Ông Lý thường bán giun cho hàng nghìn khách ở khắp cả nước. Mỗi lứa giun nuôi chừng một tháng là cho thu hoạch. Mỗi lần xuất chuồng ông thu khoảng 1-2 tạ giun, với giá bán trung bình là 70 nghìn/kg. Chỉ 4 triệu tiền giống, 10 triệu đồng tiền phân cùng công sức lao động dư thừa trong chưa đầy 7 tháng vợ chồng ông đã thu được hơn 100 triệu đồng.

Về kỹ thuật nuôi giun ông Lý lưu ý, 5 ngày cho giun ăn một lần, cứ mỗi 1 m2/1,5 cân phân và tưới nước ẩm thường xuyên. Người nuôi cũng rất nên tránh các hóa chất như: nước xà phòng, thuốc trừ sâu, nước ô nhiễm lẫn vào khu vực chuồng vì nó dễ làm cho giun sinh bệnh, chết. Nhà nuôi giun cần kín, tối, che đậy cẩn thận để tránh các động vật thiên địch như cóc, chuột xâm nhập vào ăn giun. Mùa xuân, thu trời ấm giun phát triển rất mạnh, mùa đông rét, giun phát triển chậm hơn nên mùa này nuôi ít hơn. Giờ đây, nhờ vào sự kiên trì, lòng ham học hỏi mà kinh tế gia đình ông Lý rất vững nên gia đình ông có điều kiện để nuôi con cái ăn học và trang trải cuộc sống gia đình. Hiện nay cả ba người con của ông đều đã tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định. Đó là điều làm ông vui nhất. Ông Lý tâm sự: “Sống là không ngồi để đợi. Đồng thời cần chăm chỉ, quyết tâm, nhanh nhẹn, năng động, lòng kiên trì không chỉ trong làm kinh tế mà trong cuộc sống cũng vậy. Đồng thời cái tâm cũng rất quan trọng, mình quý họ, tất nhiên nó sẽ không phụ mình”.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 3] Thời cơ cho vùng nắng gió

UBND tỉnh Tây Ninh vừa ban hành chiến lược phát triển chăn nuôi nói chung, yến nói riêng đến 2030 tầm nhìn 2045, mở ra cơ hội phát triển nghề yến vùng nắng gió này.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Thủ phủ cam Cao Phong tái canh để cứu cây đặc sản

Cao Phong, Hòa Bình từng là thủ phủ cam nổi tiếng của miền Bắc nhưng khi giá bán hạ, bệnh phát sinh khiến địa phương này phải tính đến bài toán tái canh.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.