| Hotline: 0983.970.780

Nuôi hươu nai ở Đồng Nai: Nộp phạt mới được giữ đàn ?!

Thứ Sáu 01/04/2011 , 12:15 (GMT+7)

Bỏ ra hàng trăm triệu đồng đầu tư vào nuôi hươu, nai phát triển kinh tế, nhưng đến nay hơn 100 hộ chăn nuôi những con vật này ở hai xã Mã Đà và Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) đang đứng trước nguy cơ trắng tay vì không chứng minh được nguồn gốc...

Bỏ ra hàng trăm triệu đồng đầu tư vào nuôi hươu, nai phát triển kinh tế, nhưng đến nay hơn 100 hộ chăn nuôi những con vật này ở hai xã Mã Đà và Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) đang đứng trước nguy cơ trắng tay vì không chứng minh được nguồn gốc...

Đàn hươu sao, nai của một hộ dân nuôi tại xã Hiếu Liêm.

HƠN 50% SỐ HỘ NUÔI KHÔNG CÓ GIẤY PHÉP

Gặp chúng tôi, nhiều hộ nuôi hươu, nai của hai xã Mã Đà và Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) như đang “ngồi trên đống lửa” khi nghe tin sẽ bị ngành chức năng xử phạt và tịch thu vật nuôi vì không chứng minh được nguồn gốc của những con vật này.

“Theo ông ông Nguyễn Đình Châu, Chủ nhiệm HTX hươu, nai Hiếu Liêm, không phải người dân không chấp hành pháp luật mà do nghề nuôi hươu, nai ở đây có từ trước khi có quy định. Hơn nữa, trong việc đăng ký cũng gặp nhiều khó khăn từ cơ quan chức năng nên người dân cũng rất ngán ngại.

Ông Nguyễn Đình Châu, chủ trại nuôi hươu nai ở Tổ 3, ấp 3, xã Hiếu Liêm bức xúc: “Những hộ dân chúng tôi đã triền khai mô hình nuôi hươu nai từ hàng chục năm qua và phát triển thành một làng nghề truyền thống, góp phần bảo tồn động vật hoang dã. Vậy cớ sao đến nay chúng tôi lại bị ngành chức năng “làm khó”...?!”. Theo ông Châu, mô hình nuôi hươu nai của gia đình ông có quy mô lớn nhất trong xã, với 30 con nai và 15 con hươu giống (trong đó có 25 con nai bố mẹ chuyên để sinh sản gầy gống, số hươu nai còn lại đang cho khai thác nhung lộc).

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hơn 20 năm trước 4 hộ dân nuôi hươu, nai lấy nhung đầu tiên với 7 con hươu, nai ở xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) có nguồn gốc từ tỉnh Nghệ An đã được tỉnh Đồng Nai tạo điều kiện đưa vào mô hình gây nuôi động vật hoang dã (ĐVHD). Đây cũng được xem là một mô hình mới mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ dân.

Thực tế từ 4 hộ nuôi ban đầu, mô hình này đã phát triển rộng khắp trên địa bàn xã Mã Đà và đến nay còn lan rộng sang cả xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu. Chỉ tính riêng xã Hiếu Liêm đã có gần 200 hộ nuôi với trên 1000 con hươu nai đến nay đã phát triển thành một làng nghề đặc thù. Đa số các hộ nuôi hươu nai có quy mô lớn trong xã đều tập trung tại khu vực ấp 3 (khoảng 80 hộ), còn các mô hình nuôi theo quy mô nhỏ với mỗi hộ khỏang từ 8 - 10 con hươu nai.

Đến nay các hộ dân trong xã cũng đã thành lập được HTX hươu nai để kinh doanh mua bán sản phẩm, con giống… Một con giống từ 5 triệu cho đến vài ba mươi triệu, sản phẩm nhung hươu, nai 15 triệu đến 30 triệu đồng/kg. Thực tế nghề nuôi hươu, nai đã mang lại lợi nhuận cao và là nguồn thu nhập chính của người dân địa phương này.

“Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó chủ tịch UBND xã Hiếu Liêm cho biết: Đời sống kinh tế người dân khá lên từ nghề nuôi hươu nai, việc các hộ dân không được cấp giấy phép là do trước đây chưa có quy định chặt chẽ vì vậy cần giải quyết một cách hợp tình hợp lý cho các hộ nuôi”.

Theo đề án xây dựng nông thôn mới, HTX nuôi hươu, nai Hiếu Liêm đã được thành lập và theo quy định, muốn mua bán sản phẩm, vận chuyển con giống thì người nuôi hươu, nai phải có giấy chứng nhận nguồn gốc trại nuôi sinh sản, sinh trưởng động vật hoang dã do Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai cấp. Do vậy, theo quy định này, đến nay có hơn 50% số hộ nuôi hươu, nai vẫn chưa được cấp cấp giấy phép do không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của vật nuôi.

PHẢI MUA LẠI CHÍNH VẬT NUÔI CỦA MÌNH

Theo Chi cục kiểm lâm Đồng Nai, từ năm 2007 Chi cục đã triển khai cho người dân đăng ký và đã cấp giấy phép cho 89 hộ nuôi hươu, nai ở xã Hiếu Liêm có nguồn gốc rõ ràng, nhưng chưa hợp pháp với tổ số 4 con hươu sao và 422 con nai. Tuy nhiên, đến nay có 103 hộ nuôi với 21 con hươu sao và 408 con nai không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp nên chưa được cấp giấy chứng nhận.

Do vậy, Chi cục Kiểm Lâm Đồng Nai đã đề xuất hướng xử lý và kiến nghị UBND tỉnh và Bộ NN-PTNT tiến hành cấp giấy chứng nhận cho các hộ dân nuôi tự phát hươu sao vì loài vật này không còn trong môi trường tự nhiên do đó không phải là người dân khai thác tự nhiên về làm nguồn giống nuôi.

Còn đối với các hộ nuôi nai, kiến nghị cho phép phạt tiền, tịch thu cá thể nai, sau đó bán lại cho chủ hộ đang nuôi và cấp giấy chứng nhận đăng ký trại nuôi sinh sản, sinh trưởng ĐVHD cho họ. Còn biện pháp khác, người nuôi chỉ cần chứng minh nguồn gốc để cấp được phép.

Trao đổi với NNVN, TS Võ Văn Sự, Trưởng Bộ môn Động vật quý hiếm và Đa dạng sinh học (Viện Chăn nuôi) khẳng định, hươu sao hiện tại ở Việt nam không thể còn xem là động vật hoang dã, vì nhiều tài liệu cho thấy, hươu sao rừng của Việt Nam đã mất hết trước năm 1970. Mặt khác, hươu sao đã được người dân Hương Sơn (Hà tĩnh) thuần hóa từ lâu, và đã được nhà nước hỗ trợ nuôi dưỡng. Hiện nay có khoảng 30.000 con tại huyện này và 10.000 con ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An). Từ đây, hươu lan tràn đi các nơi trong cả nước. Ông Sự cũng cho hay, bản thân ông đã từng có ý định mở một cuộc hội thảo về vấn đề đưa hươu sao khỏi danh sách động vật hoang dã và ý định này được huyện Hương Sơn, Quỳnh Lưu hưởng ứng. Tuy nhiên sau đó thấy các tỉnh có hươu này cũng đã xem hươu là động vật nuôi nên đã không tổ chức. Cũng theo ông Sự, ông sẽ có văn bản gửi Chi Cục Kiểm lâm Đồng Nai; UBND huyện Vĩnh Cửu đề nghị xem xét lại ý định phạt tiền, tịch thu đàn hươu.

Trao đổi với PV NNVN, ông Lê Việt Dũng, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai cho biết, căn cứ đúng theo quy định pháp luật về lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản sẽ có biện pháp xử phạt, tịch thu. Sau khi bị tịch thu, người nuôi được quyền mua lại vật nuôi của mình. Như vậy, khi bị tịch thu, người nuôi nai buộc phải bỏ tiền ra mua lại chính vật nuôi của mình. Tuy nhiên, với giá trị con giống hiện nay người dân sẽ mất một khoản tiền không nhỏ nếu muốn giữ được tài sản cho mình.

Theo ông Dũng, thực tế có nhiều hộ khó khăn đã phải vay vốn đầu tư vào đàn hươu nai nên việc tiếp tục phải bỏ tiền ra để mua lại vật nuôi của mình là điều không thể. Năm 2007, Chi cục đã cấp xong giấy chứng nhận cho người dân nuôi hươu nai, nhưng khi thấy nghề nuôi hươu nai có giá trị kinh tế nên nhiều hộ dân đã ồ ạt mua giống về nuôi thử. Tuy nhiên, các hộ này nuôi tự phát, không báo lên Hạt Kiểm lâm xuống lập biên bản kiểm tra, kê khai để chứng minh được nguồn gốc và dẫn đến tình hình như hiện nay.

Xem thêm
Siêu thị tung khuyến mãi, kích cầu tiêu thụ hàng trăm tấn xoài Đồng Tháp

TP.HCM Đồng hành cùng nông dân và HTX đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trái cây, MM Mega Market Việt Nam cam kết tiêu thụ 150 tấn xoài Đồng Tháp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Phân bón Cà Mau dành 1 tỷ đồng hỗ trợ nông dân vùng hạn mặn

Gói hỗ trợ thể hiện tinh thần tiên phong vì cộng đồng của Phân bón Cà Mau và hưởng ứng Lễ phát động Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường 2024.