| Hotline: 0983.970.780

Nuôi ong dú thích ứng biến đổi khí hậu

Thứ Hai 15/01/2018 , 14:50 (GMT+7)

Trong khi các mô hình chăn nuôi bị thiệt hại nặng nề do bão số 12 thì mô hình nuôi ong dú của ông Lê Duy Vũ ở thôn Tây 3, xã Diên Sơn, huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) vẫn sinh trưởng và phát triển tốt. Vậy ông có “bí kíp” gì?

* Thu nhập trên 300 - 500 triệu đồng/năm

“Đó là nhờ xây nhà cho ong ở”, ông Vũ chia sẻ với PV NNVN. Mô hình này không chỉ giúp đàn ong dú “vượt” qua mùa mưa bão không bị đổ sập, mà còn tạo điều kiện cho chúng phát triển nhờ mát mẻ trong mùa hè và ấm áp trong mùa đông. Ông chủ động điều hòa nhiệt độ bằng cách đặt nhiệt kế theo dõi và điều chỉnh giàn điện sợi đốt trong nhà.

10-01-03_3
Ông Vũ xây nhà nuôi ong dú mang lại hiệu quả kinh tế cao

Sáng kiến nuôi ong dú thích ứng biến đổi khí hậu đã đoạt giải Ba hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh khánh Hòa lần thứ VII (2016 – 2017).

Ông Vũ kể, gần 20 năm trước, tình cờ phát hiện trong góc nhà có tổ ong dú cho nhiều mật. Từ đó, ông quyết định nghỉ việc tại Cty nhà nước, dùng toàn bộ số tiền tích cóp để mua hơn 100 tổ ong về nuôi.

Những ngày đầu ông đầu tư cất trại bằng trụ gỗ, mái lợp tôn, thùng ong đóng bằng gỗ và ván bìa. Treo thùng nuôi dưới mái che. Nhờ thời tiết thuận lợi, từ năm 1999 - 2005, ong nuôi cho năng suất rất cao, mỗi tổ từ 500 - 700ml mật. Nhưng từ năm 2005 về sau do thời tiết biến đổi thất thường, đặc biệt ảnh hưởng gió mùa Đông Bắc khiến đàn ong dú cứ hao hụt mạnh.

“Ong dú rất khoẻ, nhưng chỉ thích hợp với thời tiết có nhiệt độ từ 28 - 33 độ C. Nếu quá nóng hoặc lạnh ong sẽ chết hàng loạt, nguy cơ phá sản là rất cao. Vì vậy tôi luôn trăn trở làm sao để đàn ong được bảo tồn và phát triển. Sau nhiều lần thử nghiệm cuối cùng tôi đưa ra ý tưởng nuôi ong trong nhà để chủ động điều hòa nhiệt độ”, ông Vũ chia sẻ.

Rồi ngôi nhà bằng gạch do chính tay ông Vũ thiết kế cho đàn ong của mình đã hình thành. Dẫn chúng tôi tham quan, ông Vũ giới thiệu nhà nuôi được xây dựng bằng gạch ống không tô trát, có kích thước chiều ngang 2m, chiều dài 14m, vách cao 3m, chia 5 tầng, mái lợp tôn la-phông, có đặt cửa ra vào. Xây chia ô đặt thùng nuôi cách thùng 50cm2 chỉ để miệng tổ ra ngoài. Thùng nuôi ong được làm bằng ván gỗ chống mối mọt, đầu tư một lần không sửa chữa, có kích thước 16 x 16 x 50cm, 6 mặt đều kín, chỉ chừa một lỗ nhỏ cho ong chui ra, chui vào.

Nếu thời tiết mùa hè nắng nóng sẽ mở 2 cửa đầu nhà thoáng mát; xung quanh vườn trồng cây có tán lá thưa, cao tạo bóng râm. Mùa đông thì chèn thật kỹ các cửa nhà để nhiệt không thoát ra ngoài và được sưởi ấm bằng 4 tầng đèn điện, mỗi bóng cách nhau 1m.

10-01-03_2
Thiết kế giàn điện sợi đốt, đàn ong được sưởi ấm trong mùa đông

Nhờ vậy trải qua biết bao mùa mưa nắng, biết bao cơn bão nhưng đàn ong nhà ông vẫn bay đi tìm phấn hoa khi nắng vừa lên. Và cũng nhờ ngôi nhà này, từ hơn 100 đàn, ông đã gây dựng lên đến 1.000 đàn. Từ đó, ông mạnh dạn cung ứng giống ra thị trường. Từ năm 2012 đến nay, ông đã bán ra cho người nuôi ở các tỉnh phía Nam khoảng 400 đàn.

Cũng theo ông Vũ, dù ong dú có kích thước nhỏ bé, trông như những chú ruồi nhỏ, nhưng có khả năng thụ phấn cho cây trồng tốt và cho mật chất lượng cao. Bởi ong dú không ăn đường mà dùng phấn các loài hoa, kể cả hoa cỏ dại. Phấn hoa kết hợp với dãi ong dú sẽ tạo thành phấn hoa ong, sau thời gian khoảng 200 ngày phấn hoa chuyển thành mật. Mật ong dú có tính sát khuẩn cao, có khả năng chữa lành các bệnh viêm loét đường tiêu hoá, đào thải chất độc hại trong cơ thể…

“Hiện tôi còn 600 đàn ong dú, mỗi năm thu hoạch 300 lít mật ong bán với giá 1,5 triệu đồng/lít. Ngoài ra, tôi còn cung ứng phấn hoa, keo ong với giá khoảng 3 triệu đ/kg và mật thỏi (mật chưa vắt) 1,2 triệu đ/kg; ong giống 3 triệu đ/thùng.

Các sản phẩm ong dú của gia đình được tiêu thụ toàn quốc, chủ yếu bán hàng qua online gửi qua bưu điện đến tay người tiêu dùng. Mỗi năm tôi có lãi từ 300 - 500 triệu đồng”, ông Vũ bộc bạch.

 

Xem thêm
Quảng Ninh có vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm đầu tiên

Tháng 1/2024, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh được Sở NN-PTNT cấp giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm.

Điều tra sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu

Dự án V-SCOPE đã nghiên cứu, phát hiện 3 loài sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu ở Tây Nguyên cũng như việc tưới nước quá mức trên cây cà phê.

Mỗi hộ trồng hàng trăm ha mía vẫn khỏe re

GIA LAI Những năm gần đây, cây mía đã cho nông dân vùng Đông Gia Lai có cuộc sống đủ đầy nhờ tiền vào rủng rỉnh. Cây mía đã khẳng định vị thế trên vùng đất này.