| Hotline: 0983.970.780

Nuôi thương phẩm cá tầm Siberi

Thứ Hai 18/07/2016 , 09:20 (GMT+7)

Trung tâm Nghiên cứu thuỷ sản nước lạnh (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản 1) đã làm chủ công nghệ ương con giống, nuôi thương phẩm cá tầm Siberi.

ThS Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thủy sản nước lạnh cho biết, mỗi năm trung tâm đủ khả năng cung cấp khoảng 20 vạn giống cá tầm cho khu vực miền núi phía Bắc. Giống cá tầm Siberi có thời gian nuôi 1 - 2 năm tùy theo nhu cầu.

Với cá tầm ương giống, sau 2 tháng nuôi từ cỡ 12 - 15 cm (trọng lượng 5 - 7gr/con) đạt trọng lượng khoảng 80 - 100gr với kích cỡ 25 - 30cm, tỷ lệ sống đạt 75%, cá khoẻ mạnh và hạch toán có lãi. Đối với cá thương phẩm, sau khi nuôi 12 tháng từ cá giống cỡ 80 - 100gr, đạt trọng lượng 2kg, với tỷ lệ sống 90%, năng suất đạt 20 kg/m2.

Ưu điểm khi nuôi cá tầm không gây ô nhiễm môi trường nguồn nước, tạo sản phẩm hàng hoá có tính cạnh tranh cao. Đặc biệt, cá có thể nuôi thương phẩm bằng thức ăn công nghiệp sản xuất tại Việt Nam. Trong những năm qua, Trung tâm Nghiên cứu thủy sản nước lạnh đã chuyển giao công nghệ và cung cấp giống cho các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Kết quả thực tiễn từ các mô hình chuyển giao kỹ thuật ương giống và nuôi thương phẩm cá tầm tại các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Sơn La cho thấy, tiềm năng tận dụng nguồn nước chảy từ các sông suối, nguồn nước từ các hồ tự nhiên, hồ chứa hoặc mạch ngầm giàu oxy nuôi cá tầm là khá lớn.

12-59-47_20160710_101835

 

Tổng sản lượng cá từ các mô hình đều trên 15.000 kg, lợi nhuận mỗi mô hình bình quân đều trên 2 tỷ đồng. Các dự án thành công đã góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo công ăn việc làm cho người lao động tại địa phương, khai thác hiệu quả ưu thế về điều kiện tự nhiên của khu vực miền núi phía Bắc.

“Thời gian thu hoạch cá nên tiến hành thu một đợt lọc hết những con to trội để thu, không nên kéo dài làm nhiều đợt gây strees, cá sẽ giảm ăn, tỷ lệ hao hụt lớn. Cá tầm là loài cá sống trong môi trường có hàm lượng oxy cao nên khi thu hoạch thao tác cần nhanh gọn, tránh để chúng trong môi trường không khí lâu cá sẽ chết”, ThS Nguyễn Thanh Hải.

Đặc biệt, nhiều mô hình triển khai tại các tỉnh, phương pháp nuôi cá tầm không quá phức tạp khi có thể nuôi trong bể composite, xi măng, hoặc bằng tôn không gỉ sét với độ sâu nước 1 - 1,2m.

Kích thước bể (m3), đường kính chỉ cần 2 - 2,5 m, cao 1 - 1,2m. Thức ăn của cá tầm là thức ăn công nghiệp chế biến sẵn dạng viên chìm, có thể sử dụng thức ăn nhập hoặc thức ăn sản xuất trong nước nên có tiềm năng, lợi thế để nuôi với quy mô lớn.

Tại những mô hình trên, Trung tâm Nghiên cứu thủy sản nước lạnh chuyển giao cho bà con nông dân cá giống có kích cỡ từ 80 - 100gr/con, đồng đều, khỏe mạnh, không bệnh tật, không dị hình. Mật độ thả đối với nuôi bể là 10 - 15 con/m3. Thời gian nuôi cá tầm từ cá giống cỡ 80 - 100gr/con đến lúc đạt kích cỡ thương phẩm trung bình > 2 kg/con đúng theo lý thuyết trong khoảng 12 - 15 tháng.

Các cán bộ tại Trung tâm Nghiên cứu thủy sản nước lạnh lưu ý, khẩu phần ăn của cá tầm được xác định theo khối lượng cá và nhiệt độ nước, trước khi cho ăn quan sát xem tình trạng bắt mồi của cá để định lượng cho phù hợp với điều kiện.

Về cuối bữa cho cá ăn với lượng nhỏ, ít một, thả ít thức ăn và quan sát trong vòng 10 phút thấy thức ăn bị phân tán, cá không có hoạt động bắt mồi ngừng không cho ăn, như vậy là lượng thức ăn đã đáp ứng đủ khẩu phần.

12-59-47_imge001

 

Đặc biệt, khoảng 15 - 30 ngày cân mẫu cá 1 lần để xác định kích cỡ trung bình và tổng khối lượng cá trong ao để xác định lượng cho ăn bằng cách cân và lấy trung bình khối lượng của 30 cá thể để điều chỉnh lượng thức ăn cho kỳ tiếp theo. Sau khi nuôi 12 - 15 tháng, khi cỡ cá đạt khoảng 2 - 3 kg/con có thể thu hoạch, trước thời gian thu hoạch 2 ngày ngừng cho cá ăn.

Năm 2005, Trung tâm Nghiên cứu thuỷ sản nước lạnh bắt tay thực hiện dự án nhập công nghệ ương giống cá tầm.

Năm 2006, chính thức triển khai đề tài KH-CN cấp Bộ “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ nuôi thương phẩm cá tầm Acipencer baerri”.

Năm 2009, dự án hoàn thành và nghiệm thu, trung tâm đã làm chủ công nghệ ương con giống và nuôi thương phẩm cá tầm trong điều kiện tại Việt Nam.

 

Xem thêm
Biến phụ phẩm nông nghiệp thành nguồn thức ăn chăn nuôi chính

Thay đổi thói quen canh tác, nhiều nông dân ở huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã biến những phế phẩm nông nghiệp sau thu hoạch thành thức ăn chăn nuôi cho hiệu quả cao.

Tiêm vacxin bao vây ngăn bệnh viêm da nổi cục lây lan

Quảng Bình Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đang tập trung chỉ đạo các địa phương tăng cường tiêm vacxin, ngăn chặn bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò lây lan.

Xây dựng dữ liệu số phục vụ quản lý sản xuất lúa

Ngày 22/4, Cục Trồng trọt phối hợp cùng IRRI tổ chức hội thảo tham vấn, đánh giá và xây dựng hệ sinh thái dữ liệu số phục vụ quản lý sản xuất lúa hiệu quả.

Trồng hành tăm, giải pháp hoàn hảo cho vùng hạn

NGHỆ AN Thay vì quanh năm ứng phó với hạn hán, Nghệ An đã linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Hành tăm - loại cây ‘sợ nước' là một lựa chọn hoàn hảo.